Hôm nay con có vui không?

01/03/2022 - 09:34

PNO - Đó là câu tôi từng tự hỏi sau gần một giờ đồng hồ nói chuyện với cậu học sinh lớp tôi chủ nhiệm.

Là mẹ, tôi đã thật tâm nói với con hằng ngày để thiết lập kênh giao tiếp, bằng một tâm thế sẻ chia thấu cảm chưa, hay cũng chỉ là qua loa cho có vẻ, vì tôi từng nghĩ, trẻ con thì có vấn đề gì nghiêm trọng đâu. Cha mẹ la mắng ư? Bình thường mà, như thế mới nên người.

Việc học nặng nề ư? Bình thường mà, học thì thấm vào đâu so với đi làm cực khổ kiếm tiền. Quan hệ bạn bè, tình cảm yêu đương ư? Ôi, chuyện tầm phào con nít. Thể diện, cảm xúc ư? Trẻ con mà, bày đặt quá!

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Bấm dòng tin cuối cùng gửi cho em, tôi không biết mình sẽ trằn trọc bao lâu. Những dòng tin nhắn của em, tôi đọc mà lòng nặng trĩu: “Có bao giờ cô gọi con cô là nỗi sỉ nhục chưa? Ba mẹ em thì có. Em đã chịu đựng nhiều năm rồi. Giờ không chịu nổi nữa. Cứ mang em ra so với em gái, chì chiết những lỗi lầm cũ. Cứ bắt em phải giống người ta. Em nhịn nhiều rồi. Cô để em được tự do thanh thản đi cô”.

Tôi nhớ mình đã khóc khi nghe mẹ cậu bé nói: “Nó lì lợm, chị bỏ”. Tôi khóc vì thương hai mẹ con. Sao những người vốn yêu thương nhau lại trở nên như vậy? Chúng ta đã từng nắm tay con rất chặt, con níu mẹ mọi lúc mọi nơi, để rồi bây giờ không còn tìm thấy nhau từ lúc nào và vì lý do gì?

Tôi nhớ mình đã cân nhắc từng từ để nói chuyện với em. Khi em bỏ nhà đi gần một tuần, gia đình không biết em đi đâu. Tôi có cảm giác cậu trai trẻ ấy đã bị thương. Tôi nương em như nương một chồi non đã qua bão tố. Từng dòng tin dài đổ về máy tôi càng lúc càng nhiều. Tôi thấy mình may mắn khi tìm và nghe em nói kịp thời. Năm ấy, em trở lại trường, tôi đã bật khóc vì vui… 

Con trẻ không hề đơn giản như chúng ta nghĩ. Có rất nhiều thứ đến mà bản thân con không kịp trải nghiệm và suy nghĩ để đón nhận. Nó quá lớn. Ở góc nhìn non nớt, trẻ nào có thấy mình được vui? Nếu không có niềm vui thì lý do ta tồn tại trên đời này là gì?

Chúng ta hay hỏi nhau về điểm số, thành tích, về trường chuyên lớp chọn nơi con học. Chúng ta hay hỏi nhau công việc làm ăn, về số tiền kiếm được, về chiếc xe đang đi. Chúng ta nhìn nhau bằng những tấm ảnh lấp lánh trong các kỳ du lịch đăng trên Facebook. Bao nhiêu người hỏi thật tâm và muốn nghe thật lòng: “Bạn/em/cháu có vui không?”.

Những nỗi buồn hay vướng mắc về cuộc sống, bằng bản lĩnh cá nhân và sự từng trải, người lớn có thể từ từ hóa giải. Con trẻ, nếu một thân một mình, như người chưa biết bơi hoặc chỉ mới chập chững quẫy nước bị quăng ra biển khơi, xoay trở kiểu nào? 

Máy tính, điện thoại, một thế giới mở, rồi dịch bệnh như chiếc vòng kim cô ngày càng siết chặt trẻ. Có lẽ đã đến lúc người lớn cần nghiêm túc nhìn nhận niềm vui của con quan trọng hơn việc cho con mang giày hiệu nào, uống sữa chưa, học được bao nhiêu điểm… Để vui vẻ thì những thứ bên ngoài chỉ là phương tiện. Mà đã là phương tiện thì hoàn toàn có thể lựa chọn hay thay thế. Sinh mệnh là duy nhất và nỗi đau mất một người yêu thương - nếu là con mình - là nỗi đau lớn nhất đời, tựa một nỗi đọa đày.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nói với nhau một điều: được vui vẻ mỗi ngày là thứ thật sự cần nhất. Có lẽ đã đến lúc chúng ta hiểu rằng sự hiện hữu và niềm vui của những người mình thương yêu là quan trọng nhất. Tâm niệm như thế, người lớn mới có thể nương những cái cây con đợi ngày vững chãi. 

Vậy nên, để tránh sự đau lòng tiếc nuối như những ngày qua, những đứa trẻ đang tìm cách rời bỏ chúng ta mãi mãi, hãy hỏi một câu thật tâm tha thiết: “Con có vui không?”. 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI