Hôm nay con có về ăn cơm?

22/09/2024 - 17:59

PNO - Thế giới của con là thế giới ngoài đồng ngoài bãi, ngoài đường, nhộn nhịp ồn ào cuồn cuộn như dòng sông chảy xiết. Thế nhưng, con có biết với một người mẹ, con luôn là cả thế giới?

Chị nấu ăn không giỏi. Những năm 80 của thế kỷ trước, hằng ngày bếp nhà nào cũng vậy, nhiều lắm là kho nồi thịt nồi cá hay luộc rau. Chị còn nhớ những ngày mưa dầm hay nước nổi, trên bàn ăn cả nhà chỉ có nồi nước mắm kho quẹt với chút nước mỡ heo cùng dĩa rau tập tàng luộc. Trái trứng luộc dầm nước mắm, chỉ có trẻ nhỏ và người già mới được phần. Có nấu cái gì ra món ra tấm đâu mà biết nấu ăn!

Lớn lên, kinh tế gia đình khá hơn một chút, chị đi học xa, ở trọ, không ăn cơm bụi thì cũng rửa chén nhặt rau cho chúng bạn nấu. Cái bếp dầu có chút xíu, vài con cá, miếng thịt, miếng tàu hũ hay 1-2 trái trứng, 5-7 đứa chộn rộn làm chi cho vướng tay vướng chân, nên phân công mỗi đứa 1 việc.

Đến ngày theo chồng, kiến thức và kinh nghiệm nấu ăn của chị không có gì ngoài nấu cơm lúc vừa, lúc nhão cùng với luộc trứng, luộc rau. Thịt heo ở vị trí nào, chọn ra sao cho ngon; con cá, con gà làm sao, rửa ra sao cho sạch; trái bưởi, trái dưa hấu như thế nào là ngon… - chị mù mờ như lạc vào mê hồn trận.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

***

Nhiều năm trôi qua, thi thoảng có dịp họp mặt, mấy cô em chồng vẫn nhắc lại chuyện nấu ăn lúc xưa của chị cho mấy đứa cháu gái nghe rồi ôm nhau cười vang. Đó là ngày cuối tuần đầu tiên chị về làm dâu. Sáng sớm, mẹ chồng nói, các cô em về với vài người bạn của mẹ đến chơi, nấu cái gì cả nhà ăn uống cho vui.

Chị hồi ấy 23 tuổi, trẻ măng, đâu dám nói gì. Mẹ kêu nói gì cũng im dù lòng hoang mang tột độ. May sao, vốn là nhà giáo kỹ tính, bà xé tờ lịch cũ trên tường, ghi tất cả những gì cần mua, số lượng như thế nào đưa cho chị. Đến giờ, chị vẫn chưa nghĩ được, nếu không có tờ giấy ấy, chị sẽ loay hoay ở một ngôi chợ Sài Gòn toàn người lạ, chẳng biết làm thế nào, cũng chẳng biết hỏi ai để mua đủ nguyên liệu cho món bún riêu chị chưa từng nấu và cũng không thường ăn.

Các cô em chồng đều lớn tuổi hơn chị, cả 2 cô lúc ấy đều có con nhỏ nên về trễ. Các cô bạn của mẹ chồng thì lớn tuổi, ngồi trước nhà ôn chuyện ngày xưa. Chị nhớ mẹ có hỏi: “Con nấu được không?” rồi bà nói qua cách làm. Chị cố ghi nhớ thật nhanh, rồi trả lời là được. Nhưng chỉ có chị mới thực sự biết mình nấu được không.

Mấy tiếng đồng hồ trôi qua, chị không chỉ nấu xong, còn trải bàn ăn, cắm hoa, bày biện trái cây thật đẹp. Các cô em chồng ngỡ ngàng, mẹ chồng chị cười tươi hớn hở. Có lẽ bà không nghĩ chị có thể nấu và bài trí tinh tươm đến vậy. Cho đến khi mọi người đưa lên miệng muỗng đầu tiên…

Chị cũng ngồi, chưa kịp ăn, cũng chưa hiểu tại sao ai nấy đều nhìn nhau. Thì ra chị đã để nguyên xác 1kg cua xay và nấu thành nước dùng. Cả nhà ai nấy như đang ngậm cát. Nhả được ra rồi, tất cả cùng phá lên cười, không nín được. Mọi người cười còn chị chảy nước mắt. Nước mắt chị cứ vậy chảy ra vì hổ thẹn, vì cảm thấy mình có lỗi, vì cảm thấy bản thân thật tệ.

Đến giờ nhớ lại, chị cảm thấy như còn nguyên sự ngượng ngùng chưng hửng ngày đó. Nhiều lần trong thâm tâm chị hứa với lòng rằng nhất định mình sẽ không quên, sau này sẽ tránh cho con dâu mình. Chị sẽ chỉ dẫn tận tình hơn, sẽ gần gũi hơn để con không sợ sệt như chị mà lâm vào tình huống dở khóc dở cười như vậy.

***

Sinh con, chị lớn lên cùng con. Con ăn cháo, chị biết nấu cháo. Con biết ăn rau câu, bánh flan; chị biết làm rau câu, bánh flan. Chị biết chiên cánh gà, biết nấu phở, biết cả làm trân châu để pha trà sữa lúc con học tiểu học. Con thích xôi tím, chị mua lá cẩm, lem nhem vây bẩn tay chân quần áo nấu nước ngâm nếp, cũng có món xôi tím.

Lạ một điều, chưa bao giờ chị cảm thấy mệt, cảm thấy phiền, cảm thấy vất vả khi nấu cho con ăn. Phải chăng khi yêu thương ai đó bằng tình yêu phát khởi từ trái tim thì ta làm gì cho họ cũng không thấy phiền? Phải chăng khi yêu thương ai đó bằng tình yêu phát khởi từ trái tim, ta sẽ học cách hoàn thiện bản thân để tốt hơn mỗi ngày mà không hề cảm thấy áp lực hay nặng gánh?

Giờ các con đã lớn, đi làm đi học, 1 tuần 1 tháng không mấy lần ăn cơm với ba mẹ nữa. Bữa sáng chị luôn chuẩn bị sẵn nhưng con dậy trễ, vội vã chạy đi vì muộn, chỉ kịp rớt lại câu nói: “Lát con ăn bánh mì cho tiện!”. Bữa tối, đứa hôm nay đi với công ty, mai đi với bạn gái; đứa bận học thêm tiếng Nhật, rồi đi làm thêm….

Chiều nào trước khi mở tủ lạnh để đem đồ ăn ra chuẩn bị nấu, chị đều nhắn: “Hôm nay con có về ăn cơm không?” bằng tâm trạng háo hức. Trong khi đợi chúng trả lời, chị nghĩ đến món xíu mại, cánh gà chiên nước mắm thằng lớn thích; món mắm chưng trứng thịt thằng nhỏ thèm…

Thật lâu sau, điện thoại báo tin nhắn: “Con không ăn cơm nha mẹ!”, “Con đi với bạn rồi nha mẹ”. Chị bỏ thịt, bỏ mắm, bỏ trứng, bỏ cánh gà vào tủ lạnh trở lại. Nếu chỉ có vợ chồng chị thì không cần làm thêm nhiều món nữa, chỉ dĩa rau luộc cùng món mặn buổi trưa là xong. Ngoài 50 tuổi, có nhiều dấu hiệu báo động về sức khỏe, anh chị ăn uống kiêng khem, vả lại cũng không còn ngon miệng như ngày trẻ.

Nhìn mãi dòng tin nhắn của con, tự nhiên chị nghe hệt như ngày còn nhỏ, đứng sau hiên nhà, ngóng mẹ đi chợ về. Thấy dáng mẹ thấp thoáng là mấy chị em mừng rỡ, ùa ra kéo lê cái giỏ của mẹ. Nếu không thấy bánh bò, bắp giã, cốm, chôm chôm…, không biết có phải là hụt hẫng tủi thân, chỉ biết rằng lòng hiu hiu buồn. Bây giờ cũng vậy! Chẳng lẽ chị chưa già mà lòng đã hóa trẻ thơ?

***

Con lớn, nhất là con trai, thời nào cũng vậy. Thế giới của con là thế giới bên ngoài, nhộn nhịp ồn ào cuồn cuộn như dòng sông chảy xiết; đâu có quẩn quanh trong gian bếp, đâu có đơn giản một con đường từ chỗ làm về nhà như mẹ. Con cần khám phá, hiểu biết thêm nhiều điều mới. Chúng sẽ là những bài học quý giá cho sự trưởng thành của con. Con còn cả thế giới để khám phá. Thế nhưng, con có biết với một người mẹ, con luôn là cả thế giới?

Chị có thể hơi yếu đuối, đi bộ một quãng là phải ngồi xuống thở nhưng khi con đau ruột thừa cấp tính, từ cổng bệnh viện đến phòng cấp cứu xa chừng 500m, chị có thể cõng con - một cậu trai cao hơn 1,7m nặng gần 70kg; lúc đó học lớp Chín - trước đôi mắt ngỡ ngàng của nhiều người. Chỉ nghĩ đến máu chảy là chị choáng váng nhưng lúc con nghịch làm bể bồn rửa mặt trong nhà tắm, tay bị thương hai ba chỗ, chị có thể bế con chạy bộ gọi xe đi cấp cứu, ngồi đợi con gây mê khâu vết thương...

Chị có thể không biết nấu ăn và chưa bao giờ thích nấu ăn. Nấu ăn mất thời gian, đứng lâu mỏi chân, mùi thức ăn bám vào người, trời nóng bức không được dễ chịu lắm… nhưng chị vẫn nấu mỗi ngày vì muốn nhìn thấy con ăn ngon lành, muốn thấy con lớn lên, muốn được nói với con vài ba câu, quan trọng nhất là để các con biết rằng dẫu lớn thế nào, đi đâu, giỏi giang, có cuộc sống riêng ra sao thì các con vẫn luôn gần đây, sát bên mẹ.

Nên, ngày mai, ngày kia… chị vẫn sẽ luôn tần ngần đứng trước tủ lạnh nghĩ đến những món 2 đứa thích và nhắn mỗi chiều: “Hôm nay con có về ăn cơm không?”.

Triệu Vẽ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI