Vì sao lại là Vệ sĩ Sài Gòn?
Vệ sĩ Sài Gòn không phải là bộ phim đầu tiên của Việt Nam được Hollywood làm lại. Trước Vệ sĩ Sài Gòn, Cô hầu gái của đạo diễn Derek Nguyễn cũng đã được Mỹ mua để làm lại. Thời điểm đó, thông tin biên kịch Geoffrey Fletcher sẽ đảm nhận viết lại kịch bản Cô hầu gái bản Mỹ càng khiến khán giả Việt trông đợi bởi ông từng đạt Oscar cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất năm 2010, phim Precious.
Tuy nhiên, nếu so về độ hoành tráng của 2 thương vụ điện ảnh thì Vệ sĩ Sài Gòn nổi bật hơn hẳn. Phim được hãng Universal, một trong những “ông lớn” của Hollywood chọn mua. Dự án sẽ do anh em nhà Russo (Anthony Russo và Joseph Russo) từng đạo diễn loạt phim siêu anh hùng thuộc “vũ trụ” điện ảnh Marvel như Captain America 2: Chiến binh mùa đông, Avengers: Cuộc chiến vô cực và Avengers: Hồi kết... sản xuất.
Trailer phim Vệ sĩ Sài Gòn:
Chưa hết, vai chính của Vệ sĩ Sài Gòn từng do Thái Hoà - Kim Lý đảm nhận sẽ được giao cho Chris Pratt và Ngô Kinh - 2 nam diễn viên nổi tiếng của màn ảnh quốc tế. Với những thông tin “khủng” trên, thương vụ Hollywood mua lại Vệ sĩ Sài Gòn là một sự kiện lớn của điện ảnh Việt.
Vậy tại sao Hollywood lại mua Vệ sĩ Sài Gòn mà không là một tác phẩm nào khác của điện ảnh Việt?
“Hollywood mua Vệ sĩ Sài Gòn vì kịch bản phim phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả quốc tế. Phim đề cập đến những vấn đề mà tất cả chúng ta đều có thể gặp phải như tình bạn, tình yêu, gia đình. Bên cạnh đó, phim còn có yếu tố hành động, hài hước – 2 yếu tố kinh điển hấp dẫn khán giả”, Kim Lý - nam diễn viên kiêm nhà sản xuất (NSX) của phim giải thích.
|
Diễn viên Kim Lý và Thái Hoà trong phim Vệ sĩ Sài Gòn |
Trả lời cho câu hỏi này, đạo diễn – NSX Charlie Nguyễn cho rằng Vệ sĩ Sài Gòn là bộ phim có kịch bản thú vị, đảm bảo tính giải trí cao cũng như có thể quay ở bất kỳ bối cảnh, quốc gia nào. Về ý kiến cho rằng Vệ sĩ Sài Gòn ít mang yếu tố văn hoá của Việt Nam nên mới được Hollywood chọn mua, đạo diễn Charlie Nguyễn phủ nhận.
“Việc chọn một phim nào đó để remake sẽ không bị tác động nhiều bởi yếu tố văn hoá của một quốc gia, mà thường người chọn nhắm tới yếu tố kịch bản. Nếu kịch bản hay, có nhiều chi tiết có thể tiếp tục khai thác thì nhà sản xuất sẽ mua lại. Do đó, nếu nói Vệ sĩ Sài Gòn ít yếu tố văn hóa của Việt Nam thì không phải vì chẳng phải ngay trong tên của phim đã có một địa danh của Việt Nam rồi sao?”, nam đạo diễn nói.
Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng, người từng thực hiện remake thành công phim Anh trai yêu quái (kịch bản gốc của Hàn Quốc) cũng khẳng định: “Lý do đơn giản nhất để chọn remake một bộ phim nào đó là khi đạo diễn hoặc nhà sản xuất thấy bộ phim hay và có “đất” để họ tiếp tục khai thác. Giống như tôi từng chọn làm lại phim Anh trai yêu quái hay đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chọn làm lại Tiệc trăng máu, chúng tôi ấn tượng bởi kịch bản và muốn kể lại câu chuyện đó theo cách của mình. Vệ sĩ Sài Gòn được Hollywood mua cũng không nằm ngoài lý do đó”.
Điện ảnh Việt chinh phục quốc tế: Cách nào?
Vệ sĩ Sài Gòn, Cô hầu gái chinh phục các nhà làm phim của Hollywood, đây là tín hiệu vui của điện ảnh Việt. Nhưng từ đây, liệu con đường đi ra quốc tế của các phim Việt Nam đã thật sự rộng mở?
Diễn viên - NSX Kim Lý cho biết khi phim được đại diện của hãng Universal ngỏ lời mua, anh khá bất ngờ vì không nghĩ đợt mang phim sang chiếu tại Mỹ lại mang về một phi vụ ấn tượng. Chuyện “mang chuông đi đánh xứ người” cũng là một cách tiếp cận mà đạo diễn Hữu Tấn của Bắc kim thang và sắp tới là Tà Năng – Phan Dũng cho rằng nên được suy xét kỹ để tăng cơ hội quảng bá, hợp tác cho phim.
|
Hình ảnh phim Cô hầu gái, ra mắt năm 2016 |
“Trước đây, tôi và một số nhà làm phim khác không nghĩ rằng phim mình làm ra có thể sẽ được Hollywood mua lại. Còn bây giờ, thương vụ của Vệ sĩ Sài Gòn chứng tỏ điện ảnh Việt Nam ít nhiều đã được một số nước để ý, và những nhà làm phim như tôi có quyền nghĩ đến những mục tiêu xa hơn: chinh phục các hãng phim lớn của quốc tế bằng việc đưa phim chiếu tại các sự kiện điện ảnh hay ngay tại rạp chiếu của nước ngoài”, đạo diễn Hữu Tấn cho biết.
Với Bắc kim thang, đạo diễn Hữu Tấn cũng từng đưa phim tham dự Liên hoan phim (LHP) quốc tế Busan 2019 trước khi ra rạp phục vụ khán giả Việt. Tại Busan năm đó, điện ảnh Việt đã có 5 phim tham dự gồm Bắc kim thang, Bí mật của gió, anh trai yêu quái, Thưa mẹ con đi và Ròm. Với Tà Năng – Phan Dũng, dự kiến ra mắt vào tháng 4/2021, phim cũng đã được đạo diễn Hữu Tấn và NSX “chào hàng” tại một số quốc gia. Theo nam đạo diễn, Tà Năng – Phan Dũng đã nhận được một số lời đề nghị khá hấp dẫn nhưng chưa thể tiết lộ.
Ngoài chuyện chủ động tìm đường đưa phim tiếp cận khán giả quốc tế, đạo diễn Hữu Tấn cho rằng các nhà làm phim cần quốc tế hoá kịch bản để có thể làm nên những phi vụ hợp tác lớn hơn trong tương lai. “Quốc tế hoá” ở đây được nam đạo diễn định nghĩa là một bộ phim dễ cảm, dễ xem để dù bạn ở quốc gia nào cũng có thể thưởng thức được.
|
Phim Bắc kim thang từng được giới thiệu tại LHP quốc tế Busan 2019 trước khi ra rạp ở Việt Nam |
Nhiều đạo diễn, NSX phim khi được hỏi đều đồng ý kiến với đạo diễn Charlie Nguyễn: yếu tố mấu chốt để phim Việt chinh phục khán giả quốc tế là kịch bản. Theo anh, nếu có một kịch bản phim đủ tốt, các nhà làm phim quốc tế sẽ nhìn thấy được tiềm năng của phim khi remake và chọn mua. Diễn viên Kim Lý cho biết kịch bản cũng là yếu tố được anh chú trọng hàng đầu sau dự án Vệ sĩ Sài Gòn.
Để phim Việt chinh phục quốc tế, đặc biệt là những nhà làm phim nước ngoài là câu chuyện không đơn giản. Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam thời gian qua đã có những khởi sắc nhất định và chuyện mơ đến những màn hợp tác với "ông lớn" là điều hoàn toàn có thể, đặc biệt sau sự kiện của Vệ sĩ Sài Gòn. Trong đó, 2 yếu tố mà các nhà làm phim Việt cho rằng phải luôn được lưu tâm là kịch bản và các kênh phát hành.
Đã đến lúc, kịch bản phim phải được đầu tư hơn và cũng đã đến lúc, việc chủ động đưa phim tiếp cận quốc tế để mở ra những cơ hội phải được nghĩ đến một cách nghiêm túc hơn.
Diễm Mi