Đọc thông tin Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố về sách giáo khoa (SGK) năm nay, cảm giác đầu tiên của tôi là phẫn nộ, cực kỳ phẫn nộ.
Nếu bộ sách giáo khoa lớp 3 hiện hành (chưa bao gồm sách tiếng Anh) có giá chỉ khoảng 60.000 đồng/bộ thì giá sách giáo khoa mới công bố là gần 210.000 đồng/bộ. Trong khi đó, năm học tới, tiếng Anh không còn là môn tự chọn nữa mà là môn bắt buộc. Tính luôn môn này, giá mỗi bộ SGK của lớp 3 sẽ hơn 300.000 đồng.
Tương tự, giá bộ sách giáo khoa lớp 7 hiện hành (chưa bao gồm sách tiếng Anh) có giá bìa gần 120.000 đồng/bộ, trong khi đó bộ sách giáo khoa mới (cũng chưa bao gồm sách tiếng Anh) là gần 210.000 đồng/bộ; giá của bộ sách giáo khoa lớp 10 hiện 164.000 đồng/bộ thì sang năm mới, giá này tăng gấp đôi.
Hơn chục năm nay, năm nào cũng xuất hiện bài ca cải tiến, đổi mới SGK. Các nhà giáo dục lấy lý do phải cải tiến để bắt kịp trình độ giáo dục thế giới, để kịp thời cập nhật những tiến bộ của nhân loại… Nhưng trình độ giáo dục được “nâng cấp” đâu chưa thấy, chỉ thấy lưng các phụ huynh nghèo ngày càng còng thêm, mồ hôi họ thêm mặn chát trên cánh đồng… Với các hộ gia đình nghèo, để đủ tiền cho một bộ SGK, họ phải dè sẻn, nhịn các khoản khác. Mà đâu chỉ mỗi SGK, còn có các loại sách tham khảo, nâng cao…
Tôi tin rất nhiều người khi nhìn câu chuyện này, sẽ đều có chung suy nghĩ rằng nếu cách đây vài chục năm, tình trạng SGK như hiện tại thì có thể đã có không ít người rơi vào cảnh thất học.
Những năm đó, cứ đến gần mùa tựu trường, cái xóm nhỏ của tôi lại rộn ràng hẳn lên, nhà nọ “giao lưu” nhà kia, có khi là xóm nọ với xóm kia, để mượn SGK cho con. Một bộ SGK có thể qua “chục đời” người sử dụng. Bọn trẻ chúng tôi khi ấy mỗi lần giở sách là nâng niu hết sức, vì đều hiểu rằng sau mình, sẽ có một đứa khác đến trường với bộ sách này. Nhà hàng xóm tôi đông con, 5 đứa liền tù tì, trong các trang của bộ SGK ấy có đủ 5 cái tên của 5 đứa con được viết nguệch ngoạc - giờ tất cả đều là bác sĩ, kỹ sư - và bộ SGK ấy trở thành kỷ vật quý của gia đình.
Ngày đó, chỉ mỗi việc tìm loại giấy bao bìa bộ SGK mượn ấy sao cho đẹp, cho mới cũng đã là cả vấn đề đối với gia đình tôi, và rất nhiều năm tôi phải tận dụng loại giấy xi-măng (là vỏ bao xi-măng) hoặc tờ giấy báo Nhân Dân ai đó vứt đi, vuốt thẳng thớm để bao sách lại. Thứ duy nhất tôi xin tiền mẹ mua là bộ nhãn tên có đường diềm đẹp mắt, còn lại, hồ dán cũng được thay bằng những hạt cơm mềm vét trên miệng nồi. Vậy nhưng không phải năm nào tôi cũng có bộ nhãn tên đẹp, có năm tôi phải tự dùng bút kẻ lên giấy trắng rồi lấy kéo cắt thành chiếc nhãn tên cho mình…
Nếu ngày đó, SGK mỗi năm mỗi đổi như bây giờ, chắc tôi đã phải ở nhà… chăn bò. Bạn bè tôi cũng vậy, lắm lúc mượn sách không ra, 2 đứa phải học chung 1 bộ. Nếu ngày đó SGK chẳng những đổi theo từng năm mà còn tăng giá theo cấp số nhân, thì đội ngũ mục đồng của Việt Nam hẳn chắc cũng nhiều cấp số nhân theo.
Tôi có lần từng nghe một doanh nhân nói, ở Việt Nam có 2 lĩnh vực kinh doanh rất “sướng”, vì hầu như người dân không có lựa chọn khác, là giáo dục và y tế. Dù thấy nhận định này hơi quá, và sẽ hơi nặng lời nếu cho rằng nền giáo dục hiện tại nặng tính kinh doanh, nhưng cũng có thể hiểu nổi cuộc loay hoay của ngành giáo dục nhiều năm trở lại đây. Trong cuộc lay hoay đó, phụ huynh nghèo ngày càng vất vả hơn. Một nền giáo dục hiệu quả là không tạo áp lực, không trở thành gánh nặng trên vai bất kỳ tầng lớp nào, điều này rõ ràng giáo dục Việt Nam chưa làm được.
Hà Phương (Bình Thạnh, TPHCM)