Hồi ức về nơi "Dập dìu tài tử giai nhân..."

18/08/2023 - 15:29

PNO - Trong "Hồi ức Phú Nhuận", nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận nhắc đến những tên đường, những địa danh có liên quan và gắn bó với văn nghệ sĩ Sài Gòn xưa.

Hồi ức Phú Nhuận là tác phẩm mới nhất của nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận, vừa được Phương Nam Books và Nhà xuất bản Thế Giới phát hành.

Sau các tập sách chuyên khảo, hồi ký Sài Gòn - Chuyện đời của phố, Phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn - Ngoảnh lại trăm năm…, nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận tiếp tục viết về mảnh đất nơi gia đình ông từng sinh sống và gắn bó cho đến nay.

Tác phẩm vừa ra mắt của nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận
Tác phẩm vừa ra mắt của nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận, với 2 ấn bản bìa cứng và bìa mềm

Những trang viết cho một vùng đất đặc thù không chỉ là câu chuyện của lịch sử - văn hóa mà còn là câu chuyện của con người, của hồn cốt đô thị, trải qua trăm năm. Phú Nhuận từng là vùng đất hoang, thuở ban đầu chỉ có vài hộ gia đình lưu dân đến khẩn hoang lập ấp. Ngày nay, nơi này đã trở thành một quận gần trung tâm, trải qua bao thăng trầm và phát triển cùng thành phố.

Đây cũng là nơi an cư của nhiều văn nghệ sĩ. Trong tác phẩm lần này, nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận đã dành riêng 2 phần Dập dìu tài tử giai nhânÔn chuyện xưa để viết về những con người tài danh của vùng đất này.

Trên trang cá nhân, nhà văn chia sẻ: "Tôi ngạc nhiên khi có đông đúc văn nghệ sĩ từng sống ở đây. Cư xá Chu Mạnh Trinh với các tên tuổi hàng đầu như Phạm Duy, Năm Châu - Kim Cúc, Kim Thoa, Bà Tùng Long, Duyên Anh, Dương Thiệu Tước, Thẩm Thúy Hằng... Phú Nhuận còn là nơi sinh sống của nhà văn Hồ Biểu Chánh, danh họa Nguyễn Gia Trí, nghệ sĩ Kim Cương... và nhiều văn nghệ sĩ khác".

Cổng xe lửa số 8. Tranh của họa sĩ Phạm Công Tâm trong tác phẩm
Cổng xe lửa số 8. Tranh của họa sĩ Phạm Công Tâm trong tác phẩm - Ảnh: Facebook nhà văn Phạm Công Luận

“Các nghệ sĩ của Sài Gòn một thuở, những bóng sắc huyền thoại, những danh ca một thời, những nhà văn nhà báo của nửa thế kỷ trước từng sống ở đây, hầu như không còn ai ở lại cư xá này, trừ căn nhà 215D/16 năm xưa của nghệ sĩ Năm Châu, nay đã ngăn thành 2 căn cho gia đình 2 người con và đổi thành địa chỉ mới” - trích bài viết Cư xá của các nghệ sĩ.

Phú Nhuận hiện nay có đường Hồ Biểu Chánh (nằm trên địa bàn phường 12, dài khoảng 340m), được đặt theo tên của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Trước năm 1954, đó là một con hẻm, sau đó được mở rộng và mang tên Hồ Biểu Chánh vào năm 1958, sau khi nhà văn qua đời. Chuyện về nơi nhà văn Hồ Biểu Chánh đã sống vào những năm cuối đời cũng được kể lại trong Hồi ký Phú Nhuận.

Ngoài ra, sách còn có những bài viết hoài niệm về những con đường Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Trọng Tuyển (xưa là đường Nguyễn Minh Chiếu), Hoàng Văn Thụ (xưa là đường Võ Tánh)…; những nơi chốn, quán ăn, tiệm cà phê xưa mà giờ không còn nữa.

Tranh bìa sách là hẻm trên đường Trần Huy Liệu, nơi nhà văn Phạm Công Luận và gia đình đang sinh sống
Tranh bìa sách là con hẻm trên đường Trần Huy Liệu, nơi nhà văn Phạm Công Luận và gia đình đang sinh sống

Tác phẩm gồm 60 bài viết, được thể hiện theo mạch thời gian từ xưa đến nay: Mấy nẻo đường quen, Nơi chốn đi về, Dưới mái trường xưa, La cà quán xá, Giải trí và rèn luyện thân thể, Cơ sở làm ăn… Bên cạnh đó, còn có phần phụ lục điểm qua 6 giai đoạn hình thành và phát triển của Phú Nhuận.

Tác giả viết về vùng đất ở nhiều khía cạnh: lịch sử, văn hóa, tâm lý, lối sống, giải trí, kinh doanh…; nhiều ảnh tư liệu cùng với bộ tranh minh họa của họa sĩ Phạm Công Tâm và Trương Ánh Mai.

"Hồi ức Phú Nhuận không chỉ là hồi ức của riêng tác giả, mà còn có một số hồi ức, chuyện kể của một số anh chị đã, đang hay từng sống ở khu vực này đóng góp vào, mà tác giả ghi lại. Ban đầu, bản thảo tôi viết hơn 100 bài. Sách dự định phát hành trước tết Quý Mão 2023. Nhưng sau đó, tôi quyết định không ra ở thời điểm đó, tiếp tục cắt hơn 30 bài để nội dung cô đọng hơn, nên đến đầu tháng 8 này, sách mới có thể phát hành" - nhà văn Phạm Công Luận chia sẻ. 

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI