Hồi ức về mỹ nhân cuối cùng của dàn diễn viên "Cuốn theo chiều gió"

29/08/2020 - 15:36

PNO - Ở tuổi 104, Olivia de Havilland - biểu tượng nhan sắc cuối cùng của thời đại hoàng kim Hollywood - cũng đã "cuốn theo chiều gió" vào ngày 26/7/2020. Tròn một tháng bà rời bỏ cõi nhân gian nhưng vẫn để lại bao tiếc thương khôn nguôi trong lòng người hâm mộ.

Trong buổi làm việc đầu tiên của chuỗi ngày diễn thử cho bộ phim “Captain Blood” (một tác phẩm điện ảnh kinh điển ăn khách năm 1935), cặp đôi diễn viên chính Olivia de Havilland và Errol Flynn đã vui vẻ sánh vai mang khay thức ăn trả lại cho căng-tin sau bữa ăn trưa cùng nhau. Trước đó, nữ diễn viên trẻ Olivia de Havilland đã từng “choáng váng” khi lần đầu tiên chạm mặt anh chàng lãng tử điển trai có nụ cười lạnh lùng chết người này. Thế nhưng, với sự kiêu hãnh của bản thân, cô đã “bấm bụng” ngồi ăn một mình ở chiếc bàn đối diện nam tài tử.

Olivia de Havilland và Errol Flynn - 2 diễn viên chính trong bộ phim “Captain Blood” (1935) - Ảnh: Heritage Auctions
Olivia de Havilland và Errol Flynn - 2 diễn viên chính trong bộ phim "Captain Blood” (1935) - Ảnh: Heritage Auctions

Giờ đây, họ đang ngồi cạnh nhau trên thanh ray trượt của máy quay giữa buổi nghỉ giải lao, cùng hướng ra cánh cửa khổng lồ mở ra phía con lộ chính của khu phố trung tâm sầm uất. “Em mong muốn điều gì nhất ngoài công việc diễn xuất chán ngắt này?”, Errol Flynn hắng giọng hỏi. Và bằng một giọng nói rõ ràng dứt khoát của một thiếu nữ đang căng tràn sức sống và đam mê cống hiến, cô trả lời: “Em luôn muốn được ghi nhận cho những công việc khó khăn mà mình đã hoàn thành trọn vẹn”.

Câu trả lời của người đẹp có vẻ quá khiêm nhường so với mong đợi của anh, bởi theo anh, đơn giản cô chỉ cần dùng từ “thành công” là đủ. Nhưng quả thật là cô đã nỗ lực rất nhiều cho các vai diễn tiếp theo. Sau này khi đánh giá lại chặng đường nghệ thuật đầy tự hào của cô, người ta mới nhận ra rằng, gia tài của nữ minh tinh màn bạc này không chỉ là vai chính trong bộ phim “Cuốn theo chiều gió” (1939) và 2 giải Oscar cho danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho bộ phim “To Each His Own” (1947) và “The Heiress” (1950). Vẫn còn hàng chục sản phẩm nghệ thuật điện ảnh và truyền hình khác mà cô đã tham gia và tạo nên những dấu ấn đặc biệt.

Trong suốt giai đoạn hoàng kim của mình, cô đã “càn quét” hầu như mọi phim trường của Hollywood. Và cô cũng đã lao động cật lực. Người ta có thể thấy cô sáu ngày trong một tuần ở phim trường Warner Bros, liên tục thay trang phục diễn, lên hình, quay phim, chụp ảnh quảng cáo từ 6g30 sáng đến 6g30 tối. Còn vào thứ Bảy? Cô chỉ rời phim trường vào lúc nửa đêm. Đến nỗi có lần một người quay phim đã phải “mách” Jack Warner - ông chủ của Warner Bros - về tình trạng kiệt sức của mình khi phải làm việc liên tục cùng Olivia de Havilland, với bằng chứng là đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ của cả 2.

Bằng thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc và sự nổ lực hết mình, Olivia de Havilland đã đạt được những thành công lớn trong sự nghiệp nghệ thuật của mình - Ảnh: Silver Screen Collection
Bằng thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc và sự nỗ lực hết mình, Olivia de Havilland đã đạt được những thành công lớn trong sự nghiệp nghệ thuật của mình - Ảnh: Silver Screen Collection

Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là “điều tồi tệ” nhất mà cô nàng diễn viên trẻ này mang lại. Vốn là cô gái nhỏ nhắn sở hữu một vẻ đẹp hoàn hảo không tì vết, người ta mong đợi cô sẽ “đóng đinh” trên màn ảnh với mô-típ không thể khác hơn: một cô gái ngây thơ đáng yêu với tâm hồn trong sáng, đôi mắt ngây thơ trong veo hướng về phía xa xăm, nơi đó có một người hùng đang chạy về phía nàng cùng chiếc nhẫn cầu hôn...

Nhưng không hẳn là như vậy! Thời điểm ấy, Warner Bros đang sở hữu dàn nữ diễn viên “cực phẩm", gồm Bette Davis chuyên trị dòng phim chính kịch, cùng 2 cô nàng trẻ trung ngây thơ tóc vàng và tóc nâu. Olivia de Havilland chính là cô gái tóc nâu với đôi mắt luôn chất chứa thật nhiều ưu tư. Và điều đặc biệt là mỗi khi nhập vai thì những giọt nước mắt thật sự của cô hoen ướt khóe mi chứ không hề phải cố công “diễn”.

Ngay từ những ngày đầu ướm chân vào tháp ngà của “nghệ thuật thứ Bảy”, tâm hồn mong manh đa cảm đã vận vào các vai diễn của cô gái trẻ này. Cô luôn muốn đảm nhận vai về những người phụ nữ có nội tâm phức tạp, thể hiện rõ nét nhất ở hình ảnh nàng tiểu thư xinh đẹp Marian trong bộ phim  “Những cuộc phiêu lưu của Robin Hood” (1938). Trong phim “Cuốn theo chiều gió”, cô thủ vai Melanie Hamilton, một người phụ nữ cao quý và có một tâm hồn trong sáng "như một đứa bé mặc trang phục người lớn, có đôi mắt nâu quá to và sợ sệt, chân thật, chất phác và trong trẻo, ngọt ngào, đơn sơ và mềm mại như nước nhưng phảng phất một nét quá kì bí và đoan trang so với tuổi 17 của mình", trái ngược hoàn toàn với một Scarlett O’Hara đồng bóng và phù phiếm. Vai diễn này chứa đựng những tính cách thiên về nữ tính rất đặc trưng mà cô muốn được khám phá cho chính bản thân mình.

Được làm diễn viên vốn là ước mơ của cô từ khi còn là một cô bé 5 tuổi chỉ biết nghịch ngợm lục lọi hộp đựng đồ trang điểm của mẹ mình - cũng là một diễn viên - để rồi có lần bôi phấn hồng quá tay lên 2 má khiến suốt mấy ngày liền không tẩy hết được.

Niềm đam mê nghệ thuật cứ lớn dần lên cùng cô theo năm tháng qua những bài thơ và vở nhạc kịch mà cô được học trên lớp. Có lần, cô đã được giao đóng vai cô bé Alice trong tác phẩm “Alice lạc vào xứ sở thần tiên” được chuyển thể thành vở kịch nói của trường. Đến khi trở thành một thiếu nữ 18 tuổi, cô bắt đầu bước chân vào nghề diễn viên một cách háo hức và bản năng, không khác gì một vận động viên tham dự bộ môn bơi của Thế vận hội Olympic nhưng lại không hề được học bơi một cách bài bản trước đó.

Sinh năm 1916, cô bé Olivia đã nổi tiếng xinh đẹp. Cô bắt đầu tham gia đóng kịch tại trường phổ thông nơi mình theo học - Ảnh: theworldnews
Sinh năm 1916, cô bé Olivia đã nổi tiếng xinh đẹp ngay từ khi còn nhỏ. Cô bắt đầu tham gia đóng kịch tại trường phổ thông nơi mình theo học suốt thời thiếu nữ - Ảnh: theworldnews

Thế nhưng, kể cả sau này khi đã đầu quân cho Warner Bros với những điều khoản hợp đồng chi li và chặt chẽ thì cô vẫn sẵn sàng nói “Không” để từ chối một cách thẳng thừng với những vai diễn hời hợt, nhạt nhẽo, thiếu chiều sâu. Thái độ ngang bướng này của cô bị cho là liều lĩnh khi mà nền công nghiệp giải trí của Hollywood hồi ấy hoàn toàn nằm trong tay của các ông lớn. Và đúng là họ đã tìm cách "dạy cho cô những bài học".

Cứ mỗi lần cô từ chối một vai diễn được giao thì người ta lại cộng dồn những ngày không đóng phim của cô vào lịch làm việc mới theo cách áp đặt bất công của họ. Cho đến một ngày không thể chịu đựng được, cô gái nhỏ nhắn nhưng cá tính này đã làm một chuyện “động trời”: đâm đơn kiện hãng phim Warner Bros vào năm 1943. Một chiến dịch quy mô được giới chủ các hãng phim phát động để tìm cách tẩy chay cô khỏi cuộc chơi nghệ thuật. Thế nhưng, cô vẫn thắng kiện, đòi lại được sự công bằng cho giới nghệ sĩ. Và điều tuyệt vời hơn cả, là cô càng được người hâm mộ yêu mến và ủng hộ hơn trước.

Những thành công lớn trong nghề nghiệp mà cô đạt được không hề là một sự ngẫu nhiên hoặc tự nhiên xảy đến. Nó chính là “quả ngọt” từ quá trình lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp của cô. Cô không hề ngại ngần đảm nhận những vai khó, những cảnh quay vất vả, và trong cô luôn thường trực một thái độ học hỏi không ngừng nghỉ.

Trong bộ phim “The Snake Pit” (1948), cô hóa thân thành một bà vợ bị chồng hãm hại bằng cách tống vào nhà thương điên, nơi cô phải luôn sống trong tâm trạng lo lắng vì bị xâm hại. Để có thể nhập vai một cách chân thật nhất cho bộ phim này, cô đã tìm hiểu kỹ vai diễn của mình, tham vấn các bác sĩ tâm lý, và thậm chí còn tự nguyện vào ở trong bệnh viện tâm thần một thời gian để quan sát cách thức sinh hoạt của người bệnh hàng ngày ở đó.

Trong phim “The Snake Pit” (1948), Olivia de Havilland vào vai một phụ nữ phải sống trong trại tâm thần - Ảnh: Pinterest
Trong phim “The Snake Pit” (1948), Olivia de Havilland vào vai một phụ nữ phải sống trong trại tâm thần - Ảnh: Pinterest

Là một người phụ nữ mạnh mẽ, cô luôn xem trọng sự tự do. Khác với những nữ diễn viên cùng thời có xu hướng chọn bạn đời là người bạn diễn trong nghề, cô lại chọn những người viết lách để làm người phối ngẫu, và sẵn sàng "dứt áo ra đi" nếu tình cảm giữa 2 bên không còn nữa. Cô cũng là một hình mẫu tích cực trong vận động bảo vệ quyền của phụ nữ.

Thái độ rõ ràng nhất với khao khát tự do được thể hiện rõ ngay khi cô đang ở đỉnh cao nhất của danh vọng nhưng lại quyết định rút lui khỏi ánh đèn ma mị của Hollywood. Năm 1955, cô kết hôn với một người đàn ông Pháp và chuyển đến Paris sinh sống trong suốt 60 năm tiếp theo, đoạn tuyệt hẳn với màn bạc và thế giới hào nhoáng náo nhiệt của nó. Năm 1957, trong một chuyến trở lại viếng thăm Beverly Hills, cô mới tái ngộ một cách tình cờ với nam tài tử Errol Flynn, vốn là bạn diễn của mình một thời, ở một bữa tiệc gây quỹ từ thiện. Và cũng một lần nữa, cô lại “chết chìm” trong ánh mắt đầy si mê của anh chàng điển trai lạnh lùng này.

Có lần cô đã thổ lộ với tạp chí Vanity Fair rằng, nếu một ngày nào đó cô không thể trở lại được với trần gian, thì “vai diễn” mà cô mong muốn được hóa thân nhất đó là được biến thành một cây hồng sam (redwood tree). Mạnh mẽ, rễ bám sâu vào lòng đất, hào sảng và thiện lương, và cao vút tận trời xanh - để được thỏa thuê đón ánh nắng mặt trời, ngắm trăng, và đùa nghịch cùng các vì sao...

… Và giờ đây, ngay cả khi thể xác và linh hồn cô đã “cuốn theo chiều gió” thì những người hâm mộ vẫn không nguôi thương nhớ về cô - một mỹ nhân, và là biểu tượng nhan sắc cuối cùng của thời đại hoàng kim Hollywood.

Olivia de Havilland, nữ diễn viên thủ vai Melanie Hamilton trong bộ phim kinh điển Cuốn theo chiều gió (trái) và bà lúc bước sang tuổi 102 năm 2018. Bà mất ngày 26/7 tại Paris (Pháp), thọ 104 tuổi - Ảnh: People
Olivia de Havilland, nữ diễn viên thủ vai Melanie Hamilton trong bộ phim kinh điển "Cuốn theo chiều gió" (trái) và lúc bước sang tuổi 102 năm 2018. Bà mất ngày 26/7/2020 tại Paris (Pháp), thọ 104 tuổi - Ảnh: People

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI