Hồi ức Phú Nhuận

13/09/2023 - 08:20

PNO - Nhà văn Phạm Công Luận là một trong những người viết nhiều đầu sách về Sài Gòn - TPHCM bậc nhất.

Có thể kể đến bộ sách Chuyện đời của phố (5 tập), Sài Gòn - phong vị báo xuân xưa, Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, Hồn đô thị… và mới đây nhất là Hồi ức Phú Nhuận (Nhà xuất bản Thế Giới).

Vùng đất này, từ lâu, đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho người cầm bút nhiều thế hệ. Đó có thể là những biên khảo với các số liệu thống kê, từng cột mốc lịch sử cụ thể; nhưng cũng có thể là những tập tản văn, tùy bút và đều thể hiện được tấm lòng yêu thương Sài Gòn - TPHCM của từng tác giả. Tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của Phạm Công Luận: “Điều này nói lên rằng, vùng đất nào dù lớn hay nhỏ cũng có thể là điều quan tâm, là vốn hiểu biết và kho cảm xúc đầy ắp trong hồi ức của bất cứ ai từng sống ở đó, không nhất thiết phải sinh ra, lớn lên hay sống cả đời với nó”.

Khi đọc những tập sách viết về Sài Gòn - TPHCM, một thành phố - nói như nhà thơ Hưởng Triều (Trần Bạch Đằng) thì “càng nhìn lâu càng thấy đẹp” - tôi nhận ra Phạm Công Luận đã chọn cách đi riêng: kết hợp giữa biên khảo và hồi ức cá nhân. Cách viết này giúp cho bạn đọc dù sinh ra, lớn lên tại đây hay ở nơi khác tìm đọc cũng thấy nhẹ nhàng mà sâu lắng.

Không chỉ thế, còn phải kể đến một nguồn tư liệu không “đụng hàng” là anh đã công bố khá nhiều hình ảnh xưa, lâu nay được lưu trữ trong album gia đình. Khi viết, anh đã nhọc công tìm gặp lại các gia đình của các nhân vật cố cựu, nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết, trong chừng mực có thể. 

Hồi ức Phú Nhuận đề cập nhiều về con người, di tích, cảnh vật nơi này. Lợi thế căn bản là anh đã sống tại Phú Nhuận từ thuở ấu thơ nên những trang viết còn thấm đẫm cả sự hoài niệm. Qua đó, anh đã “tổng kết” đôi nét độc đáo, đặc biệt tại Phú Nhuận. Chẳng hạn, trong chương Dập dìu tài tử giai nhân, anh đề cập đến nơi sáng tác cuối đời của nhà văn Hồ Biểu Chánh, xưởng vẽ của danh họa Nguyễn Gia Trí, ngôi nhà của kỳ nữ Kim Cương, ngoài ra còn có một nơi đáng chú ý nữa là cư xá Chu Mạnh Trinh mà nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đã từng cư ngụ như nghệ sĩ Nam Châu, Kim Thoa, diễn viên Thẩm Thúy Hằng, nhà văn Bà Tùng Long…

Tùy theo từng chương như Cơ sở làm ăn, Ôn chuyện xưa… Phạm Công Luận đã tẩn mẩn tìm về dấu vết của một thời. Nhiều người có thể sẽ ngạc nhiên khi biết Phú Nhuận chính là nơi đầu tiên “du nhập” nghệ thuật hát ả đào từ miền Bắc vào Nam. Chuyện lý thú này, nhà văn Sơn Nam từng đề cập qua đôi dòng ngắn ngủi, còn Phạm Công Luận đã mày mò, khảo sát từ trên báo chí thời đó tại miền Nam nên càng thú vị, thêm thông tin để ta biết từng có nhà hát ả đào trên đường Lò Đúc (nay là Nguyễn Trọng Tuyển)…

Các loại sách về một vùng đất cụ thể thường phản ánh việc con người ta luôn muốn thể hiện tấm lòng với nơi chốn cưu mang mình. Có nhiều cách để “trả ơn” vùng đất “của mình”. Viết cũng là một cách. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI