14 tuổi, đã làm “điệp viên”...
Đại tá Phẩm kể: “Tôi giác ngộ và tham gia cách mạng từ rất sớm. Qua bao sóng gió, tôi sống được đến bây giờ đúng là một kỳ tích. Chính tôi cũng không hình dung nổi”. Năm ông 7 tuổi, ông nội mất; 9 tuổi, bố mất; 14 tuổi, bà nội mất; mẹ ông bấy giờ còn trẻ, một mình nuôi bảy đứa con nhưng vẫn cho ông học thông chữ hán, chữ quốc ngữ và cho học cả tiếng Pháp.
Năm 1942, nhân dân nhiều nơi đã nổi dậy chống Pháp. Không ít người yêu nước bị bắt, tù đày. Pháp cho lập “căng” (nhà tù chính trị) ở khắp nơi. Một trong số đó là căng Bá Vân. Ông Phẩm kể: “Nhà tôi sống gần căng Bá Vân nên tôi là một trong sáu thanh thiếu niên ở địa phương được các chiến sĩ cộng sản trong căng giác ngộ cách mạng từ sớm (14 tuổi). Chúng tôi còn tham gia tổ chức Thanh niên cứu quốc do căng Bá Vân tổ chức”.
|
Nhà điệp báo lão thành Dương Tuấn Phẩm |
Lịch sử Đảng bộ TP.Sông Công viết rõ: “Thực hiện chủ trương biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản, tháng 6/1942, các đồng chí đảng viên trong căng Bá Vân đã thành lập chi bộ Đảng, ban đầu gồm tám đảng viên rồi tăng lên hơn 30 đồng chí... Các đảng viên đã tổ chức học tập chính trị, quân sự, biểu diễn văn nghệ, chăm lo cải thiện đời sống, tuyên truyền giác ngộ binh lính và nhân dân địa phương”.
Ông Phẩm nhớ lại: “Hồi ấy, do biết tiếng Pháp nên tôi có điều kiện tiếp cận với những tên cai tù, qua đó biết được nhiều thông tin quan trọng để báo cho các chiến sĩ cách mạng. Tôi cùng các thanh niên cứu quốc được Chi bộ căng Bá Vân, trực tiếp là đồng chí Bí thư Chi bộ Hà Kế Tấn (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Liên khu III, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi) giao nhiệm vụ liên lạc và bảo vệ các cuộc họp chi bộ tại chùa Bá Xuyên. Xung quanh chùa bấy giờ có nhiều cây to, um tùm nên được Chi bộ Bá Vân chọn làm nơi liên lạc với Xứ ủy Bắc Kỳ và là nơi tổ chức các cuộc họp bí mật. Lúc chi bộ họp, sáu thanh niên chúng tôi làm nhiệm vụ bảo vệ, cảnh giới”.
Ông nói, ông cùng các anh em thanh niên cứu quốc vẫn luôn tự hào được tiếp xúc với các bậc tiền bối từ sớm, để từ đó về sau, tất cả một lòng theo Đảng, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.lật đổ âm mưu chiếm miền Bắc
|
Đại tá Dương Tuấn Phẩm tại đặc khu Quảng Đà năm 1972 - Ảnh: nhân vật cung cấp |
...của chính quyền Sài Gòn
Sau năm 1944, do biết võ thuật nên ông Phẩm được cử đi huấn luyện quân sự và làm công tác tuyên truyền vũ trang của tỉnh. Tháng 6/1951, ông được bố trí làm trinh sát viên phụ trách bảo vệ chính trị, chống gián điệp. Cuộc đời chàng thanh niên Dương Tuấn Phẩm như sang một trang mới, với các vụ phá án tài hoa, táo bạo, góp phần quan trọng bảo vệ Thái Nguyên và cả vùng căn cứ địa Việt Bắc trước các âm mưu phá hoại của giặc Pháp và các thế lực phản động.
Ông Phẩm nhớ từng chi tiết vụ bắt đối tượng Trịnh Thị Thơ và đồng bọn. Các trinh sát phải cải trang thành người đóng giày thuê, người buôn bán đường dài, ăn ngủ vật vạ từ Thái Nguyên đến các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang để tìm bằng chứng, rồi tìm hành tung của chúng để vây bắt, đưa ra tòa, thú nhận tội liên lạc với giặc Pháp chống phá cách mạng. Các trinh sát còn cảm hóa được nhiều đối tượng đang làm gián điệp cho Pháp, từ đó họ đã hối cải, quay đầu phục vụ cách mạng.
Đại tá Dương Tuấn Phẩm luôn phải đối mặt với các vụ án lớn, trong đó các đối tượng kêu gọi đám đông chống lại cách mạng. Khoảng năm 1958, kho lương thực ở H.Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên bỗng nhiên bốc cháy. Bấy giờ, đất nước khó khăn, công cuộc kháng chiến chống Mỹ còn ngổn ngang. Hơn thế, sự kiện chống phá cách mạng này còn gây hoang mang cho dân ở vùng cửa ngõ an toàn khu (ATK).
Nhận định đây là một hành động chống phá vừa manh động, vừa nham hiểm của thế lực xấu, tổ chức điều ông Dương Tuấn Phẩm - bấy giờ đang học ở Hà Nội - về phá án. Qua điều tra, nhóm trinh sát của ông nắm được các đối tượng xấu đi thành nhóm, giả vờ bắt ốc, mò cua, rình cơ hội phóng hỏa thiêu rụi kho thóc nuôi quân của ta.
Sau ba tháng ròng rã điều tra, ông Phẩm và đồng đội đã lần ra thủ phạm là tổ chức Đảng Liên minh chống cộng Đông Dương. Tổ chức này do các đối tượng Tổng Nghiễn và Chánh Thuần cầm đầu, móc nối, làm tay sai cho Mỹ - Diệm, âm mưu đánh phá miền Bắc. Mở rộng vụ án, nhóm điều tra còn thu được tấm bản đồ và kế hoạch đánh về Hà Nội, nhảy dù vào Quảng Ninh hòng chiếm miền Bắc.
Bị truy nã, treo thưởng 1 triệu USD
Sau năm năm làm Phó trưởng Công an TP.Thái Nguyên, tháng 8/1967, ông Phẩm được điều động vào chiến trường miền Nam, làm Phó Tiểu ban Điệp báo đặc khu Quảng Đà (Quảng Nam, Đà Nẵng). Với nhiệm vụ chỉ đạo mạng lưới, ông đã tổ chức huấn luyện những thanh niên sống trong vùng địch trở thành trinh sát, điệp viên để phát hiện, lôi kéo người có tinh thần yêu nước chống lại các hoạt động phá hoại của địch và bảo vệ lực lượng cách mạng.
Công việc đòi hỏi phải tiếp cận với địch, nên tổ chức đã làm căn cước giả để ông Phẩm cùng các điệp viên có thể vào thị xã Hội An. Ông Phẩm có thẻ căn cước ghi tên là phóng viên Nam Phong của Báo Sài Gòn. Trong một lần bị tập kích, người làm giả căn cước chưa kịp hủy hết tài liệu nên địch phát hiện “phóng viên Nam Phong” là giả. Một đồng đội bị bắt đã khai ra tên, chức vụ Phó trưởng Công an TP.Thái Nguyên của ông. Địch phóng to ảnh, truy nã Lê Tuấn (bí danh của Dương Tuấn Phẩm).
|
Ông Dương Tuấn Phẩm (Lê Tuấn, hàng trước, thứ hai từ trái qua) cùng đồng đội tại đặc khu Quảng Đà năm 1973 - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Nhắc lại thời khắc bắt gặp hình ảnh truy nã mình, người đại tá già tủm tỉm: “Tôi nhìn rõ vết sẹo trên má mình trong bức ảnh đó. Dưới ảnh đề dòng chữ: ai bắt, bắn được Lê Tuấn sẽ được thưởng 1 triệu đô la. Tôi cười thầm, không ngờ mình lại có giá cao đến thế. Địch truy lùng gắt lắm, nhưng nhờ sự giúp đỡ của đồng đội và nhân dân, tôi đã liên tục cải trang và trốn thoát rồi tìm cách chỉ đạo đường dây liên lạc trong nội thành”.
Tám năm ở Quảng Đà, ông cùng lãnh đạo đặc khu đã trực tiếp chỉ đạo công tác điệp báo và nắm nhiều thông tin có giá trị, phát hiện và vô hiệu hóa không ít tên nội gián, phản bội. Đối diện với vô vàn hiểm nguy, ông đã nhiều lần thoát chết trong gang tấc. Ông trầm ngâm: “Các điệp viên thời ấy luôn phải sống dưới giá treo cổ. Có khi, bên ta và bên địch đều cảnh giác cao độ. Chỉ những đồng chí cùng tổ chức, cùng hoạt động mới biết rõ lòng trung thành với dân, với Đảng của họ”.
Hơn mười năm nay, vị đại tá - điệp báo lừng lẫy một thời đã rời thủ đô về sống phần đời còn lại trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn ở Thái Nguyên. Lưng ông vẫn thẳng và đôi mắt vẫn tinh anh. Dù đã 93 tuổi nhưng ông cụ vẫn rất minh mẫn, sử dụng điện thoại thông minh mà không cần mang kính.
Trong căn nhà mái bằng mộc mạc đang lưu giữ Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Chiến thắng hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba… vị đại tá già trăn trở: “Từ ngày giành được độc lập đến nay, nhân dân ta đã đóng góp rất lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt, nhiều lần cận kề với cái chết, tôi càng hiểu và trân trọng hơn giá trị của tự do, nhất là sự hy sinh của đồng đội cho mình và con cháu được sống trong hòa bình. Tôi mong sau khi mình đi xa, những câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như những tấm huân, huy chương của mình sẽ góp phần để các con cháu tôi biết rằng đất nước, quê hương, gia đình, ông cha họ đã đi qua những tháng năm vất vả, bi thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Mong rằng, thế hệ trẻ ngày nay tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống của cha ông, sống và cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước giàu có, phồn thịnh...”.
Minh Tuệ