edf40wrjww2tblPage:Content
Ông Lâm, bà Mai cùng hồi tưởng những năm tháng “đi B”
CHỈ VÌ... MÊ ĐÔI DÉP RÂU
Cha mất sớm, tuổi thơ của Nguyễn Tuyết Mai (sinh năm 1950) quanh quẩn bên má trong vườn nhà ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM. Gia đình Mai là một cơ sở bí mật; suốt những năm tháng chiến tranh, nhà bà Nguyễn Thị Hướng, má chị, lúc nào cũng có “khách”.
Các cô chú “khách của má” hay nhờ Mai đi mua thuốc, nước tương, nước mắm… Mai không biết các cô chú đang huấn luyện mình làm giao liên, chỉ thấy vui khi được khen lanh lẹ, vui nhất là được “giữ bí mật” việc có các cô chú trong nhà.
12 tuổi, lần đầu tiên Mai được xem văn nghệ. Chị mê mẩn đôi dép râu với chiếc nón tai bèo của các cô chú văn công. Ham múa hát, nên vừa nghe rủ đi văn công, Mai trốn mẹ theo đoàn. Vào chiến khu D, Mai mới biết mình đã là người của cách mạng. Đó là những năm 1962-1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta vào thời kỳ căng thẳng nhất. Đôi dép râu và chiếc nón tai bèo bấy giờ thành bạn đồng hành thân thiết nhất của Mai.
Khi tải thương, thấy các cô chú máu ra nhiều ngất lịm, tới trạm quân y, Mai lại xắn tay mang bông, mang gạc vào phụ giúp các y tá, bác sĩ chăm sóc mọi người. Nhờ sáng dạ, ham làm, Mai nhanh chóng tiếp thu những kiến thức y tế căn bản. Bốn năm tải thương, Mai thuần thục nghề y, quên giấc mơ ca hát. Thấy rõ nguyện vọng của Mai, năm 1969, cấp trên cho Mai đi tập huấn sáu tháng để về quân y. Nghe tin, Mai mừng như “bắt được vàng”.
Mai trở thành y tá ở mặt trận Tân Uyên - Bình Dương. Tháng 2/1971, Mai bị bắt giam ở nhà lao Bình Dương. Dù cai ngục dùng đủ chiêu trò tra tấn dã man, Mai vẫn bảo mình mồ côi, không cha không mẹ.
Trong tù, để tự động viên mình phải vững vàng, Mai lấy tên là Nguyễn Thị Lập. Chị vẫn như ngày làm giao liên, hay hát, hay cười. Cũng tập tành thêu thùa, may vá như nhiều đồng đội, chị coi cuộc sống trong tù cũng là chiến trường để đấu tranh cách mạng. Hơn một năm sống cùng chị trong trại, một nữ chiến sĩ cùng quê Tân Thạnh Đông đã nhận ra con bé Mai nhỏ quắt năm xưa ở gần nhà. Vừa được thả về, bà tìm gặp mẹ Mai để báo tin chị bị bắt.
Sau hơn chín năm trời bặt tin con gái, tưởng con “đi đường xấu”, giờ nghe con ở tù vì đi làm cách mạng, bà Hướng vừa vui mừng, vừa đau đớn xót xa. Bà đón xe đi Bình Dương thăm con gái. Thế nhưng Mai khăng khăng với cai ngục: “Tôi không có gia đình”. Bà Hướng buồn bã ra về. Dù không gặp được người thăm nuôi, nhưng trong thâm tâm, Mai biết đó chính là má của mình. Đêm đó, lần đầu tiên trong tù, Mai khóc. Các cô, các chị động viên: “Nhận má đi Mai”…
Một tháng sau, bà Hướng lại đi thăm con gái, vừa nhìn thấy Mai bước ra chỗ thăm nuôi, bà đã khóc òa. Chỉ được ở bên con vài phút đã bị đuổi về, nhưng má Hướng đã kịp ghé vào tai Mai nói nhỏ: “Đừng làm gì có lỗi với mấy cô chú nghe con”. Tiếng má ấm áp bên tai, hình dáng gầy gò đến thương của má khiến những đòn roi của cai ngục đêm hôm ấy không quật ngã được Mai. Sự gan lỳ của Mai khiến kẻ thù liệt chị vào danh sách “đen”, chuyển về trại giam Thủ Đức. Những trò tra tấn mới như rải vôi bột, trấn nước... vẫn không lay chuyển được chị. Năm 1973, khi hiệp định Paris được ký kết, Mai được trao trả về Bắc. An dưỡng ở khu 4, Thanh Hóa chưa đầy năm, chị lại được phân công theo sư đoàn Long Châu Tuyền “đi B”.
Đêm trước ngày vượt Trường Sơn, anh Nguyễn Văn Lâm, một cựu tù chính trị ở Phú Quốc ở cùng khu an dưỡng bấy lâu đã đến phòng tìm Mai. Chẳng hoa mỹ, vòng vo, người thanh niên đất Long An đơn giản hứa: “Sau này hòa bình, nếu còn sống phải quyết tìm nhau nghe Mai”.
Bốn tháng ròng dãi nắng dầm mưa, họ lặng lẽ giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ của những người y tá sư đoàn, chăm sóc sức khỏe cho đồng đội.
Khi về đến Trung ương Cục, mỗi người được lệnh điều động vào một mặt trận mới. Lâm theo bộ đội chủ lực, giải phóng Long An. Mai hành quân giải phóng Sài Gòn...
TÌM NHAU
Ngay sau ngày Sài Gòn giải phóng, chị Tuyết Mai đã đạp xe từ Củ Chi đi Đức Hòa tìm anh Lâm. Vừa bước vào ngôi nhà ấy, chị gần như khuỵu xuống khi nghe người mẹ kế của anh Lâm bùi ngùi: “Nhà đã cúng giỗ cho nó hai lần rồi”.
Chị Mai bần thần dắt xe ra khỏi nhà, nước mắt tuôn trào. Trên đường đạp xe về UBND Q.Bình Thạnh nhận nhiệm vụ mới, chị nhẩm tính thời khắc chia tay anh Lâm đột ngột ở Trung ương Cục tới thời điểm đó mới hơn một năm, bèn dừng xe giữa quốc lộ, lau khô nước mắt rồi hối hả đạp xe ngược gió…
Bốn hôm sau, khi đang trong ca trực, chị nghe tiếng đồng nghiệp ríu ran: “Mai ơi, có người yêu tìm kìa!”. Vừa nhìn thấy anh Lâm, chị thốt lên: “Trời, đi đâu vậy... cha nội?”. Câu nói hồn nhiên của chị xua hết những lo âu trong anh Lâm, bởi suốt chuyến xe đò, anh lo sợ không biết mở lời ra sao với chị.
Qua câu chuyện, chị Mai mới biết sau ngày 30/4, xong ca trực ở tỉnh đội Long An, anh Lâm đón xe lên thành phố ngay, lang thang hết bệnh viện này đến nhà thương nọ để tìm chị. Suốt bốn ngày không gặp, anh mới về nhà. Vừa nghe ba kể: “Có cô y tá Mai đến tìm con”, anh Lâm liền xin phép lên đường…
Gặp lại nhau chưa bao lâu, Mai bị những vết thương cũ hành hạ, phải nhập viện điều trị. Suốt cái tết đầu tiên sau giải phóng, anh bảo vệ tỉnh đội Long An tan ca trực lại hối hả lên Bệnh viện Chợ Rẫy chăm người yêu. Thấy anh tận tụy với con gái, bà Hướng bảo: “Thôi bây báo cáo tổ chức tuyên bố cho rồi!”. Họ nên duyên chồng vợ.
Cuộc sống của họ từng là chuỗi khó khăn thường trực bởi chị Mai - nay là bà Mai bị những vết thương xưa hành hạ; đứa con trai đầu bị di chứng chất độc da cam mà ông Lâm hứng chịu trong những ngày công tác ở An Lão, Bình Định năm xưa. Ông Lâm lặng lẽ chăm sóc vợ con bằng tất cả yêu thương. Nhờ vậy mà bà Mai và con trai đều dần hồi phục sức khỏe.
Nhưng họ lại không may, ba đứa cháu nội ra đời đều bị di chứng da cam, cháu gái bệnh tim bẩm sinh, hai cháu trai đều có bất thường về não. Đó là nỗi buồn của họ lúc tuổi hưu, nhưng ông bà không sầu bi, phiền não hay trách cứ số phận. Hai vợ chồng cựu chiến binh ấy cứ lặng lẽ chờ đợi và tin tưởng phép màu từ y học. Ngôi nhà của họ luôn tràn ngập tiếng cười. Lâu lâu, ông bà lại rủ nhau đi thăm anh em, đồng đội, cùng ôn lại một thời hoa lửa.
NGHI ANH