edf40wrjww2tblPage:Content
Từ năm 1959, do yêu cầu cách mạng, cùng với lực lượng bộ đội chủ lực, họ được bí mật đưa trở vào Nam, với những sứ mạng: thành lập trường đại học, xây dựng nhà máy cơ khí, hoặc phục vụ ở bệnh viện… Nhưng rồi cuộc chiến không dừng lại, đội ngũ trí thức trẻ ấy đã cầm súng và trở thành chiến sĩ ở chiến trường miền Nam (còn gọi là chiến trường B). Họ đã đi bộ vượt Trường Sơn dưới làn bom đạn, từ 1959 cho đến ngày 30/4/1975, cung đường Trường Sơn chưa bao giờ vắng bóng những người “đi B”…
Bốn mươi năm, nhắc chuyện “đi B”, nhiều người chị, người mẹ rưng rưng nước mắt thương nhớ, tự hào…
Vợ chồng Văn Tùng Mậu - Nguyễn Thị Phụng đoàn tụ năm 1975
Ở tuổi 70, sức khỏe bà Ba Phụng (Nguyễn Thị Phụng, SN 1945) đã yếu nhiều, nhưng ký ức về những ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” trong tâm trí bà thì còn vẹn nguyên.
TUỔI TRẺ Ở R
Một ngày giữa tháng 3/2015, trong căn nhà nhỏ trên đường Trần Não (Q.2, TP.HCM), năm người phụ nữ tóc hoa râm ngồi bên nhau hàn huyên chuyện cũ. Trong số đó, bà Ba Phụng nhỏ tuổi nhất: 70. Người đau khớp gối, người bị bệnh tim, huyết áp cao, cũng có người vừa phẫu thuật cột sống. Họ dìu nhau ngồi, dìu nhau đi, thi thoảng nước mắt lại lăn dài trên má. Năm người phụ nữ ấy từ thời thanh xuân đến bây giờ vẫn luôn xem nhau là bạn, là đồng chí, đồng đội và hơn hết là chị em. Họ học chung khóa Y14, Y15, Trường trung cấp y sĩ Nam Định, rồi cùng một đoàn lên đường đi B (vào chiến trường miền Nam) đầu năm 1966.
Khi tôi đến, bà Ba Phụng run run chìa ra tấm hình cũ thời năm chị em mới 20 tuổi, vai mang ba lô, đầu đội mũ tai bèo trên đường Trường Sơn. Năm người phụ nữ chụm đầu nhìn vào, tay chỉ chỗ này, chỗ kia: “Năm Hoa đi thứ hai này. Ba Phụng nhỏ xíu, đang đi hàng đầu. Coi Hai Vĩ cao dữ hông. Còn đây là Hường, Hường hy sinh rồi…”.
Nói tới đó, cả năm người cùng nhìn nhau rơm rớm nước mắt, rồi khe khẽ ngâm mấy câu trong trường ca Những người đi tới biển của Thanh Thảo: “Chúng tôi đi không tiếc đời mình / (Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”. Không gian như đặc quánh lại và ký ức những ngày hành quân dưới mưa bom bão đạn gần 50 năm trước của họ lại ùa về.
Bà Ba Phụng sinh trưởng ở tỉnh Long An trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 1954, cũng như Năm Hoa (Lê Hồng Hoa, SN 1943), Hai Vĩ (Trần Trinh Vĩ, SN 1941), Hai Nguyệt (Nguyễn Thị Minh Nguyệt, SN 1941), Ba Thiệp (Lê Thị Thiệp, SN 1944), bà cùng đoàn học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Học hết cấp III tại Hải Phòng, bà về trường trung cấp y sĩ Nam Định học khóa 1962-1965. Sau khi hoàn thành đợt tập huấn kéo dài, đầu năm 1966, bà chính thức vác ba lô lên đường, bắt đầu hành trình “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Bà Ba Phụng nói, với thế hệ bà, “đi B” là tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, là lý tưởng dấn thân hiển nhiên. Sau này bà vào R (căn cứ Trung ương Cục miền Nam) cũng vậy. Không có gì nuối tiếc, không có gì ân hận mà chỉ có một trái tim tuổi trẻ hừng hực khí thế ra trận. Sau gần năm tháng hành quân gian khổ, bà được phân công về Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) giải phóng miền Nam. Năm Hoa và Hai Vĩ vào Tiểu ban chống sốt rét, Ban Dân y - Trung ương Cục, đến năm 1967 thì Năm Hoa hoạt động trong nội thành Sài Gòn, còn Ba Thiệp theo Đoàn 82.
Nữ chiến sĩ Ba Phụng, đi đầu trong những ngày vượt Trường Sơn năm 1966
Là một y sĩ thời chiến, bà Ba Phụng cùng anh chị em TNXP tải thương, tải đạn bất kể ngày đêm. Chiến trường ác liệt, sống chết chỉ trong gang tấc. Không chỉ nhiều lần địch càn, bom dội rầm rầm trên đầu mà bà còn đối mặt với bệnh sốt rét rừng, bệnh lác. Bà Ba Phụng nhớ lại: “Hồi đó, cứ bị lác là lấy nước mắm bôi lên người cho đỡ. Mỗi lần như vậy, chị em tôi lại hát, hát cho đỡ đau, đỡ rát. Thiếu gạo ăn, chúng tôi đi hái lá bép về nấu. Không thấy gian khổ gì, ngược lại còn thấy mình đủ đầy, có sức khỏe để dấn thân”.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa ở Ban Dân y, Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn 1971 - 1973), Ba Phụng phụ trách bệnh xá Ban tiếp đón đồng bào, chiến sĩ tại Lộc Ninh, Bình Phước. Cuộc đời bà gắn với những chuyến đi, tới đâu là đào hầm tới đó và tới đâu lòng cũng đau như cắt. Bà Ba Phụng nghẹn giọng: “Nhiều lần vừa đào bới đất để cứu anh em bị thương do hầm trú ẩn trúng bom, tôi vừa khóc. Dẫu đã dặn lòng phải luôn bình tĩnh, luôn giữ phong thái đĩnh đạc của người lính nhưng cũng không tránh khỏi xót xa cho những anh em đã bỏ lại một phần xương máu, hy sinh ở R”.
NGHĨA NẶNG TÌNH SÂU
Năm 1967, Ba Phụng lập gia đình. Chồng bà là đại úy Văn Tùng Mậu (SN 1940), một bác sĩ đã dành trọn thời thanh xuân của mình để theo các bệnh viện dã chiến miền Nam, trực tiếp cứu thương, phẫu thuật cho bộ đội. Ngày xưa, ông bà cùng học trường trung cấp y sĩ Nam Định, cùng đi B một đợt. Ông Mậu công tác tại Bệnh viện Quân y K77A, Đoàn Hậu cần 82.
Đám cưới giữa một cô TNXP với anh bộ đội thời chiến tuy đơn sơ mà ấm lòng. Nhưng, cưới nhau xong là đi. Bà Ba Phụng bộc bạch: “Năm 1967, tôi gặp lại Năm Hoa. Hai chị em ngó nhau trân trân, đứa này hỏi đứa kia “mày còn sống đây hả?” rồi ôm nhau khóc. Bữa đám cưới, tôi mặc bộ áo bà ba còn lành của Năm Hoa. Vui một ngày rồi ai về mặt trận nấy, không dám hẹn ngày gặp lại. Hiếm hoi lắm vợ chồng mới biết tin nhau qua những lá thư. Tình yêu thời hoa lửa có bao nhiêu cũng để trong lòng, Tổ quốc trên hết”.
Ba Phụng (bìa trái) và những người bạn cùng xem lại hình ảnh thời tuổi trẻ trên đường Trường Sơn của mình
Tháng 4/1975, bà Ba Phụng về Sài Gòn, là đội trưởng Đội dịch tễ Q.Thạnh Mỹ Tây (nay là Q.Bình Thạnh). Ở Sài Gòn, bà vẫn không có tin tức gì của chồng. Thời điểm đó, dịch sốt xuất huyết, sốt bại liệt, ho gà… là nỗi lo của bà con Thạnh Mỹ Tây. Cùng anh chị em trong đội, bà cần mẫn khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân. Em bé nào bệnh nặng, bà đạp xe, có khi lội bộ nhiều cây số tới tận nhà chăm sóc.
Nằm trong lực lượng bộ đội về tiếp quản Sài Gòn, cứ có thời gian là ông Mậu lại đi tìm vợ. Kiên trì từng ngày, cuối cùng ông cũng gặp được khi bà đang khám bệnh cho dân. Sau đó, hai vợ chồng cùng công tác tại Phòng Y tế, sau là Trung tâm Y tế Q.Bình Thạnh cho đến ngày về hưu. Bà Ba Phụng và ông Mậu đều bị nhiễm chất độc da cam. Năm 1984, bà mang thai cậu con trai đầu lòng. Bác sĩ nói đứa bé bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam từ ba má. Bà gạt nước mắt, nói có sao thì hai vợ chồng cũng ráng nuôi con. Vậy mà, vừa chào đời được mấy tháng, đứa trẻ đã bỏ bà đi.
Những năm cuối đời, ông Mậu bệnh nặng, từ tiểu đường, viêm phổi, đau tim, đến tai biến khiến sức khỏe suy kiệt nhanh. Nhớ về chồng, nước mắt Ba Phụng lại chực trào. Bà kể, hồi ấy, ông thương vợ, sợ bà tủi thân, cô đơn vì không có con nên luôn kề cận, việc nặng việc nhẹ đều xắn tay làm thay bà. Nhưng từ khi bị tai biến, đôi dép rớt khỏi chân hồi nào ông cũng không hay.
Năm 2013, chồng qua đời, Ba Phụng lủi thủi sống một mình. Chiều chiều, bà lại ngồi bên cửa giở mấy tấm hình cũ, miết tay lên từng gương mặt thân quen. Tay bà lúc nào cũng run. Căn bệnh huyết áp cao và đau tim khiến bà ngày càng mệt. Trong số năm chị em cùng đoàn đi B xưa, chỉ mình bà không có con. Thành thử, dù ở tận Q.12, Q.5, Q.9 (TP.HCM) nhưng cứ rảnh là những đồng đội cũ lại chạy qua nhà bà chơi “cho nó đỡ buồn”, bà Hai Vĩ nói vậy.
MẪN NHI