Hội tụ tiếng nói văn chương châu Á

05/10/2024 - 09:44

PNO - Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa được trao giải văn học Điền Trì năm 2024 của tạp chí văn học cùng tên ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với 3 truyện ngắn Cố định một đám mây, Một mùa sương thức và Những biển. Đây là giải thưởng thường niên được trao cho một nhà văn Đông Nam Á xuất sắc.

Những câu chuyện đa dạng

Khá trùng hợp khi ở thời điểm này, tập truyện ngắn Tuyệt duyên gồm 9 truyện ngắn của 9 cây bút nổi bật châu Á (trong đó có cả Nguyễn Ngọc Tư) cũng được ra mắt. Họ là các tác giả nổi bật được lựa chọn ở mỗi quốc gia. Ở Tuyệt duyên, những vấn đề và dấu ấn văn chương đặc biệt của các nhà văn châu Á đã được thể hiện đầy sinh động.

Với chủ đề chung là tuyệt duyên hay đoạn tuyệt, cắt đứt những mối nhân duyên, mối quan hệ giữa người với người hay thậm chí cả với thế gian này, các tác giả đã họa nên những câu chuyện về đứt gãy quan hệ, đứt gãy thế hệ một cách sâu sắc và ấn tượng.

Tập truyện ngắn Tuyệt duyên
Tập truyện ngắn Tuyệt duyên

Tập sách được lên ý tưởng từ năm 2022, khi một nhà xuất bản Nhật Bản mong muốn nhà văn đương đại nổi tiếng Hàn Quốc Chung Serang có thể cùng viết với các nhà văn nước mình cho ra mắt một tập truyện ngắn có cùng đề tài. Khi ấy, nữ nhà văn Chung Serang đã đề xuất mở rộng phạm vi để tác phẩm trở thành nơi tụ hội của toàn châu Á. Qua sự giúp đỡ của các đại lý và đại diện văn học, Tuyệt duyên đã ra đời với 9 cây bút từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Với chủ đề khá phổ quát, các nhà văn này không chỉ để lại dấu ấn cá nhân mà còn phản ánh được những vấn đề mang tính thời đại của thập niên này. Từng câu chuyện nổi bật ở mỗi quốc gia đã được các tác giả kể khá sinh động. Họ lấy chất liệu từ những điều thân quen và gần gũi nhất, từ đó tạo nên những câu chuyện vừa là đặc trưng của đất nước mình nhưng cũng quen thuộc với bất cứ ai, dù ở đâu, nhất là châu Á.

Chẳng hạn trong truyện Tuyết liên hoa nở dưới hố sâu, nhà văn Tây Tạng Lhacham Gyal đã dùng truyền thuyết về loài hoa đặc biệt của dân tộc mình gửi gắm thông điệp về sự hy vọng, rằng loài tuyết liên vẫn sẽ bừng nở dẫu trong bóng tối của sự tuyệt vọng. Hay trong Hư vô, nhà văn Nhật Bản đoạt giải Akutagawa - Sayaka Murata xoáy sâu vào sự hình thành trào lưu ở nhiều thế hệ để viết câu chuyện mang tính giả tưởng. Ở đó, những người trẻ theo thuyết hư vô rồi cách biệt khỏi những thiết chế cũng như giá trị rường cột truyền thống…, qua đó phản ánh khoảng cách thế hệ vẫn đang diễn ra ở nhiều đất nước.

Bên cạnh đó cũng có cả những chuyện của nhóm thiểu số - những người thường gặp bất công vì sự “phẳng” hóa của thời hiện đại. Vốn là tác giả hiếm hoi sáng tác bằng tiếng Malay cũng như tiếng Anh, nhà văn người Singapore Alfian Sa’at trong truyện Người vợ đã cho thấy áp lực mà nhóm thiểu số người Mã Lai thường phải đối mặt khi sống trong một Singapore mạnh mẽ vươn mình.

Tính toàn cầu cũng được nhắc đến trong nhiều truyện ngắn. Như trong Bữa trà chiều của dì Sherrith, tác giả Đài Loan (Trung Quốc) Liên Minh Vệ đã mở rộng biên giới để xây dựng câu chuyện ở Saint Lucia - một đảo quốc châu Phi - xoay quanh 3 đứa trẻ mà 1 trong số chúng theo cha đến đây để làm đại sứ, qua đó truyền đi thông điệp về sự hòa hợp dẫu vẫn còn đó khác biệt văn hóa.

Phong cách đặc biệt

Không chỉ đa dạng trong chủ đề và những vấn đề được phản ánh, các tác giả cũng cho thấy bút lực đặc biệt trong cách xây dựng, cấu trúc tác phẩm. Ngoài chủ nghĩa hiện thực quen thuộc, các nhà văn cũng dùng yếu tố kỳ ảo, khoa học viễn tưởng, khai thác tâm lý… để kể câu chuyện của mình.

Nguyễn Ngọc Tư và các nhà văn châu Á trong tập Tuyệt duyên
Nguyễn Ngọc Tư và các nhà văn châu Á trong tập Tuyệt duyên

Trong Những viên gạch tích cực, thay vì phản ánh xã hội “trông mặt mà bắt hình dong”, tác giả Hắc Cảnh Phương (Trung Quốc) - người từng đoạt giải Hugo ở thể loại khoa học viễn tưởng - đã xây dựng nên một thế giới hư cấu có phần đặc biệt, nơi cảm xúc của con người bị phơi bày, bóc trần mà với hoạt động của công nghệ cao, con người không thể ẩn giấu. Qua bối cảnh khắc nghiệt và đầy tù túng đó, tác giả đã ca ngợi sự phong phú của cảm xúc con người và sự đa dạng của các trải nghiệm.

Trong khi đó Nguyễn Ngọc Tư, Hàn Lệ Châu (Hồng Kông, Trung Quốc), Wiwat Lertwiwatwongsa (Thái Lan), Sayaka Murata (Nhật Bản) lại đưa độc giả vào không gian hư - thực, nơi những suy tư thầm kín nhất bộc lộ ra ngoài và không che giấu. Các nhà văn đã tạo ra một không gian mà các nhân vật dám sống đúng như những gì mình nghĩ, qua đó phản ánh những sự dồn nén của chính con người trong cuộc sống hiện nay. Đó là những sự đào sâu vào tâm lý u uất của các nhân vật, từ một người mẹ tuyên bố bỏ con trong Trốn thoát của Nguyễn Ngọc Tư cho đến một người phụ nữ dũng cảm nói lên tâm tình của mình ngay giữa bóng tối trong Cảnh sát chìm của Hàn Lệ Châu… Từ đó, độc giả như được tiếp thêm sức mạnh để dám bày tỏ cũng như cùng nhau tìm cách giải quyết các vấn đề.

Có nhiều nỗi buồn, nhưng ở Tuyệt duyên, người đọc vẫn có được cảm giác dù mối quan hệ có đứt gãy thì vẫn còn đó những sự kết nối dẫu là mong manh. Và từ chính tro tàn tưởng nhỏ nhoi đó, bằng việc thấu hiểu và biết đồng cảm, ngọn lửa kết nối sẽ thổi bùng lên, để ta hiểu rằng, trạng thái tan vỡ là không tránh khỏi, nhưng đó cũng là bài học để ta sống thật và biết sẻ chia.

Ngô Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI