Hội tụ chính sách, hội tụ con người, đưa TPHCM phát triển xứng tầm

12/02/2024 - 06:24

PNO - Sau khi Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được Quốc hội thông qua, chính quyền thành phố đã vào cuộc quyết liệt với nhiều kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Báo Phụ nữ TPHCM có cuộc trao đổi đầu xuân với bà Nguyễn Thị Lệ - Phó bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM - về những cơ hội và thách thức để TPHCM gặt hái “trái ngọt đầu mùa” trong năm mới Giáp Thìn 2024.

Phóng viên: Nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ, nhiều dự án đình trệ đã tái khởi động, không lâu sau khi Nghị quyết 98 được thông qua. “Con tàu” mang tên Nghị quyết 98 đã tăng tốc để sẵn sàng bứt phá, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Lệ: Tuy ở vai trò “đầu tàu” của cả nước và trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, nhưng thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của TPHCM đang chậm lại so với một số địa phương. TPHCM mang đặc thù của “siêu đô thị”, nhưng cơ chế vận hành cũng giống như các địa phương khác, nên chưa khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của thành phố.

Bà Nguyễn Thị Lệ - Ảnh: Hoàng Triều
Bà Nguyễn Thị Lệ - Ảnh: Hoàng Triều

Nghị quyết 98 trao gửi nhiều hơn các cơ chế, chính sách, công cụ nhằm tháo gỡ ách tắc, giúp phát huy nội lực của TPHCM, tạo nên bước chuyển mạnh mẽ làm thay đổi diện mạo, tầm vóc của đô thị lớn nhất nước về dân số, kinh tế - xã hội vốn có nhiều tiềm năng, nguồn lực và thế mạnh.

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải triển khai và hành động quyết liệt để khai thác các nội dung của Nghị quyết 98 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, sớm hiện thực hóa những cơ chế đặc thù được trao. Đó là trọng trách, sứ mệnh của TPHCM đối với cả nước. Cả bộ máy chính quyền đã “bắt tay ngay vào việc”, vừa xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, vừa triển khai hành động nhanh chóng trên thực tế.

Đến thời điểm này, sau hơn nửa năm Nghị quyết 98 được thông qua và sau gần 5 tháng chính thức có hiệu lực, chúng ta thấy nhiều dự án đình trệ lâu năm đã có những bước chuyển khả quan. Trên cơ sở phân quyền của Nghị quyết 98, HĐND TPHCM đã thông qua các nghị quyết về 5 dự án giao thông trọng điểm được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); thông qua chủ trương điều chỉnh quy mô và kinh phí dự án xây dựng đường cao tốc liên vùng TPHCM - Mộc Bài. Các dự án này sẽ giúp TPHCM mở bung các cửa ngõ ra vào thành phố, thúc đẩy liên kết vùng mạnh mẽ. Cũng từ cú hích Nghị quyết 98, một số dự án xây cầu đã được hoàn thành hoặc tái khởi động sau nhiều năm đình trệ.

Nhiều việc đã thấy kết quả, nhiều việc sắp gặt hái kết quả. Chưa bao giờ bộ máy chính quyền thành phố vào cuộc với tâm thế khẩn trương, quyết liệt như vậy. Nói như Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên - “con tàu” mang tên Nghị quyết 98 đã “chất đầy hàng” và sẵn sàng để tăng tốc.

* Với Nghị quyết 98, HĐND TPHCM có thẩm quyền lớn hơn và trách nhiệm cũng nặng nề hơn. Là người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước ở TPHCM, bà nhìn nhận thế nào về những thách thức đối với chính quyền thành phố trong thời gian tới?

- Thành phố đón nhận nghị quyết mới trong tâm thế vui mừng, phấn khởi, nhưng cũng không ít lo lắng. Chúng ta được trao nhiều cơ chế, chính sách mới, nhưng khối lượng công việc cần triển khai để thực hiện Nghị quyết 98 phải nói là rất lớn. Trong đó có những việc rất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn, quyết tâm cao độ của toàn hệ thống chính trị, để chuyển hóa những nội dung của nghị quyết thành giá trị phát triển cho TPHCM.

Bà Nguyễn Thị Lệ (thứ tư từ trái sang) tại kỳ họp thứ 12, HĐND TPHCM khóa X (ngày 11/11/2023) - Ảnh: Phùng Huy
Bà Nguyễn Thị Lệ (thứ tư từ trái sang) tại kỳ họp thứ 12, HĐND TPHCM khóa X (ngày 11/11/2023) - Ảnh: Phùng Huy

Trước đây chúng ta đã có Nghị quyết 54/2017/QH14 thí điểm cơ chế đặc thù cho TPHCM, nhưng vẫn chưa thể phát huy như kỳ vọng. Nói để thấy, Nghị quyết 98 không phải là “cây đũa thần”. Dù có cơ chế đặc thù, nếu chính quyền thành phố không nắm bắt cơ hội, không quyết liệt triển khai để tận dụng tối đa những lợi thế mà cơ chế mới mang lại thì rất khó để TPHCM phát triển bứt phá. Nghị quyết 98 được ví như nền móng vững chắc, nhưng xây cao được đến đâu lại phụ thuộc vào sự quyết tâm của chính quyền và người dân thành phố. 

Để phát huy những đột phá về thể chế trong Nghị quyết 98, khó khăn của thành phố là phải nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý, về vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm. Đối với các dự án có vốn đầu tư công, tỉ lệ giải ngân càng cao đồng nghĩa càng “bơm được nhiều ô xy” cho nền kinh tế. Đối với các dự án tư nhân, tháo gỡ được các điểm nghẽn tồn tại lâu nay sẽ cải thiện được môi trường đầu tư, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp, người dân vào hệ thống công quyền. 
Cơ chế, chính sách đặc thù gắn với việc thí điểm những vấn đề mang tính đột phá, mới mẻ, chưa từng có tiền lệ. Điều này đòi hỏi hành lang pháp lý, sự phân công, phân nhiệm cụ thể đi cùng những ràng buộc trách nhiệm, chế tài rõ ràng. Đây là thử thách đặt trên vai các đại biểu HĐND TPHCM cũng như lãnh đạo UBND TPHCM trong việc vạch ra những quy định rành mạch để người thực thi công vụ yên tâm thực hiện.

Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 98, cơ chế mới gắn với trách nhiệm mới, quyền lực mới thì cũng phải có công cụ giám sát mới. Giám sát không phải để chăm chăm bắt lỗi mà nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn để tháo gỡ, kịp thời ngăn chặn những sai sót để không xảy ra thiệt hại lớn.

Thời gian tới, HĐND TPHCM sẽ tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, như giám sát địa phương, giám sát chuyên đề, giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp, giám sát tổ, tái giám sát… HĐND TPHCM cũng tăng cường hoạt động giám sát thông qua việc mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin, tăng cường cơ chế đối thoại với cử tri bằng nhiều hình thức, trên nhiều nền tảng. Trong hành trình đưa Nghị quyết 98 vào cuộc sống, người dân phải ở vị trí trung tâm, không chỉ đặt quyền lợi của người dân lên cao nhất mà còn lắng nghe ý kiến góp ý, hiến kế của dân và đặc biệt là phát huy vai trò giám sát của nhân dân.

* “Con tàu” mới với hành trình mới nhưng vẫn là những “thuyền viên” cũ. Làm cách nào để khuyến khích tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của mỗi cán bộ, công chức trên hành trình hiện thực hóa Nghị quyết 98, thưa bà?

- Gần 40 năm cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, TPHCM đã tạo ra những dấu ấn tiêu biểu, thể hiện ở sự đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của đất nước. Đó là nhờ chúng ta có những lãnh đạo, cán bộ nêu cao tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Khi thực hiện Nghị quyết 98, đa số nội dung là mới, phần lớn chưa có tiền lệ, vừa làm vừa thử nghiệm. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức thành phố phải không ngừng đổi mới sáng tạo, chủ động tham mưu, đề xuất giải pháp.

Bà Nguyễn Thị Lệ (thứ hai từ trái sang) thăm nhà anh Nguyễn Hoàng Phương (bìa phải) ở khu dân cư Nguyễn Sơn, huyện Bình Chánh, TPHCM nhân buổi giám sát của HĐND TPHCM về triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Bình Chánh vào tháng 9/2023 - Ảnh: Bích Trần
Bà Nguyễn Thị Lệ (thứ hai từ trái sang) thăm nhà anh Nguyễn Hoàng Phương (bìa phải) ở khu dân cư Nguyễn Sơn, huyện Bình Chánh, TPHCM nhân buổi giám sát của HĐND TPHCM về triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Bình Chánh vào tháng 9/2023 - Ảnh: Bích Trần

Vấn đề là làm sao khuyến khích, bảo vệ được những cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm? Ở cấp trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và sau đó được Chính phủ cụ thể hóa bằng Nghị định 73/2023/NĐ-CP, kịp thời giải tỏa tâm tư của cán bộ, công chức; tạo lòng tin, cơ sở pháp lý vững chắc để họ sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Trên cơ sở đó, UBND TPHCM cũng mới ban hành kế hoạch thực hiện Nghị định 73 nhằm tạo điều kiện và môi trường làm việc tốt nhất để cán bộ, công chức phát huy khả năng sáng tạo. Sở Nội vụ TPHCM xây dựng Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ, với các chính sách về thưởng vượt trội; ưu tiên về đào tạo, bồi dưỡng; ưu tiên về cơ hội thăng tiến. Đặc biệt là xây dựng chính sách bảo vệ, miễn trừ trách nhiệm đối với cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Vấn đề quan trọng không kém là chế độ thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức. Đầu tháng 10/2023, khi tôi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV, một cử tri ở huyện Hóc Môn đã bày tỏ mong muốn Quốc hội xem xét lương cán bộ, công chức có đảm bảo cuộc sống họ không, nhất là cán bộ cấp xã lương “không đủ ăn sáng”.

Đây là điều chính tôi cũng rất trăn trở. Nếu cán bộ lương không đảm bảo cuộc sống thì khó có thể đòi hỏi họ làm việc dốc sức, hết lòng, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Để tạo động lực cho khu vực công, từ năm 2018, TPHCM đã chi thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người không chuyên trách ở phường - xã - thị trấn theo Nghị quyết 03/2018 của HĐND thành phố.

Đến nay, thành phố tiếp tục thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 98. Cùng với lộ trình cải cách tiền lương của Quốc hội, Chính phủ, nguồn thu nhập tăng thêm sẽ phần nào giúp cán bộ, công chức thành phố yên tâm công tác, cống hiến. Thành phố cũng đã xây dựng cơ chế đãi ngộ đặc biệt để thu hút nhân tài cho các lĩnh vực khoa học, công nghệ, tạo động lực thực hiện các đề án, dự án, công trình nghiên cứu đột phá cho thành phố.

* Xin trân trọng cảm ơn bà. 

“Đây là giai đoạn mà lãnh đạo, cán bộ và nhân dân TPHCM phải thấm nhuần câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”. Nghị quyết 98 cho chúng ta cơ hội dám nghĩ, dám làm và có thể làm. Hội tụ chính sách, hội tụ con người, hội tụ sức mạnh của cả bộ máy chính quyền và nhân dân TPHCM sẽ giúp thành phố vươn lên xứng đáng với tiềm năng, vị thế”.

Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM

Phương Thanh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI