Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ: Tôi vui với lựa chọn của mình

31/12/2015 - 07:06

PNO - Phụ nữ chúng mình dù bận rộn đến đâu cũng phải quan tâm đến những nhu cầu bản thân. Điều đó hoàn toàn chính đáng và cần thiết.

Hơn 5 năm qua, Hội quán Các bà mẹ được nhiều người biết đến qua các chương trình: thai giáo, hướng dẫn hát ru, văn hóa ứng xử học đường, tủ sách Gương Sen, hay những sân chơi theo chủ đề … Người “đứng mũi chịu sào” các hoạt động ấy chính là chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, người tham gia sáng lập hội quán.

PV: Chị từng có một công việc ổn định, tại sao lại bỏ ngang để thành lập Hội quán Các bà mẹ?

- Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ Nguyễn Thị Thanh Thúy: Bạn hỏi điều này làm tôi nhớ câu nói “Nếu công việc là đam mê của bạn, thì mỗi ngày bạn không phải đi làm!”. Hình như “nghiệp” chọn tôi nên lúc nào tôi cũng đam mê và luôn có việc để làm, tâm đắc với việc mình làm.

Dù công việc ở hội quán cũng lao tâm, nhưng trong những nỗi nhọc nhằn ấy, tôi tìm thấy được niềm vui từ những thay đổi tích cực. Tôi tin vào sự lựa chọn của mình. Ngành học của tôi là xã hội học, tập trung vào các tương tác xã hội, mà những mối quan hệ tương tác thì rất nhiều.

Chúng tôi chỉ mới chú trọng đến gia đình, ưu tiên bà mẹ và trẻ em thôi, và bạn chỉ mới thấy tôi bỏ ngang công việc cũ, chứ chưa biết tôi từng bỏ ngang Hội quán Các bà mẹ đến ba lần! Nhưng cuối cùng, niềm đam mê luôn là khát khao cháy bỏng.

Hoi truong Hoi quan Cac ba me: Toi vui voi lua chon cua minh
Một hoạt động của Hội quán dành cho các bà mẹ

* Ông xã có ủng hộ việc làm của chị? Chị cân bằng việc gia đình và việc xã hội thế nào cho hợp lý?

- Anh ấy luôn ủng hộ những việc tôi làm. Để guồng máy gia đình chạy nhịp nhàng, những ngày hội quán tổ chức chương trình, tôi luôn dậy sớm nấu bữa trưa rồi mới rời khỏi nhà, vì chương trình thường kết thúc lúc 12g, khi trở về nhà thì đã có cơm sẵn.

Chồng tôi thích ăn cơm nhà. Dù không quá khéo tay nhưng tôi cũng biết nêm nếm sao cho vừa miệng, để “bếp hồng” luôn ấm và níu chân ông xã. Tôi đặc biệt chú trọng cân bằng dinh dưỡng, vệ sinh, an toàn thực phẩm cho gia đình nhỏ của mình.

Tôi luôn lựa chọn thời gian “vàng” trong mọi hoạt động của hội quán. Đó là những ngày cuối tuần, khi các ông bố bà mẹ rảnh rỗi, các bé cũng được nghỉ học. Lúc ấy, tôi cho các con theo cùng để cả mẹ và con đều có cơ hội học hỏi, giao lưu với các gia đình khác. Bản thân tôi cũng có nhu cầu học làm mẹ. Tôi cũng học được nhiều điều từ các bà mẹ sinh hoạt cùng hội quán.

* Chị thường mặc áo dài. Đơn giản là thích hay vì điều gì khác?

- Với tôi, áo dài vừa duyên vừa tiện. Tôi thích những kiểu áo không cầu kỳ. Với chiều cao khiêm tốn, mỗi khi mặc áo dài, tôi thấy mình thật tự tin. Con gái tôi cũng vậy, tuy mới lên 10 nhưng cũng thích mặc áo dài, có lẽ do con gần gũi một bà mẹ như tôi.

Tôi luôn khuyến khích con mặc mỗi khi ra ngoài, bởi ở góc độ nào, hoàn cảnh nào áo dài cũng tôn vinh vẻ đẹp. Chúng tôi sắp xuất bản cuốn Cẩm nang áo dài nhằm giúp tư vấn cách mặc áo dài đẹp, từ chất liệu, hoa văn, màu sắc sao cho phù hợp với vóc dáng mỗi người.

Rồi hướng dẫn lựa chọn kiểu may, kết hợp đồ lót, phụ kiện khi mặc áo dài. Trong những chuyến đi từ thiện, nhữ ng buổi sinh hoạt chuyên đề, chúng tôi đều tiếp nhận áo dài để gửi các cô giáo vùng xa.

Tôi cũng rất tâm đắc với những hoạt động liên quan đến việc quảng bá áo dài do hội quán chủ trì, để nhiều chị em thấy trang phục áo dài luôn đẹp và được phát huy trong nhiều sự kiện. Chưa kể, đàn ông thích ngắm phụ nữ mặc áo dài. Thế hệ các con mình cũng rất “thương” áo dài.

* Nhiều người cho rằng, cách làm thiện nguyện của chị rất khác người?

- Hội quán Các bà mẹ không đủ kinh phí để giúp nhiều người. Thường chúng tôi chỉ hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và giáo dục chứ không có quà để phát hàng loạt mấy trăm phần.

Ví dụ, khi mua bảo hiểm y tế, chúng tôi ưu tiên cho những bà mẹ khó khăn, là trụ cột gia đình để họ có chỗ dựa khi ốm đau bệnh tật. Trao xong, chúng tôi động viên họ mỗi ngày tiết kiệm 2.000đ để năm sau họ có thể tự mua. Quà của hội quán cho các bé cũng chỉ là những món đồ chơi, những đôi dép hay chiếc áo, điều quan trọng là để động viên.

Chúng tôi chú trọng “cách cho” chứ không đặt nặng vấn đề “của cho”, đơn thuần chỉ khơi gợi và ươm những hạt mầm nhân ái bằng hành động cụ thể của mình: bao nhiêu cũng quý, đôi khi chỉ là những ánh mắt cảm thông, lời động viên chân thành...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI