|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Tôi là chị lớn nhất nhà, sau tôi còn có 2 đứa em: 1 trai và 1 gái.
Ba tôi là thợ xây, má tôi bán hàng ăn ở chợ, nay bún riêu mai bún mắm mốt bánh canh… xoay vòng 7 ngày trong tuần cho khách đổi món. Ai cũng khen má tôi chịu khó.
Buổi tối, chị em tôi ngồi học bài chung bàn và í ó nhau vì cùi chỏ đứa này đụng tập của đứa kia hay đứa kia đọc thành tiếng khiến đứa nọ phải vê 2 viên giấy nhét lỗ tai…
Chị em tôi đứa nào cũng học giỏi nên ba má vui và tự hào lắm, nhất là ba. Ba hay nói người lao động chân tay mà có mấy đứa con đều học giỏi thì không ao ước gì hơn. Mỗi khi chị em tôi ồn ã, ba lại bấm đốt tay tính toán xem tiền dành dụm được bao nhiêu. Ba nói xây nhà cho người ta hoài rồi, mai mốt sẽ xây nhà cho mình, mỗi đứa 1 phòng riêng tha hồ bày biện…
Năm tôi lên lớp Chín, cũng câu nói đó mà “mai mốt” được thay bằng “cuối năm nay”. Chị em tôi háo hức đếm từng tờ lịch chờ mong tới ngày có nhà mới.
Nhưng cuối năm chưa tới thì ba tôi bị tai nạn. Số tiền dành dụm không đủ cho những toa thuốc đắt đỏ, má tôi vay mượn khắp nơi mà vẫn không giữ được ba ở lại.
Trụ cột gia đình không còn, má gầy đi trong lo toan nợ nần và nuôi nấng con cái. Những buổi sáng, không còn ba phụ giúp má bưng bê hàng ra chợ. Nhà xa, chị em tôi đứa nào cũng phải đi học sớm nên chẳng giúp được gì. Những buổi tối nhìn má một mình lúi húi chuẩn bị cho món bán ngày mai, chị em tôi không đứa nào dám í ó mà không hiểu rằng chính sự im lặng của mấy đứa con khiến má càng buồn và lo lắng hơn.
Má muốn chị em tôi cứ bình thường như khi còn ba nhưng làm sao mà bình thường cho được. Chúng tôi không đến nỗi đi học với cái bụng đói nhưng năm học mới thì chúng tôi phải tìm tới hàng sách cũ, 2 đứa em tôi phải mặc lại đồng phục cũ dù đã chật và ngắn, tôi vẫn mang đôi giày cũ mòn còn tiền trường lớp thì em út đang học lớp Bốn được ưu tiên nộp đúng hạn, sau 2 tuần má mới gom được tiền cho em kế tôi đang học lớp Bảy, phần tôi là chị nên chịu khó chờ thêm mấy bữa nữa…
Vậy là tôi bắt đầu “nếm mùi” trách nhiệm của đứa con lớn nhất nhà bằng cách nhường nhịn phần thuận lợi hơn cho các em. Thật lòng, khi đó tôi chẳng nghĩ ngợi hay ganh tị mà sẵn sàng đồng ý mọi điều má nói, chỉ mong má đỡ khổ.
Nhưng để má được đỡ khổ thì không thể là mong muốn suông. Tôi đòi đi làm kiếm tiền. Nghe tôi nói muốn nghỉ học, má khóc một trận khiến tôi hoảng sợ, không dám lặp lại lần thứ hai. Trong bao nỗi nhớ ba, niềm tự hào về con cái học hành giỏi giang là nỗi nhớ sâu sắc nhất khiến má coi đó là điều ký thác thiêng liêng…
Tôi chỉ còn biết cố gắng học hành và cố thu người lại sao cho ít tốn kém nhất, sinh nhật bạn bè cũng như mọi hoạt động phong trào vui vẻ đến mấy mà cần đóng góp quỹ thì tôi đều lảng xa. Đến khi về thành phố học đại học, dù đi làm thêm kiếm được tiền kha khá, tôi vẫn thu người né tránh mọi giao tiếp có thể gây tốn kém. Tôi tiết kiệm hết mức để tháng nào cũng có được một khoản gửi về cho má. Tôi còn nói khi các em về thành phố thì tôi đã tốt nghiệp, đủ sức thay má lo cho em học hành, má không phải lo gì hết.
***
May mắn sao, thành phố mở rộng về vùng ven, trong quy hoạch có con đường chính chạy ngang đất nhà tôi nên ngoài số tiền bồi thường khá lớn, nhà tôi trở thành mặt tiền ở một khu phố có nhiều cơ hội làm ăn.
Có tiền, má rộng lòng bù đắp cho các con những ngày thiếu thốn, 2 đứa em tôi vui sướng hưởng thụ, tôi thì thói quen đã thành nếp cho nên vẫn vậy. Đâu ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, như ba tôi đột ngột ra đi.
2 đứa em nói tôi còn trẻ mà sao giống bà già. Tôi cười: “Ờ, chị Hai lỡ già trước tuổi rồi, 2 đứa hãy tận hưởng nhưng nhớ phải học thật giỏi nghe chưa!”. 2 đứa em tôi cười vang ngoéo tay hứa sẽ là thủ khoa.
***
Em kế tôi là kỹ sư công nghệ thông tin, em út dạy tiếng Anh. Thu nhập của 2 đứa rất khá trong khi tôi chỉ có lương công chức và chồng tôi cũng vậy. Trong khi vợ chồng tôi mua căn hộ chung cư 60m2 phải trả góp cả chục năm thì 2 đứa em tôi hùn tiền về quê xây lại nhà cho má.
Tôi ngại lắm bởi mình là chị mà không đóng góp được gì. Vì không đóng góp nên chẳng dám có ý kiến dù các em vẫn hỏi tôi về việc xây nhà và cuộc sống của má trong căn nhà mới.
Ngày tân gia, hàng xóm tấm tắc khen má có mấy đứa con giỏi quá. Tôi ngượng ngùng đính chính “Cháu là chị Hai mà dở lắm, 2 đứa em cháu mới giỏi”. Như chứng minh mình giỏi đúng như tôi nói, em út nói: “Tóc má bạc nhiều rồi kìa, để con đưa má chơi chớ lỡ mai mốt má đau chân đau cẳng không đi được nữa”.
Nói là làm luôn, mùa hè, vợ chồng em út đưa má du lịch xuyên Việt, em kế chi tiền để em út đưa má đi chơi nước ngoài luôn. Trang Facebook của 2 đứa đăng nhiều tấm hình chụp má cười vui rồi tag tôi vào. Tôi vui vì thấy má được vui. Và tôi buồn nhiều hơn vì không thấy mình ở đâu trong niềm vui đó. Nhớ khi em út rủ tôi cùng đi với má, tôi đã lắc đầu vì mình không đóng góp thì mặt mũi nào đi chơi bằng tiền của người khác.
***
Buồn và mặc cảm, dần dà, ngoài dịp lễ tết, tôi luôn kiếm cớ né tránh về quê cùng lúc với 2 đứa em, nhất là từ khi dì tôi tới ở chung với má. Dì hay hỏi han này kia, thậm chí bà hỏi từng món quà do đứa nào mua khiến tôi càng thêm ngượng ngùng. Những lần má điện thoại hỏi vợ chồng con bận bịu lắm hả, tôi dạ khan. Có lần dì thì thào, nghe 2 đứa nó nói với má cháu là muốn cho cháu mượn tiền để đỡ trả lãi ngân hàng mà không dám nói vì sợ cháu tự ái, nỗi mặc cảm trong tôi càng lớn hơn thêm. Thật lòng sợ tôi tự ái mà sao lại nói để bà dì nhiều chuyện nghe được?
|
Ảnh minh họa |
***
Dì báo tin trời mưa, má đóng cửa sổ bị trợt chân té nhào đập đầu vô ngay góc bàn…
Tôi vội vã lên xe cùng 2 đứa em về quê để cầm tay má lần cuối. Em út bật khóc “Chị làm má buồn lắm đó, biết không?”. Em kế cắn răng “Tụi em cũng buồn lắm”.
Tôi có làm gì đâu? Tôi chưa từng nói năng gì ai trong nhà, chưa từng phản đối, cũng như chưa hề to tiếng với bất cứ điều gì, sao lại bị trách móc?
Em út nghẹn ngào: “Mỗi lần trò chuyện với tụi em, má hay kể chuyện hồi đó chị đòi nghỉ học để kiếm tiền lo cho gia đình. Má kể chuyện khi chị mới về thành phố học, má đã tính tới chuyện bán đất nhưng nhờ chị chẳng những tự lo được mà còn tằn tiện gửi về phụ má lo cho tụi em… Má nói nhờ chị biết tự lập sớm nên má đỡ cực nhiều lắm. Má cứ sợ tụi em không biết ăn ở với chị…”.
2 đứa em cùng khóc. Nước mắt tôi cũng lăn dài.
Lẽ ra gia đình tôi đã được có những ngày sum họp quây quần bên nhau trong hạnh phúc trọn vẹn. Lẽ ra má đã được thanh thản trọn vẹn. Lẽ ra các em tôi không phải ngập ngừng mỗi khi gặp tôi và lẽ ra tôi cũng đã được vui…
Quá muộn màng để tôi nhận ra mình đã lầm lẫn đến chừng nào. Má à, cho con xin lỗi...
Nguyên Hương