PNO - Trong thời gian qua, Hội LHPN các quận, huyện đã tăng cường các hoạt động kết nối với các doanh nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ và lao động nữ.
Vừa dứt cuộc gọi, chị Lê Thị Kim Hằng (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè) từ trong nhà phóng ra sân thông báo với các chị em cùng xóm trọ: “Có ai cần việc làm thêm không? Công việc này thấy Ok quá nè”. Nghe thông báo, những chị em thường ngày ở nhà làm nội trợ và đưa đón con, chạy ra “hóng” xem việc gì. Xìa chiếc điện thoại ra, chị Hằng hào hứng: “Có công ty gọi, nói là công ty của Hàn Quốc, đang chạy quảng cáo trên Shopee, cần mình vô bài viết like và comment. Mỗi like mình được trả 8.000 đồng. Mình chỉ cần ở nhà và lên mạng like thôi. Rảnh thì làm nhiều, không rảnh thì làm ít. Họ nói mỗi ngày kiếm được cả triệu đồng là chuyện thường”.
“Đâu ngon dữ vậy, có khi nào nó lừa mình không?” - một chị tỏ ra hoài nghi. Đáp lại hoài nghi đó, chị Hằng nói: “Nó nói không cần hồ sơ, thế chấp gì hết. Lương được trả mỗi ngày nên cứ yên tâm”.
Nhiều chị em tìm được việc ngay tại sàn giao dịch việc làm diễn ra giữa tuần qua ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Trước đây chị Hằng đi giúp việc nhà theo giờ cho một số gia đình tại Q.7. Hơn một năm nay, từ khi dịch bệnh bùng phát, số đầu việc giảm dần. Đồng lương của chồng không đủ lo cho bốn miệng ăn và hai đứa con đi học nên khoản tiền tích lũy bấy lâu của chị cũng đã vơi dần. Nóng ruột, chị muốn tìm việc làm để có thu nhập, nhưng ngặt nỗi là chị đi làm thì không ai lo cơm nước cho gia đình và đưa đón con đi học. Có thời điểm, chị dự định bán cơm tấm vỉa hè, nhưng chuẩn bị khai trương thì một công trình gần đó khởi công gây bụi bẩn nên chị lại thôi. Sau đó, chị nhờ người quen đăng ký làm shipper để có thể chủ động thời gian chăm lo cho gia đình, nhưng lại gặp rắc rối trong quá trình tải app và những hiểu biết về công nghệ khiến chị nản lòng. Thế là chị đành an phận làm nội trợ, thỉnh thoảng có ai kêu giúp việc nhà thì đi. Bởi thế, khi nghe có việc, mà chỉ cần “làm ở nhà, làm lúc nào cũng được”, chị như bắt được vàng.
Nhờ chia sẻ “tin vui” với mọi người mà chị Hằng được mọi người “cảnh giác” về những câu chuyện “việc nhẹ lương cao”. Thấy chị còn bán tín bán nghi, có người đã tìm lại những bài báo cũ cho chị đọc.
Không may mắn như chị Hằng, N.T.H.O., cô sinh viên ngành luật thương mại quốc tế tại một trường đại học tốp đầu ở TP.HCM, đã buộc phải thôi học giữa chừng vì dính vào bẫy “việc nhẹ lương cao”. Chuyện là khi rời quê nghèo miền Trung vào TP.HCM học tập, với mong muốn có thu nhập để trang trải cho cuộc sống, đỡ đần cha mẹ, O. đã lân la lên mạng để tìm việc. Từ một công việc không cần thế chấp và có thể làm bất cứ lúc nào rảnh rỗi, O. bị “dắt mũi” để vay 10 triệu đồng góp cổ phần vào công ty, rồi tiếp tục bị dụ dỗ ký giấy nợ 50 triệu đồng. Đến khi câu chuyện vỡ lở, O. phải ôm đống nợ hơn 150 triệu đồng do lãi mẹ đẻ lãi con. O. bị nhà trường cho thôi học vì bỏ học quá nhiều để chạy theo công việc bên ngoài. Cuối cùng, cô phải trở về quê giúp cha mẹ nuôi heo, còn cha mẹ lại phải vay mượn khắp nơi để “giải” cho cô món nợ.
Đa dạng các hoạt động kết nối lao động
Vào ngày 21/7 vừa qua, Hội LHPN Q.Bình Thạnh phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội và Quận đoàn tổ chức sàn giao dịch việc làm. Tại đây, có 15 doanh nghiệp đã tham gia tuyển dụng với nhu cầu tuyển lên đến gần 1.000 chỗ làm cho cả lao động phổ thông lẫn lao động có trình độ. Đông đảo chị em tuổi trung niên và cả sinh viên các trường đại học cũng có mặt để tìm kiếm cơ hội việc làm. Bạn Lê Thị Kim Ngọc - sinh viên năm tư Trường đại học Sư phạm TP.HCM - chia sẻ: “Em đến đây tìm việc vì nghĩ ở đây uy tín, được tư vấn tận tình và trực tiếp gặp đơn vị tuyển dụng. Còn ở trên mạng, công việc cũng rất nhiều, nhưng em không dám tin”.
Có nhu cầu tìm một công việc ở tuổi 52, chị Thanh Thủy (Q.Bình Thạnh) tâm sự, trước đây, chị làm phục vụ cho một số quán ăn, quán nước bình dân, nhưng dịch bệnh buộc phải nghỉ. Hiện tại, chị rất muốn đi làm trở lại để có thêm thu nhập, nhưng không dễ tìm một công việc phù hợp.
Bà Bùi Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Hội LHPN Q.Bình Thạnh - cho biết, sau hai năm đại dịch COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ trên địa bàn quận tăng lên, riêng với phụ nữ có tuổi thì càng khó. Cũng vì tìm kiếm việc làm khó khăn mà gần đây trên mạng xuất hiện nhiều trò lừa đảo liên quan đến việc làm. “Chính vì thế mà bên cạnh việc thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng nhằm giúp người dân cảnh giác, tránh xa tín dụng đen, tránh bị lừa đảo việc làm, thì chúng tôi còn tổ chức các sàn giao dịch việc làm và khuyến khích bà con, chị em đến đây tìm việc. Tại đây sẽ có rất nhiều công việc khác nhau, phù hợp với tất cả các đối tượng lao động nữ, điển hình như nhân viên văn phòng, kế toán, giúp việc gia đình, nhân viên vệ sinh, bán hàng… Ngoài các sàn giao dịch việc làm, chị em lao động nữ cũng có thể chủ động liên hệ với tổ chức Hội Phụ nữ tại cơ sở để nếu có thể, chị em sẽ được hướng dẫn, giới thiệu công việc một cách trực tiếp với những đơn vị tuyển dụng uy tín, chất lượng” - bà Hà cho biết.
Không chỉ tại Q.Bình Thạnh, trong thời gian qua, các sàn giao dịch việc làm đã được Hội LHPN tích cực đẩy mạnh ở các quận, huyện nhằm tăng cường kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp với người lao động. Trong tháng Bảy, Hội LHPN các quận Tân Phú, Gò Vấp đã tổ chức những chương trình, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, doanh nhân và hội viên phụ nữ có cơ hội gặp nhau và tìm kiếm cơ hội việc làm, cơ hội kinh doanh, cơ hội tuyển dụng. Tại các buổi gặp gỡ này, nhiều cam kết tạo việc làm toàn thời gian, bán thời gian, tuyển dụng nhân viên, cộng tác viên bán hàng trực tiếp và online đã được các doanh nghiệp đưa ra để những chị em có nhu cầu lựa chọn.
Ngoài ra, để việc kết nối, giới thiệu việc làm đạt hiệu quả, Hội LHPN các địa phương đã tập hợp những chị em có chung một sở thích, tay nghề vào các nhóm, như nghiệp đoàn giúp việc gia đình tại Q.Bình Thạnh (có 34 chị em), nghiệp đoàn xe ôm (Q.10) hoặc các câu lạc bộ làm nail… để chia sẻ thông tin việc làm cho nhau.
Để có nhiều đầu việc giới thiệu cho chị em, đầu năm 2022, Hội LHPN Q.8 đã phối hợp với Phòng Kinh tế quận nhằm nắm bắt kịp thời những thông tin, nhu cầu và yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tất cả những thông tin này sẽ được Hội LHPN Q.8 đăng tải trên trang tin việc làm của Hội để phục vụ chị em. Cẩn thận hơn, Hội LHPN Q.8 còn thực hiện khảo sát nhu cầu từ người lao động (thông tin về bản thân, mong muốn công việc, mức lương) và yêu cầu từ phía doanh nghiệp. Nhờ cách làm này mà trong sáu tháng đầu năm 2022 Hội LHPN Q.8 đã giới thiệu được 59 trường hợp có việc làm ổn định.
Bà Hoàng Ngọc Loan - Phó Chủ tịch Hội LHPN Q.8 - cho biết, để tìm một việc làm tại TP.HCM không khó, vì nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông ở các doanh nghiệp là rất lớn. Không riêng Hội LHPN mà nhiều tổ chức xã hội khác cũng nỗ lực làm cầu nối, giới thiệu việc làm, vừa hỗ trợ người lao động, vừa là cơ hội để gắn kết các doanh nghiệp với hoạt động của địa phương.
Chiều ngày 16/1, Hội LHPN, Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, các Câu Lạc bộ, doanh nghiệp tổ chức chương trình họp mặt “Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình”.