Hơi thở đương đại của 800 năm hẹn ước

02/12/2015 - 15:33

PNO - Tối 1/12, tại Nhà hát TP. HCM, sẽ công chiếu vở 800 năm hẹn ước giúp tái hiện lại cuộc đời ly hương của hoàng tử triều Lý - Lý Long Tường...

Sự kết hợp của ba nghệ sĩ Bùi Như Lai (Việt Nam - Chun yoo -Oh (Hàn Quốc) và Peter Schindler (Đức) đã tái hiện cuộc đời ly hương của hoàng tử triều Lý - Lý Long Tường qua vở 800 năm hẹn ước kết hợp kịch, múa và âm nhạc bằng ngôn ngữ đơn giản, hiện đại, giàu cảm xúc.

Đạo diễn Jung Sun-Goo chia sẻ rằng ông chọn sân khấu nhỏ tối giản để tối đa hóa cảm xúc cho người xem qua sự thể hiện của vỏn vẹn ba diễn viên. Không có diễn viên quần chúng để diễn tả những cảnh giao chiến, không có rèm bệ ngai ghế sơn son thếp vàng lộng lẫy để thể hiện cảnh phồn thịnh của nước Việt thời Lý - Trần, các nhân vật tướng quân, nữ chúa cũng không quần áo mũ mão nặng nề... Vậy nhưng vở kịch vẫn chuyển tải đầy đặn câu chuyện về vị hoàng tử ly hương, những thăng trầm cuộc đời và nỗi buồn hoài cố hương đau đáu khôn nguôi.

Hoi tho duong dai cua 800 nam hen uoc

Chỉ với hai cây đàn organ và piano trên sân khấu, nghệ sĩ-nhà soạn nhạc Peter Schindler đã dùng âm nhạc thay thế cho bài trí sân khấu để tạo nên không gian đậm chất Việt Nam và Hàn Quốc. Bên cạnh sáng tác mới, ông làm lại một vài tác phẩm tiền cổ điển, đem đến những cung bậc cảm xúc từ trong trẻo nhẹ nhàng đến dữ dội, tha thiết.

Đặc biệt, Peter sử dụng chất liệu nhạc cổ điển phương Tây để tạo ra âm hưởng truyền thống của phương Đông mà ở đây là âm sắc nhạc Việt và nhạc Hàn. Trong đoạn cao trào của vở diễn, ngón đàn điêu luyện của Peter cùng sự góp âm của hai nghệ sĩ cello đã giúp điệu múa chiến thắng thêm thăng hoa trên sân khấu.

Thủ vai chính - hoàng tử Lý Long Tường, nghệ sĩ kịch nói Bùi Như Lai có cơ hội thể hiện chất giọng truyền cảm qua nhữ ng màn độc thoại. Lời thoại là yếu tố được chăm chút kỹ lưỡng trong vở diễn song ngữ này. Ê kíp đã nhờ cậy Giáo sư tiến sĩ văn học Việt Nam Bae Yang-Soo chuyển ngữ, để tiếng Việt lẫn tiếng Hàn (hiển thị phụ đề trên màn hình) đều tinh thuần và dễ hiểu, đi vào lòng khán giả.

Tất cả các yếu tố bối cảnh, trang phục, số lượng con người trên sân khấu đều được tiết chế (nghệ sĩ chơi nhạc kiêm vai đức vua, người dân...) nhưng người xem vẫn cảm nhận sự chăm chút kỹ lưỡng từng chi tiết của ê kíp sản xuất trong từng lời thoại, hình họa, ánh sáng…; sự phối hợp nhịp nhàng của âm nhạc - động tác - lời thoại.

Biên đạo kiêm diễn viên múa Hàn Quốc Chun Yoo-Oh đã thể hiện sâu sắc nỗi bất hạnh của nhân vật Lý Chiêu Hoàng, một lần nữa cho thấy cách làm sáng tạo của bà trong những câu chuyện về thân phận người phụ nữ Việt, sau vở múa Cây nỏ thần tháng 6/2015 và Arirang Saigon năm 2014.

800 năm hẹn ước dành một buổi diễn cho khán giả Hà Nội vào lúc 19g30 ngày 4/12 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ.

Đinh Hà

Không được viết rõ trong lịch sử Việt Nam, nhưng cuộc ra đi của hoàng tử Lý Long Tường (con thứ bảy của vua Lý Anh Tông) năm 1226, giúp vua Cao Ly chống giặc Mông và trở thành quan lớn trong triều, từ đó hình thành dòng họ Hoa Sơn Lý thị được ghi chép rõ trong lịch sử Hàn Quốc.

800 năm sau kể từ ngày hoàng tử Lý Long Tường tha hương, năm 1995, con cháu dòng họ Lý trở về quê hương Việt Nam nhận lại tổ tiên, thực hiện tâm nguyện của vị hoàng tử năm xưa: dù ở nơi đâu, bao lâu cũng không bao giờ quên nguồn gốc là người Việt Nam.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI