Hội thảo quốc tế “Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh: 100 năm sau”

02/07/2023 - 17:36

PNO - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày người thanh niên Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên đặt chân đến nước Nga Xô viết, các chuyên gia từ Việt Nam và Nga đã cùng gặp gỡ trong buổi hội thảo trực tuyến ngày 30/6 để chia sẻ những câu chuyện về tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

 

Các chuyên gia người Nga tham dự Hội thảo quốc tế trực tuyến “Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh: 100 năm sau”ngày 30/6
Các chuyên gia người Nga tham dự Hội thảo quốc tế trực tuyến “Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh: 100 năm sau” ngày 30/6

Trong khuôn khổ hội thảo khoa học quốc tế "Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh: 100 năm sau" được tổ chức trực tuyến tại St. Petersburg vào ngày 30/6, nhiều nhà Việt Nam học người Nga từ Moscow, St. Petersburg và Vladivostok, cũng như các chuyên gia từ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã có buổi trò chuyện xoay quanh mối quan hệ giữa hai dân tộc, dựa trên nền tảng di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hội thảo do Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp St. Petersburg và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam & ASEAN thuộc phân viện Trung Quốc và châu Á hiện đại của Viện Hàn lâm Khoa học Nga cùng phối hợp tổ chức.

Giáo sư - tiến sĩ sử học Vladimir Kolotov - Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Petersburg - thông tin, kế hoạch hội thảo đã được chuẩn bị từ tháng 9/2022 bằng cả 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Nga.

Ông Vladimir Kolotov nhấn mạnh: “Chủ đề đấu tranh chống thực dân vẫn rất quan trọng trong điều kiện hiện nay... Tất nhiên, số phương thức để nước mạnh chi phối, kiểm soát các quốc gia và dân tộc trên thế giới khác đã trở nên đa dạng hơn, nhưng những kinh nghiệm của Việt Nam vẫn mang tính thời sự.

Bởi lẽ, lãnh tụ Hồ Chí Minh không sao chép một cách giáo điều các phương pháp và định hướng của Nga trong đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, mà vận dụng một cách sáng tạo, có chọn lọc những gì phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, thông qua đó phát triển chiến lược đấu tranh mang bản sắc Việt Nam”.

Đáng chú ý, nhà Việt Nam học Anatoly Sokolov từ Moscow đưa ra bản báo cáo thú vị về bộ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện bởi các họa sĩ tại nhiều quốc gia, trong những khoảng thời gian khác nhau, trong đó có cả họa sĩ Nga Alexei Kuznetsov - người từng làm việc tại Việt Nam vào đầu những năm 1960.

Phía Việt Nam đã trình bày những báo cáo về vai trò của các chuyên gia Liên Xô trong việc phát triển nền kinh tế quốc dân của Việt Nam, về các cuộc gặp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chuyên gia người Nga đến Hà Nội vào tháng 9/1955, đặt nền móng cho nền kinh tế Việt Nam hiện đại.

Hai bên cũng ghi nhận truyền thống hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Nga do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng xây dựng 100 năm trước vẫn giữ nguyên giá trị đến ngày nay. Tuy nhiên, các chuyên gia thừa nhận nhóm quan hệ này cần bổ sung thêm những nội dung cụ thể về thương mại, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa và thông tin.

Do còn thiếu những dịch giả có trình độ dịch sang tiếng Việt và tiếng Nga ở cả hai nước, tài liệu hội thảo dự kiến ​​sẽ được xuất bản ở Moscow bằng tiếng Anh. Ông Vladimir Kolotov lưu ý: “Việc đào tạo phiên dịch viên ở cả Nga và Việt Nam, chủ yếu là phiên dịch viên song ngữ, từ tiếng Nga sang tiếng Việt và từ tiếng Việt sang tiếng Nga vẫn còn là vấn đề cấp thiết”.

Ông nói thêm: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự quan tâm đến việc đào tạo thông dịch viên Việt - Nga vào giữa những năm 1950. Theo chỉ thị của Người, Hà Nội đã đề xuất Moscow gửi những sinh viên Nga đầu tiên sang Việt Nam để đào tạo về tiếng Việt”.

Tấn Vĩ (theo Sputnik)

 
TIN MỚI