Hội tạo việc làm cho các bà nội trợ

22/04/2022 - 10:30

PNO - Nhờ những tổ hợp tác ngành nghề do Hội Phụ nữ các cấp thành lập, nhiều chị em trước đây chỉ biết lo nội trợ - thời gian nhàn rỗi nhiều giờ đã có việc làm phù hợp, cuộc sống bớt túng thiếu.

Không sợ hết việc làm 

Từ bốn tháng nay, căn nhà số B7/134A Trương Văn Đa, ấp 2, xã Tân Nhựt, H.Bình Chánh, TP.HCM của chị Cao Thị Hồng Vân ngày nào cũng rổn rảng tiếng cười nói của chị em. Đây là một trong ba tổ hợp tác nghề may do Hội Phụ nữ xã Tân Nhựt vận động thành lập. Cũng nhờ đó mà hơn 30 chị em ở xã được tạo việc làm thêm ổn định. Mỗi tháng, ai làm ít cũng kiếm được 2 - 3 triệu đồng, làm nhiều có thể được từ 5 - 8 triệu đồng.

Chị Vân kể, những ngày chưa thành lập tổ may, chị có bốn chiếc máy may công nghiệp. Nhận thấy, khi có ít người làm, hàng không ra được nhiều, thu nhập không ổn định, nên chị Vân đã kêu gọi những chị em biết may đến cùng chị may hàng gia công. Một số chị nhận lời tham gia. Thế là tổ hợp tác may gia công ấp 2, xã Tân Nhựt được thành lập vào cuối năm 2021. Dưới sự trợ giúp của các cấp Hội địa phương và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, mới đây tổ có thêm sáu máy may mới và nhiều đơn hàng hơn.

Tổ hợp tác may gia công ở nhà chị Cao Thị Hồng Vân, ấp 2, xã Tân Nhựt
Tổ hợp tác may gia công ở nhà chị Cao Thị Hồng Vân, ấp 2, xã Tân Nhựt

“Trước đây làm một mình, sản phẩm ra không được nhiều nên bị đứt hàng hoài. Bây giờ thì chỉ sợ may không nổi. Chị em ở đây cứ rảnh thì làm, bận bịu thì nghỉ. Ai không biết may nhưng thích thì đến đây tôi chỉ, bắt đầu từ những công đoạn dễ nhất” - chị Vân chia sẻ.

H.Bình Chánh có 65 tổ hợp tác ngành nghề, 841 thành viên

Xuất phát từ nhu cầu việc làm của hội viên phụ nữ trên địa bàn dân cư, từ những năm 2010, Hội LHPN H.Bình Chánh đã hướng dẫn các xã, thị trấn hỗ trợ chị em định hướng ngành nghề, lựa chọn việc làm phù hợp. Theo đó, các cơ sở Hội đã tạo điều kiện, liên kết và thành lập các tổ ngành nghề giúp chị em có việc làm.

 

Đến hiện tại, trên địa bàn H.Bình Chánh có 65 tổ hợp tác ngành nghề với 841 thành viên tham gia may gia công, giày da, nấu ăn, dịch vụ gia đình, gia công nắp chai, gia công túi gạo, lột củ hành, se nhang, trồng rau, kết cườm… được tạo công ăn việc làm.

Sự hình thành các tổ hợp tác ngành nghề đã tạo công ăn việc làm, thu nhập cho gia đình hội viên phụ nữ, nhất là lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời giúp các công ty, cơ sở sản xuất gia tăng tiến độ sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện thành công chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá. 

Bà Huỳnh Thị Kim Ân
Chủ tịch Hội LHPN H.Bình Chánh

Nếu làm việc đều đặn, mỗi ngày từ 7g sáng đến 16g chiều, mỗi tháng chị Vân kiếm được hơn 8 triệu đồng. Chị cho biết, may gia công tại nhà chị chủ động sắp xếp được thời gian chăm sóc gia đình và việc làm. Mọi người tham gia xem như lấy công làm lời, các chi phí bảo trì máy may, tiền điện, kim chỉ, giao nhận hàng, chị Vân, cũng giống như hai tổ trưởng tổ nghề may còn lại đều sẽ chi trả và trích lại một phần hoa hồng trên mỗi sản phẩm để  bù vào.

Chị Mai Dung Hòa - thành viên tổ may - cho biết, trừ Chủ nhật, những ngày còn lại trong tuần chị chỉ có thể may vào giờ rảnh rỗi sau khi đã lo cơm chiều cho chồng con. Vậy mà mỗi tháng chị cũng kiếm thêm gần 3 triệu đồng. “Mình tự làm ra đồng tiền thì cũng thấy tự tin hơn. Cần gì thì mua chứ không trông chờ đồng lương của chồng. Làm việc, chị em cũng chia sẻ với nhau đủ chuyện, từ kinh nghiệm nấu nướng cho đến cách nuôi dạy con cái, giúp mình quên đi những nhọc nhằn” - chị Hòa cho biết.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Huê - một thành viên khác, vui vẻ khoe: “Chồng mình là tài xế tự do. Bữa nào anh bận thì mình dắt con qua nhà chị Vân để cháu ngồi chơi, còn mình tranh thủ may. Lúc nào anh ấy rảnh thì giúp mình trông con và làm việc nhà”.

Ngoài tổ may ở xã Tân Nhựt, H.Bình Chánh còn có tổ gia công túi gạo và tổ gia công nắp chai nhựa ở xã Lê Minh Xuân với tổng cộng 28 thành viên đều là những phụ nữ lớn tuổi, phụ nữ yếu thế. Theo khảo sát của Hội Phụ nữ, trước khi vào tổ ngành nghề, nhiều chị vì không tìm được việc làm phù hợp với hoàn cảnh gia đình, từng rơi vào cảnh túng quẫn. Có chị sinh ra u uất, trầm cảm. Khi có việc làm, cuộc sống của các chị có thay đổi, các chị tự tin và hoạt bát hơn.

Chị em nào không có việc thì ra đây! 

Vừa ấn nút chai nhựa, cô Nguyễn Thị Hòa (ấp 6, xã Lê Minh Xuân) vừa kể chuyện lập tổ gia công. Theo lời cô, năm 2016 cô “bắt” được mối gia công nắp chai nhựa cho một công ty gần nhà. Ban đầu chỉ gia đình cô làm. Nhưng gần đây, thấy nhiều chị em hỏi han việc làm, thế là cô chủ động liên hệ nhận thêm công việc để chị em cùng làm. 

Với đơn giá 2.000 đồng/kg nắp chai, công việc lại đơn giản, người lớn tuổi cũng làm được, nên mỗi người mỗi ngày có thể kiếm được từ 120.000 - 200.000 đồng trở lên. Thành viên lớn tuổi nhất của nhóm (gần 90 tuổi) cũng kiếm được khoảng 90.000 đồng/ngày. Cũng nhờ vậy mà cuộc sống đã dễ thở hơn với nhiều người. Cô Nguyễn Thị Tám từng có thời điểm cuộc sống rơi vào bế tắt, không có tiền ăn, tiền thuê phòng trọ. Nhưng nhờ nhận việc ở chỗ cô Hòa mà giờ đây cô có thu nhập mỗi tháng hơn 5 triệu đồng, cuộc sống đã ổn định hơn rất nhiều.

Tương tự, tổ gia công gắn quai túi gạo cũng giúp hơn mười chị em phụ nữ nghèo kiếm thu nhập từ 200.000 - 400.000 đồng/ngày. Cũng nhờ công việc này mà chị Lê Thị Thu Hà đã thoát diện hộ nghèo sau hơn một năm gắn bó. Chị Hà kể: “Ở xóm này chứ chẳng đâu xa, có chị chồng bị tai biến, có em thiếu tiền mua sữa cho con… nhưng đâu thể bỏ nhà mà đi làm được. Nhờ chị em rủ ra làm cùng mà có đồng ra đồng vô, cuộc sống đỡ hẳn, lại bớt nhàm chán và thấy mình có ích”.

Cô Nguyễn Thị Hòa tâm huyết: “Ông bà mình nói “nhàn cư vi bất thiện”. Nhiều người cũng do quá nhàn rỗi mà sinh “nông nỗi”, ham mê cờ bạc, tệ nạn xã hội. Nghĩ vậy nên tôi nói với các chị em ai không có việc thì ra đây, tôi giới thiệu việc cho làm”. 

Phạm Phan

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI