Làm việc cùng nhà thiết kế Sara Jane Murray, Cox lựa chọn series bản đồ hàng hải cổ của Thụy Điển, biểu thị hệ thống đảo nhỏ lẻ, chi tiết. Murray hoàn thiện một mẫu váy lửng duyên dáng, mang sắc nền xanh lục trang nhã. Bộ trang phục sau đó đã khiến giới truyền thông quốc tế khen ngợi về gu thẩm mỹ sáng tạo. Thế nhưng, đây không phải lần duy nhất chất vải đặc biệt này được người yêu thời trang “tái sinh” thành công.
Vào giai đoạn Thế chiến thứ Hai, phi công - nhà phát minh lỗi lạc người Anh, Christopher Clayton Hutton tạo nên vô số tấm bản đồ in lụa, dùng cho mục đích tẩu thoát khỏi nhà tù hoặc lẩn trốn kẻ địch. Chúng nhanh chóng trở thành công cụ quý giá hỗ trợ lực lượng quân đội Đồng minh trong khu vực châu Âu, Thái Bình Dương. Hutton cộng tác với Wallace Ellison, một cựu tù binh Thế chiến thứ Nhất, để tìm ra cách lưu giữ nét mực bền vững trên chất liệu lụa.
|
Hester Cox rạng rỡ khoác lên chiếc váy cưới “độc nhất vô nhị” (Ảnh: JoDenison) |
Thời chiến, bản đồ lụa được lén lút sản xuất – phân phối đầu tiên từ một nhà máy đồ chơi lâu đời của Anh. Như Hutton gợi ý, họ xây dựng một gian phòng bí mật tại xưởng, nơi nhóm công nhân sẽ tháo gỡ những bảng trò chơi, đục nhiều khoan nhỏ bên trong, giấu gọn bản đồ rồi dán decal trang trí lên trên nhằm ngụy trang.
Bản đồ làm từ vải lụa dẻo dai chịu được tác động thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, chúng đủ mềm mại để có thể cất giữ ở nơi kín đáo như túi áo khoác hoặc dưới đế giày mà không gây chú ý. Khác với chất liệu giấy thô cứng, bản đồ lụa không tạo tiếng động khi gấp mở.
Tại Anh, Mỹ, hàng trăm ngàn tấm bản đồ in trên lụa đã hỗ trợ đắc lực binh lính Đồng minh trong khoảng 750 cuộc vượt ngục thành công. Trên hết, chúng là bằng chứng nói lên sức sáng tạo miệt mài của nhân loại giữa những năm tháng khó khăn tột độ.
|
Giai đoạn thế chiến, những tấm bản đồ lụa được bí mật gửi đến tù nhân chiến tranh như phương tiện trợ giúp họ lên kế hoạch tẩu thoát. (Ảnh: Alamy) |
Ngày hòa bình vừa lập lại, thời điểm mặt hàng vải vóc còn khan hiếm ở châu Âu, chính quyền nước Anh khuyến khích người dân “may mặc tiết kiệm và linh hoạt hơn”. Vì lẽ đó, nhiều cựu binh tình nguyện cung cấp những tấm bản đồ lụa họ vẫn giữ bên người, để vợ hoặc bạn gái chuyển đổi thành đa dạng mẫu mã trang phục.
Sử gia thời trang Anna Vaughan Kett chia sẻ: “Hẳn bạn từng nghe qua câu chuyện cắt may váy từ màn treo cửa. Để tiết kiệm, người dân thời ấy sẵn lòng dùng mọi thứ vải vóc họ có trong tay. Và ai lại không thích tái sử dụng vải lụa?”.
Bấy giờ, bản đồ lụa cũ khá phổ biến tại những cửa hàng bày bán sản phẩm quân đội khắp nước Anh. Do có kích thước nhỏ gọn, chúng thường được tận dụng may thành trang phục lót, đồ đi biển, quần áo trẻ em và vô số phụ kiện vải dùng cho gia đình. Một số người thợ may sáng tạo còn kết hợp vài mảnh lụa cùng lúc làm ra thiết kế đầm dài, áo choàng mặc nhà.
|
Một mẫu đầm thanh nhã từ chất liệu bản đồ cổ được giới thiệu trong sự kiện triển lãm về lịch sử châu Âu - 'Safe European Home', diễn ra tại bảo tàng Worthing (hạt West Sussex, miền nam nước Anh), năm 2018. (Ảnh: BBC) |
Theo Vanghan Kett, trong lịch sử, trang phục may từ bản đồ lụa rất được xem trọng. Tuy nhiên, muốn “tái sinh” loại vải này đòi hỏi sự cần mẫn và kiên nhẫn ở đôi tay người thợ lẫn chất lượng máy khâu. Một nhà thiết kế lành nghề còn có khả năng khéo léo phối hợp đường nét, chi tiết nguyên thủy trên bản đồ theo nhiều cách thú vị.
Giới tạo mẫu đương thời đang tiếp nhận những thử thách kể trên, nhằm đem lại sức sống mới cho bản đồ lụa. Thương hiệu BRUT, có trụ sở tại Paris, vừa giới thiệu đến công chúng yêu thời trang bộ sưu tập quần áo bảo hộ lao động và khẩu trang, từ chất vải bản đồ.
|
(Ảnh: BenBroomfield) |
|
Một số thiết kế trẻ trung, hiện đại trên chất vải bản đồ lụa, tạo mẫu bởi Christopher Raeburn. (Ảnh: LystUK) |
Christopher Raeburn, nghệ sĩ tạo mốt đến từ London – nhà sáng lập nhãn hàng RÆBURN, mô tả việc tìm ra chất liệu ấn tượng như bản đồ in lụa cho dòng sản phẩm vintage (thời trang hoài cổ), không khác một “tiến trình khai quật kho báu bị quên lãng”.
“Ghé thăm gian hàng nọ tại chợ đồ cũ, tôi vô tình thấy một hộp các-tông được dán kín. Và như thể tôi vừa đãi được vàng giữa sa mạc, bên trong hộp là 800 tấm bản đồ cổ từng dùng để dò đường của lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, được sắp xếp ngăn nắp, trong tình trạng hoàn toàn nguyên vẹn”, Raeburn hào hứng kể lại. “Chúng được in vô cùng tinh xảo trên nền vải lụa cao cấp. Giây phút ấy tôi hiểu, mình vừa bắt gặp một thứ rất đặc biệt”.
|
Bản đồ lụa được biến tấu thành series khẩu trang tiện ích của hãng BRUT, Pháp. (Ảnh: BrutClothing) |
Nữ diễn viên sáng giá Lily Cole, cùng nhà thiết kế Orsola de Castro – người đi đầu mở ra “cuộc cách mạng” thời trang bền vững, từng mặc qua những đề cử trang phục nổi bật của RÆBURN làm từ chất vải bản đồ lụa, bao gồm áo thun, áo khoác mùa đông và quần Âu cổ điển.
Amelie Jannoe, trợ lý thiết kế cho thương hiệu RÆBURN nhận xét: “Bản đồ lụa được làm ra trong một giai đoạn lịch sử vô vàn khó khăn, bất trắc. Ngày nay, chúng ta lại giúp chuyển hóa chúng, gắn cho chúng nhiều chức năng thiết thực mới”.
“Tôi nghĩ bản đồ in lụa vẫn còn nguyên sức ảnh hưởng đến đời sống đương đại, khi nó nhắc nhở chúng ta rằng nỗ lực sáng tạo, thích nghi có thể được hình thành trong cả những thời khắc đầy biến động”.
Về điểm này, chuyên gia sử học Vaughan Kett nói thêm: “Nếu bạn nhìn thật kĩ vào từng tấm bản đồ, chúng thể hiện nơi chốn nổ ra những cuộc chiến, những xung đột, mất mát gây ám ảnh. Đằng sau chúng vẫn ẩn hiện nhiều câu chuyện chiến tranh đau lòng”.
|
Áo khoác và khăn choàng lụa từ chất liệu bản đồ cổ của RÆBURN (Ảnh: TimetoSew) |
Bản đồ lụa có thể tiếp tục được “tái sinh” thành công giữa kỷ nguyên thời trang hiện đại, thế nhưng song song đó, chúng đồng thời là vật phẩm lịch sử với chiều sâu dấu ấn riêng. Cả khi góc nhìn, gu thẩm mỹ may mặc của chúng ta không ngừng thay đổi, chất liệu bản đồ in lụa luôn cần được trân trọng giữ gìn vì giá trị nó chứa đựng.
Những tấm bản đồ làm nên mẫu váy cưới độc đáo cho Cox được gửi tặng từ một cựu binh Thế chiến thứ hai, người nay đã qua đời. Con trai ông, một chuyên gia sưu tầm bản đồ lụa cổ, đã nhờ Murray, nhà thiết kế chiếc váy, gửi đến vợ chồng Cox một số di ảnh của người cha quá cố. Cox tiết lộ, bộ trang phục càng trở nên đặc biệt hơn khi cô biết tường tận nguồn gốc của nó.
Cox nói: “Sau ngày cưới, tôi chưa mặc lại nó lần nào nữa. Nhưng tôi hy vọng lúc nào đó sẽ có dịp. Chiếc váy vẫn được treo trong tủ quần áo để tôi nhìn ngắm mỗi ngày. Nó quả là một tuyệt tác”.
Như Ý (theo AtlasObscura)