“Hồi sinh” những phận đời lạc lối

07/10/2024 - 06:24

PNO - Những năm qua, bằng sự đeo bám, hỗ trợ dài hơi, các cấp Hội Phụ nữ ở quận 4, TPHCM đã góp sức cho sự thành công trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tái hòa nhập cộng đồng.

Đứng lên từ sai lầm của tuổi trẻ bồng bột

Mưa rả rích, bên con hẻm nhỏ trên đường Xóm Chiếu, nồi phá lấu của chị P.T.T.T. - 54 tuổi, ngụ phường 16, quận 4 - vẫn ấm nóng, thơm nồng. Chồng chị phóng xe đi lấy thêm bánh mì. Mưa dầm nên xe nước mía của anh, đặt kế bên xe phá lấu của chị, cũng ế ẩm, nhưng chiều nào anh cũng đẩy xe ra bán để phụ chị những việc lặt vặt.

Thời tiết không ủng hộ nên mỗi khi có khách chị T. mừng rỡ, không chỉ đon đả chào mời mà chị còn “khuyến mãi” thức ăn nhiều hơn bình thường và những lời cảm ơn. Trung bình mỗi ngày, chị bán khoảng 4kg phá lấu, kiếm được khoảng 200.000 đồng. Chồng chị bán nước mía, kiếm thêm khoảng 100.000 đồng nữa.

Chị P.T.T.T. (trái) và xe phá lấu vỉa hè được khách thương yêu ủng hộ - ẢNH: N.A.
Chị P.T.T.T. (trái) và xe phá lấu vỉa hè được khách thương yêu ủng hộ - ẢNH: N.A.

Chị T. từng nghiện ngập, 2 lần vào trại cai nghiện. Chị kể, cha mất sớm, mẹ làm bốc xếp nuôi 4 đứa con. Thiếu sự quan tâm nên 3 trong số 4 chị em của chị đều lêu lổng. Riêng chị, học đến lớp Năm thì nghỉ đi lông bông. Ở tuổi 20 bồng bột, bạn rủ chơi ma túy, chị “thử cho biết” rồi nghiện lúc nào không hay. Cơn ghiền tới nhưng không có tiền, chị về nhà “chôm” đồ đi bán. Khi đồ trong nhà không còn gì đáng giá, chị đi trộm cắp bên ngoài.

Có cái nhà để ở, bà Nguyễn Thị Nga - mẹ chị T. - cũng đành phải bán để trả nợ cho con. Đến khi không còn khả năng chèo chống, bà quyết buông tay nhìn con vào trường cai nghiện.

Con vắng nhà, bà Nga lại mất sức lao động, nên tìm đến Hội Phụ nữ phường 16 nhờ giúp đỡ. Theo nguyện vọng của bà, địa phương đã hỗ trợ xe đẩy bán sữa đậu nành để bà có kế sinh nhai. Năm 2015, cải tạo tốt, chị T. được trở về. Hội Phụ nữ được giao nhiệm vụ theo dõi, hỗ trợ chị tái hòa nhập.

Chị Trần Hồng Cúc - Chủ tịch Hội LHPN phường 16, quận 4 - nhớ: “Hội phân công chi hội đến tiếp xúc, tạo sự gần gũi, giúp chị T. gạt bỏ sự e dè, tự ti, sau đó là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Ban đầu, chị T. có thái độ bất cần. Nhưng sau thời gian đeo bám, các cô ở chi hội cũng quen thân.

Đến năm 2019, chị T. ngỏ ý xin Hội Phụ nữ hỗ trợ chị bán phá lấu. Thấy chị nghiêm túc muốn làm lại cuộc đời, không chỉ hỗ trợ xe, chúng tôi còn hỗ trợ nồi, bếp ga và kết nối với bên cung cấp thực phẩm, đồng thời cho chị vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn tiết kiệm tại chi hội để chị buôn bán”.

Buôn bán có khách ổn định, chị T. dần tự tin hơn và ngày càng vui vẻ, yêu đời. Chị tham gia thường xuyên hơn những sự kiện do Hội Phụ nữ phường tổ chức, có mặt đầy đủ trong các lớp học kỹ năng buôn bán để có thêm kiến thức. Thấy việc buôn bán của vợ khả quan, năm 2023, Hội Phụ nữ phường 16 tiếp tục trao xe nước mía để chồng chị - cũng từng nghiện ngập - bán nước mía kiếm thêm.

Thời gian qua, Hội LHPN phường cũng kết nối để vợ chồng chị tham gia những hoạt động của Câu lạc bộ Gia đình toàn mỹ, mô hình Giảm nghèo bền vững, để từng bước thay đổi lối sống, cũng như có điều kiện phát triển kinh tế.

Chia sẻ về hiện tại, chị T. nói: “Nay cuộc sống vợ chồng tôi thay đổi nhiều. Tôi không còn ngại hay giấu giếm những sai lầm trong quá khứ nữa mà thấy vui hơn trước những nỗ lực của bản thân, trước sự quan tâm giúp đỡ tận tình của mọi người. Tôi chỉ ước một điều duy nhất là có sức khỏe để làm việc, để không chỉ lo cho mình mà còn giúp đỡ mẹ già bớt vất vả”.

Đồng hành bằng cái tâm

Nghe tin bão, chị T.T.B.L. - 38 tuổi, ngụ phường 10, quận 4 - ngồi rầu rĩ bên hàng cháo, bún, miến măng vịt vỉa hè. Tuy nhiên, chị không bi quan mà dự tính qua bão sẽ bán thêm bún riêu buổi sáng.

Chị L. là đối tượng đang được địa phương theo dõi, cảm hóa. Năm 2022, chị bị bắt khi tham gia một sòng bài. Vì có 4 đứa con chưa thành niên nên chị được giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo để làm ăn lo cho các con. Gần 3 năm qua, bà Nguyễn Thị Cúc - Chi hội trưởng Phụ nữ khu phố 3, phường 10, quận 4 - thường xuyên lui tới, đồng hành với chị.

Nghe chị L. có mong muốn được tạo điều kiện buôn bán, bà Cúc và Hội Phụ nữ phường đã đề xuất hỗ trợ chị phần vỉa hè trước trụ sở ban chỉ huy quân sự phường. 2 năm nay, công việc đều đặn, mỗi ngày chị bán được 5-6 con vịt, kiếm được khoảng 500.000 đồng tiền lời. Vừa rồi, chị lại được hỗ trợ vay 50 triệu đồng để đóng học phí cho con gái lớn vào đại học.

Hội LHPN và Công an quận 4 tuyên dương người lầm lỗi tiến bộ và những người trực tiếp đồng hành, giúp đỡ tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện kế hoạch phối hợp giáo dục cải tạo và giúp đỡ phạm nhân, trại viên, học sinh nữ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2022-2024 - ẢNH: NGUYÊN TAM
Hội LHPN và Công an quận 4 tuyên dương người lầm lỗi tiến bộ và những người trực tiếp đồng hành, giúp đỡ tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện kế hoạch phối hợp giáo dục cải tạo và giúp đỡ phạm nhân, trại viên, học sinh nữ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2022-2024 - ẢNH: NGUYÊN TAM

Bà Ngô Như Ngọc - Phó chủ tịch Hội LHPN quận 4 - cho biết, 2 năm qua, Hội LHPN quận đã tiếp nhận 22 trường hợp là phạm nhân, trại viên, học sinh nữ đã chấp hành xong án phạt trở về địa phương. Hội đã phối hợp hỗ trợ vốn, giới thiệu học nghề, việc làm, trao sinh kế… cho các đối tượng này với tổng kinh phí trên 120 triệu đồng. Đến nay, 12 trường hợp đã cải thiện, hòa nhập tốt, 3 trường hợp cần theo dõi, hỗ trợ thêm. Số còn lại đã qua đời hoặc chuyển đến địa phương khác.

Để có kết quả trên, thời gian qua, các cấp hội tại quận 4 đã phối hợp với công an tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đồng thời duy trì hoạt động thường xuyên của 38 câu lạc bộ “Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội”. Ngoài ra, các tổ tư vấn cộng đồng cũng thường xuyên phối hợp với hội luật gia quận, phòng tư pháp quận tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí cho các đối tượng đã chấp hành xong án phạt.

“Để làm tốt công tác này, các hội viên nòng cốt ở cơ sở rất cực, thật sự làm bằng cái tâm mới có thể sâu sát từng đối tượng và nhất định phải có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính quyền. Phía hội, chúng tôi thường xuyên quan tâm đến tâm tư, tình cảm của những chị em lầm lỗi, nắm chắc về hoàn cảnh gia đình để kịp thời động viên, giúp đỡ bằng việc trao sinh kế, hỗ trợ vốn, hỗ trợ đào tạo nghề hoặc liên kết với chương trình Vùng quận 4 để hỗ trợ con em họ.

Việc vận động, lôi kéo các chị em tham gia sinh hoạt chi hội khu phố, tham dự các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật… cũng góp phần giúp các chị sớm hoàn lương, hòa nhập tốt với cộng đồng” - bà Ngô Như Ngọc khẳng định.

Vận dụng tối đa nguồn lực để hỗ trợ chị em tái hòa nhập

Trong công tác tuyên truyền, quan trọng nhất là phải xóa bỏ định kiến, thái độ kỳ thị của cộng đồng đối với người lầm lỗi, giúp họ vượt qua tâm lý mặc cảm, tự ti để làm lại cuộc đời. Ngoài mô hình “5+1” (5 ban ngành, đoàn thể cùng tham gia hỗ trợ đối tượng lầm lỗi), các đơn vị cũng cần nghiên cứu thêm các mô hình mới, có hiệu quả thiết thực trong việc giúp đỡ, đồng hành cùng chị em lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng; kịp thời đồng hành, định hướng và vận dụng tối đa nguồn lực để hỗ trợ họ sớm có việc làm, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phải sát với thực tế, nhu cầu, nguyện vọng của đối tượng.

Hội LHPN quận cũng cần rà soát, củng cố các câu lạc bộ, đội, nhóm phụ nữ tại cơ sở để có hiệu quả hoạt động tốt nhất. Bên cạnh đó, việc thường xuyên động viên, khuyến khích, tuyên dương người lầm lỗi tiến bộ, cũng như người trực tiếp đồng hành, giúp đỡ người lầm lỗi tiến bộ tại cộng đồng dân cư sẽ giúp họ có thêm động lực thay đổi cũng như làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Bà Nguyễn Thùy Trinh
- Trưởng ban Dân vận Quận ủy quận 4

Nhân An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI