PNO - Lần đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy, một bệnh nhân trẻ đã được phẫu thuật thay khối khung chậu và khớp háng bằng titanium được sản xuất cho riêng mình. Ca bệnh này cũng đánh dấu sự khởi đầu đối với các trường hợp thay khớp nhân tạo theo hình thức cá thể hóa, thực hiện tại Việt Nam.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ - bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Tuấn - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy - để giải đáp mối quan tâm của bạn đọc liên quan tới mô hình điều trị này.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, mô hình thay khớp nhân tạo cá thể hóa phù hợp với những đối tượng bệnh nhân nào? Vì sao bây giờ mô hình này mới bắt đầu được triển khai tại Việt Nam?
Tiến sĩ - bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Tuấn: Ở nước ta, cụm từ “cá thể hóa” đối với xương khớp nhân tạo có vẻ mới nhưng mô hình này hoàn toàn không mới trên thế giới. Muốn cá thể hóa cho từng bệnh nhân đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất cũng như kiến thức chuyên môn, bởi đây là loại hình y tế kỹ thuật cao. Khi chưa cá thể hóa được cho từng bệnh nhân, với những ca bệnh thường quy, các bác sĩ cũng cố gắng lựa chọn kích cỡ khớp nhân tạo được sản xuất đại trà sao cho phù hợp nhất với từng trường hợp.
Trước đây, đối với những khối u xương nhỏ, bác sĩ thường chỉ định nạo, ghép xương. Còn đối với các khối u xương quá lớn, xâm lấn rộng, chưa có vật liệu cấy ghép thích hợp để thay thế vào vùng khuyết của phần xương bị tổn thương. Tuy nhiên, với phương pháp điều trị cá thể hóa, bệnh nhân sẽ được thiết kế riêng bộ khung xương, khớp nhân tạo phù hợp với tình trạng bệnh lý của mình. Nhờ vậy, bệnh nhân có cơ hội hồi phục, chức năng sinh hoạt trở lại bình thường, sớm hòa nhập với cuộc sống.
* Xin bác sĩ nói cụ thể hơn về trường hợp đầu tiên được thay khớp háng, khung chậu bằng mô hình cá thể hóa.
- Đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam phẫu thuật thành công tạo hình cá thể hóa khớp háng - xương chậu do bướu nguyên bào sụn khối lớn hiếm gặp ở vùng chậu - ổ cối. Bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi. Đây là một ca bệnh rất khó (bướu nguyên bào sụn khối lớn hiếm gặp ở vùng chậu - ổ cối). Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải suy tính, trăn trở rất nhiều vì bệnh nhân còn trẻ. Chúng tôi đã hội chẩn liên chuyên khoa, liên bệnh viện để lên kế hoạch, tính toán trước những khó khăn, những khả năng có thể xảy ra khi thực hiện cuộc phẫu thuật.
Sau nhiều lần hội chẩn, chúng tôi nhận thấy, dù khối u xâm lấn rất sâu và rất to vào ổ bụng nhưng khả năng phẫu thuật vẫn khả thi nếu bệnh nhân được đặt làm riêng bộ khớp háng và khung chậu, vì phần xương khuyết sau khi phẫu thuật cắt bỏ sẽ rất lớn. Tiếp đến, các bác sĩ đã chuyển thông tin, hình ảnh CT-scan dựng hình sang Đức để nhà sản xuất dựng mô phỏng 3D và sản xuất khối khung chậu - khớp háng titanium cá thể hóa phù hợp dành riêng cho bệnh nhân này.
Sau hơn 10 giờ căng thẳng với sự tham gia của ê-kíp phẫu thuật từ nhiều chuyên khoa của Bệnh viện Chợ Rẫy (Chấn thương chỉnh hình, Ngoại tiêu hóa, Ngoại tiết niệu, Phẫu thuật mạch máu, Trung tâm Ung bướu, Gây mê hồi sức…), cuộc đại phẫu đã thành công. Khối u khổng lồ đã được bóc tách và các bác sĩ đã tạo hình khớp háng - xương chậu cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được phẫu thuật vào ngày 15/6, sau đó nằm theo dõi tại Khoa Nội tổng quát 10B1 để điều trị trong hơn một tháng. Ngày 5/10, bệnh nhân tái khám, mọi việc diễn tiến thuận lợi, tiên lượng chỉ vài tháng nữa là có thể đi lại, quay trở lại với công việc.
Nếu không được sản xuất riêng khối khung chậu - khớp háng titanium, trường hợp của nam bệnh nhân này không thể can thiệp, bệnh nhân sẽ phải chịu đau đớn kéo dài, có nguy cơ tử vong.
* Thưa bác sĩ, quy trình tiến hành một ca thay khớp nhân tạo cá thể hóa diễn ra như thế nào? Chi phí điều trị và các nguy cơ có thể xảy ra?
- Trước tiên, bệnh nhân cần được khám, chẩn đoán xem tình trạng như thế nào. Tiếp đến, bệnh viện sẽ hội chẩn đa chuyên khoa. Phương án phẫu thuật được vạch ra. Trên phim chụp CT, các bác sĩ phải dự kiến được lúc mổ sẽ cắt tới đâu, những vị trí bị khuyết hổng ra sao… Tất cả được lập thành bản kế hoạch chi tiết và gửi sang nơi sản xuất để dựng mô phỏng 3D.
Khi nhận về mô phỏng 3D, chúng tôi sẽ cùng nhau xem xét, chỉnh sửa, bàn bạc. Khi đi tới thống nhất cuối cùng, chúng tôi sẽ bàn với gia đình và bệnh nhân. Tổng thời gian từ khi chuẩn bị cho tới khi tiến hành phẫu thuật mất gần hai tháng.
Mọi ca phẫu thuật thông thường đều có những nguy cơ nhỏ như thuyên tắc mạch (trong lúc mổ), nhiễm trùng sau mổ… Tuy nhiên, sau khi lắp đặt khớp, khung xương nhân tạo bằng titanium, bệnh nhân không cần uống thuốc chống thải ghép. Thời gian hồi phục của mỗi người mỗi khác, tùy thuộc thể trạng và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Chi phí cho một ca thay khớp cá thể hóa như vậy khoảng vài trăm triệu đồng.
* Xin cảm ơn bác sĩ.
Ca phẫu thuật tạo hình hiếm gặp
Ngày 8/10/2021, Bệnh viện Chợ Rẫy công bố những hình ảnh đáng nhớ từ cuộc phẫu thuật tạo hình cá thể hóa khớp háng - xương chậu lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam.
Trước đó vài tháng, ngày 15/6/2021, ngay trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một cuộc phẫu thuật quy mô lớn đã được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy để theo kịp lộ trình điều trị cho bệnh nhân Dương Quốc H. (35 tuổi). Ca đại phẫu phức tạp, kéo dài 10 giờ đã thành công. Đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam phẫu thuật thành công tạo hình cá thể hóa khớp háng - xương chậu do bướu nguyên bào sụn khối lớn hiếm gặp ở vùng chậu - ổ cối.
Năm 2018, sau khi thức dậy, anh H. (làm nghề lập trình viên) phát hiện mình không thể nhấc chân phải lên. Bệnh tình sau đó ngày càng diễn tiến nặng, anh được người thân đưa đi khám ở rất nhiều bệnh viện. Cuối cùng, các bác sĩ phát hiện anh mắc bệnh u xương vùng chậu phải. Các bệnh viện đều từ chối phẫu thuật vì đánh giá đây là một ca mổ khó do khối u lớn gây hủy xương chậu - ổ cối và xâm lấn vào các cơ quan nội tạng trong ổ bụng (niệu quản, mạch máu vùng chậu, bàng quang, trực tràng).
Gia đình bệnh nhân quyết định chuyển hướng điều trị bằng Đông y. Sau hai năm uống thuốc, tình trạng bệnh nhân vẫn không được cải thiện. Khối u ngày càng phát triển, trình trạng hủy hoại xương mỗi lúc một nghiêm trọng hơn.
Đầu năm 2020, được một người quen hướng dẫn, anh H. được thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa I Trần Bình Dương - Phó khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy - khám. Trong thời gian du học tại Đức, bác sĩ Dương đã gặp một người thầy chuyên về khớp háng cá thể hóa. Bác sĩ Dương đã bàn bạc với tiến sĩ - bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Tuấn và các đồng nghiệp lên kế hoạch chữa trị cho bệnh nhân H…