Hồi sinh một làng nghề

01/08/2013 - 16:22

PNO - PNO - Đã có thời gian dân làng nghề nơi đây phải bỏ cưa, bỏ đục để chuyển sang làm nghề khác mưu sinh. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây nghề trạm trổ, điêu khắc nơi này bỗng hồi sinh trở lại.

"Làng nghề giờ đây đã sống lại, người dân làng nghề cũng bớt lao đao và có thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều” - Cụ Nguyễn Đình Bảng, một thợ lão làng của làng nghề điêu khắc thuộc phường Phú Thọ, Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hồ hởi nói.

Hoi sinh mot lang nghe

Đơn hàng nhiều, thợ làng nghề nỗ lực làm việc để kịp tiến độ giao hàng

Làng nghề hồi sinh 

Chúng tôi đến làng nghề vào tầm giữa trưa. Khắp nơi vang lên tiếng đục đẽo, cưa xẻ gỗ. Nhà nào nhà nấy đều trong nhịp điệu tất bật của công việc với từng tốp thợ 3- 5 người đang chuyên cần đục đẽo, chạm khắc. Họ đang nỗ lực làm hàng để kịp giao cho khách theo đúng hợp đồng đã ký. Anh Lâm Thành Huy - chủ cơ sở Phụng Hưng cho biết: “Cơ sở tôi có 26 công nhân, chưa phải là cơ sở lớn nhất ở đây, dù xưởng một của tôi chính là xưởng đầu tiên “hồi sinh” lại sau những khó khăn, bĩ cực của làng nghề mấy năm trước. Làng nghề thật ra mới chỉ hồi dậy khoảng 2 năm, tốc độ phát triển khá tốt, công việc làm ăn thuận lợi do có nhiều đơn đặt hàng hơn. Thu nhập của thợ giờ cũng khá hơn trước rất nhiều, bình quân từ 3-5 triệu/tháng cho thợ chính và 1,8-2,7 triệu cho thợ phụ”.

Anh Trịnh Văn Long - thợ giỏi của xưởng hồ hởi khoe: “ Dạo này hàng được đặt nhiều, anh em phải tranh thủ làm. Tôi làm khâu khó, trạm trổ có độ tinh xảo cao với thời gian 10 tiếng/ngày, thu nhập hơn 4 triệu/tháng. Nếu anh em nào giỏi tay nghề tranh thủ làm cả buổi tối, thu nhập một tháng trên 5 triệu là bình thường. Tôi rất mừng vì giờ đây mình có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi nghề”. Ghé những cơ sở khác như: Thành Được, Phụng An, Triều Thanh... ở đâu, chúng tôi cũng nhận thấy sự hài lòng và niềm vui của những người thợ trước việc làng nghề ngày một ăn nên làm ra. 

Hoi sinh mot lang nghe

Nhiều thành viên trong gia đình cùng tham gia làm hàng gia công

Bác Trần Thanh Hoàng, 65 tuổi - một thợ lão làng, người luôn được các cơ sở ở đây đặt hàng trạm trổ có độ khó và tinh xảo như đầu long, lân, quy, phụng, tâm sự: “Gần 40 năm sống với nghề, tôi có thể khẳng định đây chính là nghề đã nuôi sống tôi, cũng như giúp tôi nuôi dạy các con ăn học nên người. Dù có những lúc, những thời điểm khó khăn tưởng như làng nghề đã bị xóa sổ, nhưng thật may là nó vẫn sống đến tận bây giờ và ngày một phát triển”.

Toàn phường Phú Thọ hiện có khoảng 80 gia đình đăng ký kinh doanh, làm nghề mộc. Số hộ tham gia làm công ăn lương theo sản phẩm nhận từ các cơ sở lớn còn nhiều hơn. Cách làm của cơ sở Phụng Hưng, Thành Được cũng giống như nhiều cơ sở khác là nhận hàng gia công (theo mẫu mã, đơn đặt hàng) của các công ty gỗ gia dụng ở các tỉnh thành khác. Chủ cơ sở nhận 30% lợi nhuận, 70% còn lại dành trả công thợ nên đời sống của người thợ mấy năm gần đây được đảm bảo khá tốt. Chủ cơ sở nhận được những hợp đồng lớn, có giá trị kinh tế cao thì người thợ thu nhập cũng cao từ công sức cống hiến của mình.

Giữ làng nghề luôn phát triển bằng cách nào?

Nhận được nhiều đơn hàng, công việc và thu nhập ổn định, khá hơn trước, vui nhất là làng nghề truyền thống đã hồi sinh nhưng người dân làng nghề chưa phải đã hết lo lắng. 3-4 năm trước làng nghề đã rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi không có được đầu ra cho sản phẩm dù trước đó đã phát triển tốt. Nhiều cơ sở đã phải đóng cửa tìm hướng làm ăn mới khi không thể duy trì họat động, bảo đảm đời sống của công nhân.

Anh Bình - chủ một cơ sở sản xuất khá lớn cho biết: " Lý do chính là thời gian đó chúng tôi chưa chủ động được nguồn hàng, cũng như duy trì được những hợp đồng từ các đối tác. Đây chính là hạn chế cần phải khắc phục. Theo tôi, việc hồi sinh của làng nghề mấy năm gần đây phụ thuộc chủ yếu vào nỗ lực của doanh nghiệp chứ chưa thật sự tạo thành một “thương hiệu”, một làng nghề đúng nghĩa. Chỉ cần doanh nghiệp không tìm được đầu ra ổn định, ít đơn đặt hàng là đời sống người dân làng nghề bị ảnh hưởng. Việc các bạn trẻ giờ đây đổ xô vào làm ở xí nghiệp, khu công nghiệp cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển và tồn tại của làng nghề”. Hiện nay, những cơ sở sản xuất như anh Bình, anh Huy nhận hàng gia công từ những Công ty Quang Minh (Sóng Thần II) , Chấn Kiệt (Bến Cát), Phụng Long (Lái Thiêu), Phú Hưng (Bình Chuẩn, Thuận An) và một số công ty kinh doanh hàng mỹ nghệ ở KCN Biên Hòa.

Hoi sinh mot lang nghe

Người thợ trạm trổ hoa văn cho mặt hàng guốc xuất khẩu

Nguyện vọng của các cơ sở đầu mối bỏ hàng cho các hộ gia đình ở làng nghề là mong được sự hỗ trợ tối đa của địa phương, Sở thương mại để phát triển và giữ vững làng nghề truyền thống của địa phương. Việc tập hợp lại trong một tổ chức thống nhất, một nghiệp đoàn hay hiệp hội chịu sự quản lý duy nhất của một đầu mối do địa phương thành lập để tránh những bất cập, làm ăn chụp giựt, “ăn xổi ở thì” là điều mà hầu hết các chủ cơ sở sản xuất ờ làng nghề đang mong mỏi.

Bên cạnh đó, việc địa phương hỗ trợ, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm làng nghề là điều vô cùng cấp bách để phát triển và duy trì làng nghề tồn tại. Tuy thế, chính quyền địa phương dù quan tâm hỗ trợ vẫn chỉ dừng lại ở mức độ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất để các chủ cơ sở có thể vay vốn tín dụng của xã, phường làm vốn kinh doanh mà chưa có một chiến lược phát triển cụ thể nào được phối hợp, vạch ra từ Sở thương mại, từ ban ngành địa phương.

Ông Nguyễn Thái Long, cán bộ kế họach-thương mại phường Phú Thọ cho rằng: “Những yêu cầu và suy nghĩ trên của bà con làng nghề là chính đáng. Chúng tôi cũng thấy được điều này trong kế họach phát triển và duy trì làng nghề. Nhưng vấn đề khó khăn của chúng tôi hiện nay là thiếu con người để quản lý và thực hiện kế họach và chiến lược mà mình đã đề ra”.

Theo ông Đoàn Thành Danh, Chủ tịch phường Phú Thọ, mộc, trạm trổ điêu khắc là một nghề truyền thống của địa phương. Tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương được chính quyền đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, khó khăn của các chủ cơ sở, mà chủ yếu là làm gia công hiện nay ở làng nghề là rất lớn. Phường đang tích cực tìm hướng ra để hỗ trợ các cơ sở có sự chủ động về sản xuất, tiêu thụ nhưng gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm và chịu sự cạnh tranh gay gắt của thị trường nên rất chật vật để đứng vững…

"Vốn và nguồn nguyên liệu hiện nay cũng là rào cản rất lớn của các chủ cơ sở sản xuất để họ phát triển. Chúng tôi hiểu khó khăn của họ nên cũng đã có một số biện pháp hỗ trợ, cố gắng đơn giản hóa thủ tục để họ dễ dàng tiếp cận vốn vay hơn. Điều làm tôi mừng nhất là làng nghề đã hồi sinh sau bao năm thăng trầm. Chính vì thế việc duy trì và phát triển làng nghề là trách nhiệm tất yếu của lãnh đạo địa phương chúng tôi”- ông Danh khẳng định.

ANH NGUYỄN 
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI