Diễn ra từ ngày 25 - 31/3 tại công viên Lưu Hữu Phước, Hội sách thành phố Cần Thơ (do UBND TP.Cần Thơ và Sở Thông tin - Truyền thông TP.Cần Thơ tổ chức định kỳ 2 năm/lần, kể từ năm 2015) được giới thiệu là dịp quảng bá hình ảnh, con người Cần Thơ và lịch sử văn hóa Nam bộ; khuyến khích, phát triển văn hóa đọc; là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa các đơn vị hoạt động in, phát hành sách, các tác giả - bạn đọc… Nhưng thực tế không được như thế.
Sách ít, hàng hoá nhiều
Trong kế hoạch dự kiến, Hội sách thành phố Cần Thơ năm nay có quy mô khoảng 300 gian hàng, với 100 đơn vị xuất bản, phát hành sách tham gia. Tuy nhiên, thực tế tại hội sách chỉ có 74 đơn vị, với 169 gian hàng (giảm mạnh so với 96 đơn vị và 273 gian hàng của hội sách lần II - 2017). Một số đơn vị có gian hàng lớn trước đây cũng chủ động thu hẹp, như Fahasa, nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, NXB Trẻ... và vắng khá nhiều đơn vị xuất bản, phát hành sách uy tín.
|
Hội sách giảm giá sâu ngay từ những ngày đầu |
Ngay cả Phương Nam Book, có nhà sách tại Cần Thơ, thuận tiện trong việc tham gia, nhưng lần này cũng không có mặt. Ngược lại, số gian hàng ẩm thực, quà lưu niệm, ba-lô túi xách “điền vào chỗ trống” khá nhiều. Ngoài ra còn có sự xuất hiện của các cơ sở kẹo dừa, công ty đầu tư và phát triển nông nghiệp, công ty sản xuất bàn ghế, tủ gỗ…
Các sự kiện tại hội sách năm nay cũng nghèo nàn, đa số là chương trình kiểu “cây nhà lá vườn”. Ở hai hội sách trước, có đến hàng chục sự kiện giao lưu, ra mắt sách và hầu như đơn vị nào cũng có sự kiện tại sân khấu chính hoặc tại gian hàng riêng. Lần này, cả tuần kín mít chương trình Tô màu sáng tạo tại gian hàng của một công ty tư nhân. Chỉ có ba sự kiện đáng chú ý: giao lưu tác giả Nhâm Hùng với các ấn phẩm biên khảo Cần Thơ phố cũ nét xưa (cũng đã từng giao lưu năm 2017), nói chuyện chuyên đề Đọc sách - con đường phát triển bản thân của nhà báo Dương Thành Truyền (do Thư viện Cần Thơ tổ chức) và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng độc giả sáng 30/3, tại gian hàng NXB Trẻ.
Có thể nói, các đơn vị tham gia hội sách chỉ còn đúng một hoạt động: bày bán sách. Ngay từ ngày khai mạc, đã có những quầy sách đồng giá, quầy giảm giá sâu từ 50 - 60%, chứ không chờ đến những ngày cuối mới “xả hàng” như thông lệ. Mọi lần, phía mặt đường Lý Tự Trọng và Phan Văn Trị được đan kín bằng những pano, biển hiệu quảng cáo của các đơn vị, tạo sự nổi bật và thu hút khách. Năm nay, hầu như chỉ có một số pano của ban tổ chức.
|
Gian hàng viết thư pháp tại Hội sách |
Những lo âu bỏ ngỏ
Sự dè dặt của các đơn vị xuất bản, phát hành sách lần này cho thấy, hành trình tương lai của Hội sách thành phố Cần Thơ sẽ không dễ dàng. Chi phí đầu tư gian hàng cao, nhiều đơn vị không đủ cả nhân sự để bám trụ tại hội sách. Vẫn biết các đơn vị tham gia hội sách đều không đặt nặng vấn đề doanh thu; nhưng nếu qua các kỳ hội sách, tình hình vẫn không khả quan, liệu sẽ còn đơn vị nào hào hứng tham gia những lần kế tiếp. Số lượng đơn vị giảm, chương trình hoạt động èo uột là điều ban tổ chức phải suy nghĩ, cũng là thách thức cho UBND TP.Cần Thơ và Sở Thông tin - Truyền thông TP.Cần Thơ trong việc duy trì hội sách.
Làm thế nào để hội sách đồng bằng thu hút các đơn vị xuất bản và phát hành sách lẫn công chúng? Khi người dân chưa có thói quen rút ví đầu tư cho sách thì địa phương nên rút ví đầu tư, mời gọi các đơn vị tham gia, để xây dựng thói quen đọc. Nếu để mặc văn hóa đọc “rơi tự do”, e chừng hội sách lần sau có thể thành hội chợ… nông sản hay hội chợ “tả pí lù” chốn miệt vườn.
Trong khi việc tổ chức hội sách ở TP.HCM hay Hà Nội đã là “chuyện thường ngày ở phố”; thậm chí vài năm trở lại đây có dấu hiệu “bội thực” hội sách, thì Cần Thơ, với sự mới mẻ, lẽ ra phải mang đến nhiều hy vọng. Miền Tây vẫn được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng. Nhiều đơn vị xuất bản, phát hành sách vẫn mong vươn dài cánh tay, đưa sách đến gần hơn với độc giả khu vực này.
|
Gian hàng tô màu tại Hội sách thành phố Cần Thơ 2019 |
Ngay từ đầu, việc tổ chức hội sách được UBND TP.Cần Thơ xem là cú hích, “đột phá khẩu” trong việc cải thiện văn hóa đọc, từng bước góp phần nâng cao dân trí cho cộng đồng cư dân, đồng thời lan tỏa đến các tỉnh, thành trong khu vực. Với những gì diễn ra tại hội sách, thật khó tin những mộng mơ kia sẽ thành hiện thực.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy -Giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM:
“Trân quý là có, dù rất ít”
Tham gia Hội sách thành phố Cần Thơ lần này, chúng tôi xác định đây là cơ hội quảng bá, thay cho băn khoăn về hiệu quả doanh thu. Năm nay, NXB Tổng hợp TP.HCM và NXB Văn hóa Văn nghệ chung gian hàng, cũng là việc phát sinh sau này thôi. Nhưng chúng tôi cũng xác định, nếu cùng nhau tiết kiệm được thì cũng nên. Tiếc là vì trùng lịch các sự kiện khác nên các hoạt động giao lưu dự kiến tại gian hàng không tổ chức được. (NXB Văn hóa Văn nghệ có đăng ký giao lưu cho tác giả Nguyễn Phong Việt và Hoàng Khánh Duy).
Vẫn có những điều trân quý, dù rất ít. Người lớn tuổi được con cháu đưa đến tìm những cuốn sách họ quan tâm. Có nhiều chú, trong ngày khai mạc, đã trở đi trở lại gian hàng nhiều lần, mua rồi lại mua thêm; không thể gom một lần, có lẽ vì không đủ tiền, nên phải cân nhắc. Đó là những hình ảnh đẹp, thật đáng nhớ. Nhưng phải thành thật rằng, nếu các kỳ hội sách tới vẫn trong tình trạng “đến hẹn lại lên”, e sẽ ngày càng vắng các đơn vị làm sách tham gia.
Nhà văn Nguyễn Trung Nguyên - Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Cần Thơ:
“Không còn háo hức”
Cảm nhận đầu tiên của tôi về hội sách năm nay là thưa thớt hơn hẳn so với hai lần trước. Các gian hàng sách chỉ được gần nửa diện tích công viên Lưu Hữu Phước, còn lại là các dịch vụ khác, nhưng cũng giống như lấp vào chỗ trống một cách vụng về; thiếu hẳn sự tham gia của nhiều đơn vị phát hành, xuất bản sách đình đám. Dường như hội sách đã không còn làm người Cần Thơ hay người đồng bằng háo hức như các lần trước. Có vẻ ban tổ chức chưa khảo sát tốt tâm lý bạn đọc. Có một số buổi hội thảo được tổ chức, nhưng tôi thấy cũng không thu hút được mấy người.
T.Q (ghi)
|
Tác giả miền tây im vắng tại hội sách
Ở các kỳ hội sách tại TP.HCM, hàng loạt cây bút trẻ được dịp giao lưu, ra mắt tác phẩm mới; nhiều tựa sách bestseller và những hình ảnh “nhà văn thần tượng” đã khởi sinh từ những cơ hội này. Ở Hội sách thành phố Cần Thơ lần III, các tác giả trẻ của khu vực gần như vắng bóng. “Ban đầu, chúng tôi cũng đề nghị ban tổ chức sắp xếp một gian hàng cho Hội Nhà văn Cần Thơ, để tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ tác giả, ngâm thơ… nhưng ban tổ chức không đồng ý” - một nhà văn ở Cần Thơ cho biết.
Riêng các tác giả trẻ, nếu đơn vị xuất bản không chủ động tổ chức sự kiện, họ cũng không thể có cơ hội giao lưu với bạn đọc. Có người lặng lẽ đi hội mua sách, có người “ra nhìn sách mình trên kệ cho vui”. Những ý kiến gặp nhau ở điểm chung là một sự chạnh lòng.
Đúng ra, những cây bút đồng bằng mới là đội ngũ cần được ưu ái xuất hiện, bởi họ là tiếng nói của một thế hệ người viết, đang cùng các nhà văn đi trước nối tiếp dòng chảy văn chương mang đậm phong vị miền Tây Nam bộ. Trong khi đó, Trí, Hamlet Trương là những gương mặt trẻ tiếp tục được FAHASA tổ chức giao lưu, quảng bá sách. Đơn vị này cũng có buổi giới thiệu cuốn sách mới Yêu những điều rất nhỏ - Nhỏ như vòng một người yêu (với hai tác giả Tizi - Đích Lép); giao lưu ban nhạc The Old Band, Fox Band…
Lục Diệp
|
Lê Văn