PNO - Mặc dù chi hội phụ nữ chung cư đầu tiên ở TP.HCM được thành lập từ năm 2010, nhưng sau hơn một thập niên, việc thu hút phụ nữ ở môi trường chung cư vẫn là một nhiệm vụ khó khăn đối với các cơ sở Hội.
Toàn Q.8 hiện có năm chi hội phụ nữ chung cư, trong đó Chi hội Phụ nữ chung cư An Dương Vương (P.16) được thành lập sớm nhất vào năm 2019 với 20 thành viên. Theo bà Bùi Thị Kim Hường - Chủ tịch Hội LHPN P.16, chung cư An Dương Vương là kiểu chung cư truyền thống, trước đó đã thành lập được chi bộ, tổ dân phố chung cư, nhờ đó việc thâm nhập để vận động, thu hút phụ nữ tham gia tổ chức Hội khá suôn sẻ. Thế nhưng từ khi thành lập đến nay, việc tổ chức hoạt động cũng rất khó khăn và số lượng hội viên gần như chưa phát triển thêm.
Phần lớn các chi hội phụ nữ chung cư hiện chỉ tập trung vào một số hoạt động thể dục thể thao theo sở thích. Trong ảnh là một hoạt động của Câu lạc bộ Dân vũ thuộc phụ nữ chung cư Đức Khải (Q.7)
Và tình hình còn khó khăn hơn đối với các chung cư kiểu mới. Trên địa bàn P.4, Q.8 hiện có sáu chung cư. Với phương châm “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có hoạt động Hội”, các cơ sở Hội đã rất cố gắng để thành lập tổ chức Hội tại các chung cư, tuy nhiên nhiệm vụ đó gặp không ít trắc trở. Tháng 11/2021, sau rất nhiều nỗ lực, Hội LHPN P.4 đã ra mắt chi hội phụ nữ tại chung cư Đồng Diều - nơi có nhiều phụ nữ hưu trí, nội trợ - với 35 thành viên trong tổng số 845 phụ nữ trên 18 tuổi đang sinh sống tại đây. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Diễm My - nguyên Chủ tịch Hội LHPN P.4 - trong suốt một năm qua, Chi hội Phụ nữ chung cư Đồng Diều chưa thật sự có hoạt động riêng. Điều đó cho thấy việc thành lập tổ chức Hội tại chung cư Topaz, Invesco, nơi sinh sống của đa số các cặp vợ chồng trẻ, sáng đi tối về, cuối tuần chỉ muốn dành thời gian cho con cái và nghỉ ngơi, lại càng khó khăn hơn.
Nhiệm vụ xây dựng tổ chức Hội tại các chung cư được Quận ủy Q.4 cụ thể hóa theo đề án 03, P.1 và P.6 là hai nơi được giao làm điểm. Có sáu chung cư với hàng ngàn hộ dân, nhưng đến tháng 10/2022 vừa qua, Hội LHPN P.6 mới thành lập được một chi hội tại chung cư H3 với 25 hội viên. “Các chung cư cao tầng khác như Rivergate và Millennium, hiện nay chúng tôi vẫn chưa thể tiếp cận được” - bà Lê Thị Ngọc Dung, nguyên Chủ tịch Hội LHPN P.6 - thông tin.
Hội LHPN Q.7 là đơn vị đầu tiên xây dựng được tổ chức Hội tại các khu chung cư cách đây hơn 10 năm, đến cuối năm 2021, toàn quận thành lập được ba chi hội chung cư và 46 tổ hội trực thuộc với 650 hội viên. Tuy nhiên, so với tổng số 16.174 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống tại hơn 100 khu chung cư tại Q.7 thì tỷ lệ thu hút, tập hợp hội viên vẫn còn rất khiêm tốn (chưa tới 3%). Theo bà Huỳnh Nguyệt Ánh - Chủ tịch Hội LHPN Q.7 - rất nhiều khó khăn khiến cho việc tập hợp phụ nữ chung cư gặp nhiều trở ngại. Những trở ngại đó là: phụ nữ chung cư sống tại các căn hộ biệt lập, khép kín, rất khó tiếp cận, chung cư lại gồm nhiều block, có những chung cư có hơn 80% là người nước ngoài.
Lấy hoạt động để thu hút hội viên
Tại buổi tọa đàm bàn về giải pháp tập hợp hội viên ở các chi hội đặc thù do Hội LHPN Q.7 tổ chức vào đầu năm 2022, bà Nguyễn Thị Hồng Loan - Bí thư Đảng ủy P.Tân Hưng - đã đúc kết nhiều kinh nghiệm sau một thời gian quan sát hoạt động của Chi hội Phụ nữ chung cư Hoàng Anh Thanh Bình, P.Tân Hưng. Theo bà Loan, phụ nữ chung cư đa phần là những người thành đạt và không cần sự hỗ trợ về vật chất, họ chỉ tham gia Hội khi nhìn thấy ở đó những hoạt động phù hợp và có ích. Có những chị thật sự bận rộn, không có thời gian tham gia sinh hoạt Hội, nhưng luôn tự nguyện đóng góp vật chất khi được phát động. Do đó, Hội cần lựa chọn hoạt động phù hợp dành cho phụ nữ chung cư.
Hội thi tuyên truyền về việc tái sử dụng rác thải nhựa, tạo mảng xanh cho gia đình do Hội LHPN Q.7 tổ chức tại chung cư Đức Khải đã mang lại những trải nghiệm thú vị về câu chuyện bảo vệ môi trường dành cho cư dân chung cư
Bà Lê Thị Ngọc Dung cho rằng phải tổ chức hoạt động ấn tượng thì mới thu hút được phụ nữ chung cư đến với Hội, trong khi các cơ sở hiện thiếu kinh phí để đầu tư các hoạt động ngay tại chung cư. Thêm vào đó, việc tổ chức hoạt động tại chung cư cũng cần phải có tính đổi mới, chỉn chu, chuyên nghiệp hơn, nên việc tổ chức rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của ngành dọc. Đặc biệt, sự phối hợp của ủy ban mặt trận tại cơ sở luôn giúp cho hoạt động được đầu tư chất lượng hơn.
Xem việc tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ tại chung cư là một nhiệm vụ quan trọng, bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP.HCM - cho rằng, trong thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh việc nhân rộng những mô hình tốt ra các quận huyện, nhất là những nơi chưa tổ chức được chi hội phụ nữ tại chung cư. “Nơi nào chưa xây dựng được chi hội phụ nữ tại chung cư thì phải tìm cách tổ chức những hoạt động để người dân thấy được phong trào phụ nữ có những gì và lan tỏa được gì. Khi thấy tốt, hấp dẫn, người dân sẽ tham gia. Khó thì phải làm ngược lại bằng cách tổ chức các hoạt động để thu hút họ rồi sẽ thành lập chi hội sau. Vẫn biết, làm như vậy thì các cơ sở sẽ rất vất vả, nên phải có hướng đi rõ ràng, có sự chỉ đạo, hỗ trợ của Đảng ủy và ban quản lý chung cư” - bà Hoa định hướng.
Thu Lê
Thiếu sân chơi phù hợp dành cho phụ nữ chung cư
Ngày 8/10 vừa qua, Hội LHPN Q.7 tổ chức Ngày hội Phụ nữ vì cộng đồng tại khu chung cư Kỷ Nguyên (Đức Khải). Bà Huỳnh Nguyệt Ánh cho biết, Q.7 là nơi đầu tiên tiếp cận với chị em phụ nữ chung cư, nhiều chi tổ Hội Phụ nữ chung cư đã ra đời từ nhiệm kỳ trước, thế nhưng đây là lần đầu tiên một hoạt động lớn của Hội được đưa vào chung cư.
Ngày hội với điểm nhấn là hội thi “Trang trí tiểu cảnh từ rác thải tái chế tạo mảng xanh trong gia đình, công sở, trường học” đã mang đến bầu không khí sôi động trong chung cư. Bà Trần Thị Minh Hiền - một cư dân sống tại Block B1 - đã ngạc nhiên khi tham quan những sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa. Bà đã chụp hình các tiểu cảnh, các sản phẩm, hỏi han tỉ mỉ về cách thức thực hiện. “Hội cần thường xuyên phát động những phong trào như thế này bởi nó không chỉ mang đến cho cư dân chung cư những trải nghiệm sáng tạo, góp phần bảo vệ môi trường sống, mà còn tạo sân chơi để họ tham gia, giao lưu, đoàn kết hơn” - bà Minh Hiền góp ý.
Còn bà Nguyễn Thị Thu - một cư dân khác tại chung cư - cũng phấn khởi với không khí vui tươi, đông đúc của ngày hội. Bà Thu cho biết: “Phong trào tại chung cư sinh sau đẻ muộn và còn khá tẻ nhạt. Các cô gặp nhau trong thang máy, hỏi chuyện, làm quen, rồi 10 - 12 người rủ rê nhau lập ra các nhóm tập thể dục, dân vũ tự phát, thỉnh thoảng được huy động tham gia các cuộc thi do Hội LHPN tổ chức chứ chưa thật sự có hoạt động gì nổi bật để cư dân cùng tham gia”. Bà Thu cũng nhắn nhủ rằng, để hoạt động Hội đến gần hơn với phụ nữ chung cư thì phong trào đòi hỏi phải mang lại những trải nghiệm vui tươi, hữu ích và thực tế.
Bà Huỳnh Nguyệt Ánh cho biết, do việc đi lại hạn chế, khâu chuẩn bị cơ sở vật chất và công tác hậu cần rất khó khăn, nên để tổ chức một chương trình lớn tại chung cư Đức Khải như vừa qua Hội LHPN Q.7 đã phải nỗ lực gấp nhiều lần. Phải xây dựng lực lượng nòng cốt trong khu chung cư và thông qua họ, tiếp cận với ban quản lý chung cư từ nhiều tháng trước để trao đổi và thống nhất kế hoạch tổ chức. “Với những gì đã diễn ra tại chung cư Đức Khải, Hội sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tương tự tại các khu chung cư khác trên địa bàn trong thời gian tới. Chỉ cần có thêm vài ba hội viên sau mỗi lần tổ chức hoạt động, chúng tôi cũng có thêm động lực”, bà Ánh chia sẻ.
Những năm gần đây, khoai mỡ được giá, nhiều hộ đã tăng sản lượng. Với giá bao tiêu là 9.000 đồng/kg, người trồng khoai sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000m2.
Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 và Kỷ niệm 11 năm thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11/2013 - 9/11/2024)...
Liên đoàn Lao động TPHCM phối hợp với Hội LHPN TPHCM tổ chức chương trình đồng hành “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TPHCM”.