PNO - Học tập và làm theo Bác không phải là chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cấp Hội Phụ nữ mà hiển hiện trong từng suy nghĩ và hành động hằng ngày của các hội viên phụ nữ tại TP.HCM.
Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, lan tỏa những điều tốt đẹp
Ngày 23/8/2022, ngôi chùa Bồ Đề Lan Nhã (tọa lạc tại hẻm 247 Bình Tiên, P.8, Q.6) vốn yên tĩnh một lần nữa lại rộn rã tiếng nói cười. Các chị em phụ nữ và người già lần lượt xếp hàng vào tham quan và lựa chọn nhu yếu phẩm, vật dụng gia đình trong “Ngày hội 0 đồng” do nhà chùa cùng Hội LHPN Q.6 phối hợp tổ chức.
Nói “một lần nữa” bởi nơi chốn tu hành này, trong mấy mươi năm tồn tại, gần như tháng nào cũng có một lần “không yên tĩnh”. Khi thì các ni sư tổ chức ngày hội buffet chay, lúc lại tổ chức đổ bánh xèo gây quỹ giúp người nghèo, có hôm thì tổ chức trao tặng quà cho người khó khăn, có ngày lại ra quân tổng vệ sinh đường phố, nói chuyện về đạo hiếu… Với người dân sinh sống tại P.8, Q.6, dù có theo đạo Phật hoặc không thì màu áo lam của các ni sư cũng đã trở nên thân quen quá đỗi. Trong năm 2021, khi thành phố bùng phát dịch COVID-19, chùa Bồ Đề Lan Nhã đã tổ chức nhiều hoạt động giúp những người khó khăn có thêm lương thực, thực phẩm, vật dụng gia đình trong những ngày chống dịch.
Các ni sư chùa Bồ Đề Lan Nhã trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Ảnh: CTV
Nhắc về ngôi chùa và các ni sư, chị Lương Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN Q.6 - xúc động: “Mỗi lần suy tính triển khai một nhiệm vụ công tác nào, chúng tôi đều tìm đến các ni sư ở chùa Bồ Đề Lan Nhã để xin thêm ý tưởng, và chưa lần nào các cô từ chối. Cảm động hơn hết là trong cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cô đã sáng tạo ra đủ phương thức để cùng với Hội lan tỏa những giá trị tốt đẹp vào cuộc sống. Hàng chục năm qua, các cô đã có rất nhiều hoạt động để việc học và làm theo Bác trở nên thiết thực trong giới nữ tu, phật tử lẫn người ngoài đạo. Tháng 6/2022 vừa qua, khi Hội cùng các đơn vị phối hợp còn đang băn khoăn về việc triển khai xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, thì chùa Bồ Đề Lan Nhã đã tiên phong xây dựng không gian ấy nơi chốn tu hành. Từ sự “mở đầu” ấy, Hội LHPN quận và các đơn vị đã phối hợp triển khai thêm được nhiều Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thánh đường Hồi giáo, ở các khu dân cư và chung cư cao cấp…”.
Về câu chuyện này, ni sư Như Hiền - trụ trì chùa Bồ Đề Lan Nhã - chia sẻ: “Hội Phụ nữ đảm đương trăm đầu công việc, trong đó có việc học tập và làm theo lời Bác. Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ không khó khi ta có tấm lòng. Thật ra, lan tỏa tư tưởng và tinh thần của Bác trong đời sống đâu phải là chuyện của riêng Hội Phụ nữ, bởi mọi hành động thực hiện cuộc vận động này đều cùng hướng tới mục tiêu tốt đẹp, vì cuộc sống và hạnh phúc của phụ nữ, trẻ em. Là thành viên của tổ chức Hội, chúng ni sư học và làm theo lời Bác cũng là điều dễ hiểu. Với cuộc vận động này, các ni sư cũng ngày ngày tự rèn luyện chính mình”.
Xây cây cầu nối những bờ vui
Những ngày tháng Tám, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nhân Q.Tân Phú đã vượt chặng đường dài về ấp Ô Rô, xã Tân Ân, H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau để khánh thành chiếc cầu bê tông Nhân Phú 3 trong niềm hân hoan của bà con nơi đây. Có mặt trong chuyến đi ấy, chị Phạm Thị Tuyết - Ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN Q.Tân Phú - chia sẻ: “Đến đây và thấy niềm vui của bà con khi đi lại trên chiếc cầu, chúng tôi cũng thấy vui lây. Chị em doanh nhân đã góp sức làm nên cây cầu này”.
Câu lạc bộ Nữ doanh nhân Q.Tân Phú bàn giao cây cầu giao thông tại ấp Ô Rô, xã Tân Ân, H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau - Ảnh: CTV
Tân Ân là một xã nghèo nơi cửa biển của H.Ngọc Hiển. Đã nhiều năm, huyện muốn xây cây cầu nối liền hai ấp Ô Rô và Rạch Rô để bà con thuận tiện đi lại và cũng là để phát triển con đường đi ra cửa biển, phát triển kinh tế, nhưng chưa thể thực hiện được vì kinh phí quá lớn. Không có cầu, bà con phải đi lại bằng ghe. Đường đến trường của trẻ nhỏ vì thế cũng chẳng dễ dàng.
Từ những khó khăn trên, H.Ngọc Hiển đã kết nối với CLB Nữ doanh nhân Q.Tân Phú để cùng xây dựng cầu với tổng kinh phí lên đến 400 triệu đồng, trong đó CLB Nữ doanh nhân hỗ trợ 250 triệu đồng. Cầu dài 35m, rộng 3m, chịu được trọng tải khá lớn, giúp giao thông thuận tiện, phát triển kinh tế giao thương. Chị Đinh Thị Minh Hiếu - Phó Chủ nhiệm CLB Nữ doanh nhân Q.Tân Phú - cho biết, tiêu chí của CLB trong các hoạt động an sinh xã hội là xây cầu và đường giao thông nông thôn, trung bình xây từ 1 - 2 cầu/năm. Cầu Nhân Phú 3 được xây dựng từ sự đóng góp của nhiều người bạn đồng hành, thành viên CLB và những người bạn đối tác. “Ngoài cầu Nhân Phú 3, từ nay đến cuối năm, CLB sẽ khánh thành tặng bà con nơi đây thêm một cây cầu nữa” - chị Hiếu tiết lộ.
“Gương mặt thân quen" của những hoàn cảnh cần giúp đỡ"
“Chi phí phẫu thuật lần đầu đã ngốn hết tiền con dành dụm, giờ con trắng tay rồi cô ơi!” - thư của chị Võ Đông Nhi gửi bà Nguyễn Thị Tâm, 52 tuổi, Chủ nhiệm CLB Sống để yêu thương (P.An Khánh, TP.Thủ Đức) khi chị nhận được thông báo phải phẫu thuật lần thứ hai vào tháng 3/2020. Đọc thư, bà Tâm bỏ dở việc ở quán cơm cho các con, chạy vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nơi chị Nhi nằm điều trị, để nắm tình hình. Chị Nhi sống cùng mẹ già trong một phòng trọ tại P.An Khánh, con đi phụ quán ăn, mẹ bán khoai lang dạo. Vào ngày mồng Năm tết 2020, trên đường đi làm về, chị Nhi bị tai nạn bể xương đầu gối. Suốt mấy tháng nằm trên giường bệnh, hai mẹ con đã tiêu hết khoản tiền tiết kiệm ít ỏi. Nắm bắt xong tình hình, bà Tâm nhanh chóng kêu gọi các thành viên trong CLB và những nhà hảo tâm chung sức giúp Nhi. Chỉ trong vài ngày, gần 24 triệu đồng đã đến tay mẹ con chị, vừa đúng lúc chị vào cuộc phẫu thuật.
Một tháng sau cuộc phẫu thuật thành công, chị Nhi lành bệnh, xin gửi lại 5,9 triệu đồng để CLB hỗ trợ những hoàn cảnh éo le như mình. Được mọi người giúp đỡ, sang năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, chị Nhi lại theo chân bà Tâm tình nguyện đứng bếp nấu ăn phục vụ tuyến đầu chống dịch suốt bốn tháng liền.
Bà Tâm (trái) và Câu lạc bộ Sống để yêu thương thường xuyên tặng thực phẩm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: Mẫn Nhi
Chị Nhi là một trong hàng chục trường hợp bị tai nạn giao thông cần được phẫu thuật gấp mà bà Tâm và CLB Sống để yêu thương đã giúp đỡ kịp thời. Ban đầu, CLB chỉ là nhóm những người bạn hướng thiện. Đến cuối năm 2018, bà Tâm kết nối với Hội Phụ nữ địa phương rồi thành lập CLB với 64 thành viên. Đa phần các dì, các chị đều là người làm công ăn lương và buôn bán nhỏ, chẳng giàu có nhưng luôn sẵn sàng sẻ chia những tấm thẻ bảo hiểm y tế, chi phí nằm viện, ma chay, thuê xe đưa người bệnh về quê theo tâm nguyện…
Là một bà mẹ đơn thân sớm hôm tần tảo buôn bán nuôi hai đứa con, nhưng từ ngày còn trẻ, hễ nghe ở đâu có người bệnh nặng, có em bé mồ côi đang đứng trước nguy cơ bỏ học là bà Tâm lại lặn lội tìm tới giúp đỡ trong khả năng của mình. Bà nói đó là cách bà dạy các con về tình người. Quán cơm trên đường Thân Văn Nhiếp, TP.Thủ Đức của mẹ con bà Tâm cũng là nơi các thành viên CLB Sống để yêu thương tập trung chế biến đồ ăn thức uống tặng những người vô gia cư và chuẩn bị quà cho những chuyến xe nhân ái đi giúp bà con nghèo.
Ở P.An Khánh, từ lâu bà Tâm đã là “gương mặt thân quen” của những hoàn cảnh cần giúp đỡ. Mỗi khi Hội tổ chức các hoạt động từ thiện hướng đến phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bà Tâm đều có mặt.
Hạnh Chi - Mẫn Nhi - Song An
Theo báo cáo sơ kết một năm (từ 19/5/2021 đến 19/5/2022) thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Hội LHPN TP.HCM, cuộc vận động đã được các cấp Hội nghiêm túc thực hiện với nhiều hình thức, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở nên tự giác, thường xuyên của các cơ sở Hội, của từng cơ quan, đơn vị, của người đứng đầu và của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ, gắn với xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đã có nhiều hoạt động, mô hình sáng tạo trong thực hiện cuộc vận động, nhất là các hoạt động xã hội từ thiện, thực hành tiết kiệm, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Các cơ sở Hội đã tuyên dương 3.100 cá nhân và 930 tập thể điển hình, trong đó có 52 tập thể và 50 cá nhân được Hội LHPN TP.HCM tuyên dương.
Ngày 21/1, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam quận 3 tổ chức họp mặt kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025).