Hội Phụ nữ, Công an, Bộ đội biên phòng phối hợp ngăn chặn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán sang nước ngoài

03/08/2022 - 18:42

PNO - Ngày 3/8, Hội thảo “Vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, hỗ trợ xác minh, xác định nạn nhân mua bán người đã diễn ra tại TP. Huế.

Hội thảo do Hội LHPN Việt Nam, Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, trong ba năm (2019 - 2021) tổng số lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài là hơn 30.000. Từ tháng 11/2018 tới tháng 2/2022, đường đây nóng hỗ trợ nạn nhân bị mua bán sang nước ngoài của Bộ đã tiếp nhận hơn 9.000 cuộc gọi, trong đó có hơn 1.000 cuộc gọi nhờ tư vấn tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân; 129 ca chuyển tuyến với 165 người được giải cứu.

Mặc dù hiện nay nhiều địa phương đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên lớn mạnh tại cấp huyện, cấp xã, hỗ trợ công nhân hòa nhập cộng đồng, nhưng trình trạng đưa người đi lao động trái phép sang Capuchia và các nước khác với chiêu bài lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp tục diễn ra. Thậm chí nhiều lao động sau khi sang nước ngoài còn bị hành hạ, đe dọa, áp bức tinh thần. Nạn nhân sau đó yêu cầu người nhà phải nộp tiền chuộc từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để được thả, nếu không sẽ bị bán cho các công ty khác.

Đông đảo đại biểu tham gia hội thảo tập huấn
     Đông đảo đại biểu tham gia hội thảo tập huấn
Đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ Đội Biên Phòng tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo trình trạng di cư qua biên giới
Đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo trình trạng di cư trái phép

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, qua rà soát của cảnh sát hình sự, từ đầu năm đến nay có 16 trường hợp được đưa sang Campuchia lao động nhưng mất liên lạc. Gia đình đã viết đơn cầu cứu công an hỗ trợ tìm kiếm. Có 9 trường hợp đã trở về và gia đình phải trả một khoản tiền chuộc từ 45 - 150 triệu đồng.

Hội thảo đã được nghe nhiều ý kiến nói về những khó khăn, vướng mắc trong việc hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và xác minh, xác định nạn nhân.  

Trước tình trạng phụ nữ nông thôn bị các đối tượng bị du dỗ ra nước ngoài làm “việc nhẹ lương cao”, đại biểu Hoàng Thị Phương Hiền - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế - đã nêu ra một số hoạt động mà địa phưng đang thực hiện như: thường xuyên mở rộng liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động; duy trì và thực hiện có hiệu quả “Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; chú trọng đa dạng hóa truyền thông qua Facebook, Zalo, Website nhằm tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống mua bán người đến đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân.

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với công an tỉnh, bộ đội biên phòng tỉnh, sở LĐTBXH tỉnh tổ chức 52 lớp cho 3.640 lượt người tham dự về tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật ngăn chặn hành vi mua bán người, đặc biệt ở khu vực miền núi có chung đường biên giới với nước bạn Lào. Các cấp Hội đã chủ động mở rộng hoạt động tín chấp với Ngân hàng PTNT và các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tỉnh, giải ngân trên 445 tỷ đồng cho 18.335 hộ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, nhằm nâng cao hiệu quả trong hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, phụ nữ bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại hội thảo
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại hội thảo

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết hiện nay, bên cạnh việc duy trì Ngôi nhà Bình yên để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Hội LHPN Việt Nam còn phối hợp cùng Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và KOICA thí điểm thành lập Văn phòng Dịch vụ một điểm đến (OSSO) để hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ tại 5 tỉnh/thành phố (Hải Phòng, Hải Dương, Cần Thơ, Hậu Giang, Hà Nội); tổ chức các hoạt động vận động chính sách, kết nối dịch vụ hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương; đối thoại và hỗ trợ phụ nữ di cư về các vấn đề thường gặp và cách thức giải quyết. Đến nay, 5 văn phòng OSSO đã tư vấn và hỗ trợ cho gần 1000 phụ nữ di cư hồi hương với gần 4.000 lượt.

Bà Hương cũng khẳng định để làm tốt công việc này Hội cũng đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, phòng, chống di cư trái phép, đồng thời hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, hỗ trợ xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán trở về. Hàng năm, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an thực hiện chuỗi hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống mua bán người, di cư trái phép cho nhân dân…

Thuận Hóa 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI