Hồi nhỏ chơi pháo

29/01/2022 - 08:28

PNO - Lâu lắm rồi tết không còn nghe tiếng pháo. Loáng cái đã phần tư thế kỷ. Tuổi thơ tôi với niềm vui chơi pháo tết còn lùi xa hơn.


Ngày nhỏ, tôi mê chơi pháo, nhưng cũng… sợ pháo. Cái tiếng nổ “đùng” khiến con nít nhát gan mất vía. Sợ mà vẫn thích. Thích nhưng lại sợ. Cái vòng lẩn quẩn rất chi… con nít kia giống hệt vụ nghe kể chuyện ma: đêm háo hức đòi nghe; nhưng nghe xong trùm kín chăn, không dám bước chân ra khỏi giường.

Trước năm 1975 pháo ít lại bán mắc, nhà tôi không có tiền mua. Tết, tôi được anh trai bày cho chơi kiểu pháo tự tạo nổ bằng diêm quẹt. “Pháo” này làm khá đơn giản, chỉ cần cái ống kim loại nhỏ (mũi hoặc vỏ đạn) trong đổ đầy chì nấu chảy và một cây đinh. Đục một lỗ đinh thủng vào khối chì; sau đó lấy đinh ra, nhồi đầy diêm sinh cạo ở đầu cây diêm quẹt vào lỗ đinh. Lắp đinh lại vào lỗ và… a lê hấp, đập đầu đinh xuống đất.

Diêm sinh bị ép mạnh trong lòng khối chì sẽ phát cháy tạo nên tiếng nổ. Không to như pháo (trừ pháo chuột), nhưng nghe cũng… đã tai con nít lắm; và nhất là an toàn tuyệt đối, không sợ bất cứ “nạn tai” nào như khi đốt pháo viên. Cái quả pháo bắn diêm ấy được gọi nôm na là cây “súng lông gà” bởi khi chế tác nó được cột thêm cái đuôi dài bó bằng những cọng lông ống của con gà. Đuôi ấy giúp đứa trẻ nhát nạp diêm xong không dám đập có thể tung “súng” lên trời. “Súng” rơi chúc mũi, đập đầu đinh xuống mặt sân cứng sẽ tự nổ…

Sau năm 1975, cái tết đầu tiên tôi được chị cho một phong pháo quà tặng là tết Bính Thìn (1976). Phong pháo 100 viên sặc sỡ đỏ xanh vàng tím bao giấy bóng chắc khừ nhìn hấp dẫn mê tơi. Tôi nâng niu cất kỹ, chắc mẩm mình sẽ có được một cái tết huy hoàng “hết nấc” với… pháo. 30 tết, trang trọng khui phong pháo gỡ vài viên chờ giờ cúng tất niên đem đốt “mở hàng”. Châm hương, pháo cứ cháy xòe xòe hết cái ngòi xong… tịt.

Viên thứ nhất, viên thứ hai, viên thứ ba, viên thứ tư… cũng đều vậy; ức muốn khóc? Giận quá, tôi hì hụi gỡ lớp giấy bao mấy viên pháo tịt ra coi. Hỡi ơi, viên nào cũng như viên nào, bên trong ruột không thấy thuốc pháo đâu mà toàn… đất sét.

Tôi bắt đầu ky cóp, dành dụm chút “vốn liếng” riêng ít ỏi (từ tiền lì xì, tiền bán phế liệu thu gom được) để tết mua pháo đốt. Tháng Chạp, tiệm tạp hóa nào cũng treo lủng lẳng pháo. Lũ trẻ chúng tôi thèm pháo còn hơn thèm bánh kẹo. Đầu tháng trở đi, có đồng nào tôi cũng đem “cống nộp” cho pháo. Âm thanh “đẹt, đùng” bất chợt cứ vang lên trong xóm suốt nguyên tháng cuối năm.

Tôi không chơi sớm; chờ giáp tết mới đi mua. Tôi mua pháo rời, đương nhiên rồi, chứ tiền đâu mà mua nguyên dây pháo? Để tránh nguy cơ ăn phải quả lừa “pháo đất sét” tôi luôn chọn tiệm tạp hóa bà Cúc; cái tiệm to nhất, bán buôn cũng uy tín nhất làng mà mua. Năm ấy giáp tết tôi ra tạp hóa hí hửng dốc tiền tậu một túi pháo đầy. Đường về gặp mưa, pháo bị ẩm ngòi châm hương không cháy.

Ông anh kề tôi có “tối kiến” đợi mẹ vắng nhà lén đem cho pháo vào chảo bắc bếp rang khô. Kết quả: căn bếp nhỏ nhà tôi bị “dội bom pháo” tanh banh, bay lông lốc cả chảo, cả ông đầu rau đúng chiều Ba mươi tết. May mà không đứa nào bị thương. Hết hồn, lại bị mẹ cho ăn roi; vậy nhưng cái máu mê chơi pháo mỗi khi tới tết của chúng tôi vẫn không chừa.

Lâu lắm rồi tết không còn nghe tiếng pháo. Loáng cái đã phần tư thế kỷ. Tuổi thơ tôi với niềm vui chơi pháo tết còn lùi xa hơn. Ký ức không bao giờ tìm lại được nhưng vẫn là hành trang đẫm nhớ tràn thương trọn đời mang theo. Để mỗi độ xuân về bất chợt nửa đêm thức giấc dường như nghe văng vẳng đâu đây tiếng pháo nổ đẹt đùng… 

Nguyễn Danh

 

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI