“Hỡi nhân tình ơi, hãy cười hãy vui…”

29/09/2023 - 15:29

PNO - Trong buổi phỏng vấn gần đây nhất, khi được hỏi rằng ca khúc nào khiến Thanh Mai có ấn tượng nhất, bà trả lời đó chính là "Cơn gió thoảng" - ca khúc đặc biệt được Quốc Dũng viết trong vỏn vẹn… 1 đêm, với những cảm xúc thăng hoa, tạo ra bản nhạc gần như hoàn mỹ và có sức sống đến tận bây giờ.

Nhắc đến nhạc trẻ miền Nam Việt Nam những năm 1970, không thể không nhắc đến Quốc Dũng. Nếu Phượng Hoàng, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang là những cánh chim đầu đàn của rock Việt với những bản pop rock sôi động nhiều ảo tính để quên đi thực tại thì Quốc Dũng với trái tim hiền lành nhiều mỹ cảm đã tạo nên một không khí âm nhạc thanh lịch và chân thành, gần gũi với tất cả buồn vui của con người - một thứ âm nhạc chữa lành và chở che, nâng đỡ tinh thần một thế hệ thanh niên Sài Gòn thời ấy, như nhạc sĩ Phạm Duy từng nói: “Trong 20 năm ấy (thập kỷ 1960, 1970), âm nhạc ở miền Nam có khả năng trị liệu những căn bệnh tinh thần, vì trong đó, tình yêu và con người luôn được xưng tụng…”.

Ca khúc Cơn gió thoảng  được Quốc Dũng viết  chỉ trong  một đêm nhưng có sức sống vượt thời gian
Ca khúc Cơn gió thoảng được Quốc Dũng viết chỉ trong một đêm nhưng có sức sống vượt thời gian

Một trong những bản tình ca mang đậm dấu ấn và tinh thần âm nhạc của Quốc Dũng là Cơn gió thoảng - ca khúc được viết riêng cho tiếng hát Thanh Mai.

Bản tình ca trong "một đêm" cho Thanh Mai  

Ca khúc Cơn gió thoảng được nhạc sĩ Quốc Dũng viết vào năm 1973, nằm trong hàng loạt ca khúc mà ông đặc biệt viết riêng cho giọng ca của “búp bê” Thanh Mai như Biển mộng, Quê hương và mộng ước, Bên nhau ngày vui… 

Đầu những năm 70, Thanh Mai là “học trò ruột” được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 dìu dắt và dạy dỗ. Một ngày năm 1971, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhắn Thanh Mai tới nhà ông vì ông muốn kết hợp giọng ca của Thanh Mai với 1 người. Dù khi đó Quốc Dũng đã rất nổi tiếng, là “thần đồng âm nhạc” do tài năng bộc lộ từ rất sớm và đã xuất hiện nhiều trên truyền hình nhưng Thanh Mai chưa được gặp. 

Từ mối duyên do nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 kết hợp, lần đầu tiên 2 người song ca bài Ai đưa em về và được ái mộ nồng nhiệt, rồi đến Tóc mai sợi vắn sợi dài… và lần lượt những ca khúc được Quốc Dũng “đo ni đóng giày” cho giọng ca của Thanh Mai như Bên nhau ngày vui, Điệp khúc mùa xuân, Quê hương và mộng ước (do 2 người viết chung), đặc biệt là Cơn gió thoảng

Dần dần, họ trở thành cặp song ca ăn ý nổi tiếng nhất nhì Sài Gòn. Tiếng hát trong trẻo, bay bổng của Thanh Mai hòa quyện trong tiếng đàn hào hoa của Quốc Dũng vang lên khắp các phòng trà, tụ điểm âm nhạc của Sài Gòn bấy giờ. 

Ca khúc Cơn gió thoảng - Thanh Mai:

 

Trong buổi phỏng vấn gần đây nhất, khi được hỏi rằng ca khúc nào khiến Thanh Mai có ấn tượng nhất, bà trả lời đó chính là Cơn gió thoảng - ca khúc đặc biệt được Quốc Dũng viết trong vỏn vẹn… 1 đêm, với những cảm xúc thăng hoa, tạo ra bản nhạc gần như hoàn mỹ và có sức sống đến tận bây giờ. 

Thanh Mai kể lại, đó là vào một tối năm 1973, khi bà đang hát tại vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo với ban nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (nhạc sĩ Quốc Dũng chơi guitar trong đó) thì có người quen của ca sĩ Thanh Thúy đã đến nói chuyện rằng muốn Thanh Mai thu âm 1 ca khúc của Quốc Dũng vào ngày hôm sau, mà Thanh Thúy muốn đó phải là ca khúc mới chưa có ai hát. Khi ấy đã là 9, 10 giờ tối, Thanh Mai quay sang hỏi nhạc sĩ Quốc Dũng có ca khúc mới nào để bà hát không thì ông nói hiện tại chưa có bài mới nào. Nhưng ông cũng không quên nói thêm, rằng “Thanh Mai cứ an tâm. Đêm nay đi làm về anh Dũng sẽ viết. Sáng mai 9 giờ Mai cứ đến sẽ có bài mới”. 

Hôm sau, khi Thanh Mai đến, nhạc sĩ Quốc Dũng đang ngồi hoàn thiện những khâu cuối cùng cho ca khúc mới ấy, rồi bắt đầu tập cho Thanh Mai hát. Chỉ một lát sau, Thanh Mai cầm bản nhạc đưa cho nhạc sĩ Lê Văn Thiện, rồi cứ thế ban nhạc và ca sĩ vào phòng thu, tất cả hoàn thành vào khoảng 5 giờ chiều. Đó chính là bản thu đầu tiên ca khúc Cơn gió thoảng kinh điển của Quốc Dũng. 

Nhiều năm sau, ca sĩ Thanh Mai vẫn phải thừa nhận rằng đó là lần đầu tiên trong đời bà thấy 1 ca khúc quá hay mà hoàn thành nhanh đến vậy, nghĩa là chưa đến 24 tiếng đồng hồ. Ca khúc Cơn gió thoảng cũng gắn liền và là một trong những ca khúc thành công nhất của Thanh Mai cho đến nhiều thập niên sau. Sau này, Cơn gió thoảng được hàng loạt danh ca Việt Nam (Ngọc Lan, Thanh Lan, Lâm Thúy Vân, Bằng Kiều, Quang Dũng…) thu âm lại. Đặc biệt, Cơn gió thoảng cũng được người vợ, “nàng thơ” sau cùng của Quốc Dũng - ca sĩ Bảo Yến - thu âm và trình diễn lại trong CD Bảo Yến - 10 ca khúc Quốc Dũng vào năm 1995.

Thanh Mai và Quốc Dũng hoạt động âm nhạc cùng nhau đến năm 1977 thì Thanh Mai kết hôn và theo gia đình chồng sang Pháp định cư. Cặp song ca cũng tan rã từ đó. Suốt những năm tháng 2 nghệ sĩ tài hoa và đẹp đẽ ấy gắn bó với nhau trong âm nhạc, giai thoại về họ rất nhiều. Thời gian trôi qua, mỗi người đều có con đường và gia đình riêng nhưng sau tất cả, họ vẫn dành cho nhau những tình cảm quý mến, trân trọng. 

Về phần Quốc Dũng, sau này, khi làm cuốn Tuyển tập 100 ca khúc Quốc Dũng, ông cũng thú nhận về những cảm xúc bất chợt của mình: “Vì cô bạn gái thực xinh đẹp và dễ thương (Thanh Mai), tôi đã viết gấp rút bài này trong 1 đêm (1973). Phải chăng với thời gian ngắn ngủi đó, cùng với tựa đề của bài hát đã thành một định mệnh, khiến tình yêu của chúng tôi như một “Cơn gió thoảng”…”. Có lẽ với ông, những cảm xúc ấy đã trở thành một phần ký ức. Ông đã gửi gắm tất cả trong âm nhạc, để lại một kho tàng những tác phẩm tuyệt vời cho hậu thế.

Vài năm trước đây, khi được hỏi vui rằng tại sao thời đó 2 người đẹp đôi, ăn ý như vậy mà không đến được với nhau, ca sĩ Thanh Mai cũng cười mà trả lời vui rằng: “Chắc do có duyên mà không có nợ. Cô chú chắc có duyên làm bạn, gặp gỡ nhau vậy thôi, chứ làm vợ chồng chắc cần phải có nợ nữa. Mà không nợ nần gì nhau nên cô mới “khỏe quá” (cười). Lấy chú Quốc Dũng cũng khổ lắm bởi chú đào hoa đa tình quá…”.

Tiếng hát trong trẻo, bay bổng của Thanh Mai hòa quyện trong tiếng đàn hào hoa của Quốc Dũng vang lên khắp các phòng trà, tụ điểm âm nhạc của Sài Gòn một thời
Tiếng hát trong trẻo, bay bổng của Thanh Mai hòa quyện trong tiếng đàn hào hoa của Quốc Dũng vang lên khắp các phòng trà, tụ điểm âm nhạc của Sài Gòn một thời

"Hỡi nhân  tình ơi, hãy cười hãy vui"

Là người thành danh từ rất sớm, Quốc Dũng không bao giờ tranh giành hay tị hiềm với ai. Ông luôn giúp đỡ và hỗ trợ đồng nghiệp cũng như đàn em. Đó cũng chính là tinh thần âm nhạc xuyên suốt cả cuộc đời sáng tác và hoạt động âm nhạc của vị nhạc sĩ tài năng ấy. Âm nhạc của Quốc Dũng hiền hậu như một liều thuốc chữa lành đầy năng lượng mà ông hào phóng mang đến cho đời sống tinh thần của giới trẻ Sài Gòn thời ấy.

Hơn cả một người viết nhạc tài năng, Quốc Dũng là một người viết nhạc thật hiền. Trong những ca khúc của ông, dù chia ly hay đau khổ, cũng ít khi có sự sân hận hay oán trách mà trong đó luôn là những câu từ, giai điệu vô cùng nhã nhặn, thanh lịch, dù buồn mà vẫn bao dung và đầy lương thiện. Sau tất cả, ông luôn muốn những người phụ nữ đi qua đời mình được bình yên và hạnh phúc, như câu hát mà ông đã viết: “Hỡi nhân tình ơi, hãy cười hãy vui…”.

“Nhân tình” ấy có lẽ không chỉ là những người tình, mà còn là nhân tình thế thái, là cuộc đời, là âm nhạc… 

Cùng với Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, (và sau này là Bảo Chấn), Quốc Dũng tạo nên một diện mạo nhạc trẻ miền Nam Việt Nam đầy hào sảng và phóng khoáng, chân thành. Ở nhạc Quốc Dũng, màu sắc hàn lâm và bác học được thể hiện một cách bình dân, dễ hiểu nên âm nhạc của ông tiệm cận được đa dạng khán giả và có sức lan tỏa rộng lớn đến tận bây giờ. Tuy nhiên, dấu ấn và sức sống mãnh liệt nhất ở Quốc Dũng là ở sự cách tân trong hòa âm, phối khí; cách đưa các âm hưởng phương Tây giao thoa vào chất liệu dân gian Việt Nam, đặt nền móng cho một nền nhạc trẻ miền Nam Việt Nam vô cùng đa dạng, nhiều màu sắc mà không mất đi bản sắc dân tộc.

Lan  Anh

Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI