Hội Nhà văn Việt Nam và những gút mắc không đáng có

03/08/2022 - 06:19

PNO - Một trong những điểm sáng được dư luận đánh giá cao ngay khi Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam vừa ra mắt, đó là có những kế hoạch mang tính chiến lược nhằm “vực lại” văn học trẻ và văn học thiếu nhi. Dù vậy, đã có những gút mắc không đáng có liên quan đến quy trình xét giải thưởng thường niên.

“Vướng” ở cách ứng xử

Mấy ngày qua, làng văn xôn xao vì thông tin một số thành viên xin rút, từ nhiệm khỏi các hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN). Đầu năm nay, nhà văn Trần Đức Tiến - Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi (VHTN), nhà văn Cao Xuân Sơn - Ủy viên, quyết định rút khỏi Hội đồng VHTN. Sau khi hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc kết thúc ở Đà Nẵng vài ngày, ngày 22/6, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, các nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, Phong Điệp, Văn Thành Lê, Nguyễn Thị Kim Hòa cũng xin rút khỏi Hội đồng VHTN. 

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều (bìa phải) trao giải thưởng Văn học năm 2021 - ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều (bìa phải) trao giải thưởng Văn học năm 2021 - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Có nhiều lý do dẫn đến quyết định trên của các thành viên, trong đó có việc liên quan đến quy trình xét giải thưởng thường niên HNVVN năm 2021, hạng mục VHTN. Nhà văn Trần Đức Tiến đặt câu hỏi về quy trình xét giải thưởng trên trang mạng xã hội: “Giải thưởng VHTN 2021: HNVVN làm đúng hay sai quy chế?”.

Cụ thể, Hội đồng Chung khảo của HNVVN quyết định đưa tác phẩm Mùa tiểu học cuối cùng (cố nhà văn Lê Văn Nghĩa)  vào danh sách xét chung khảo, trong khi Hội đồng VHTN chỉ đề cử hai tác phẩm khác: Cà Nóng chu du Trường Sa (Bùi Tiểu Quyên) và Cá voi Eren đến Hòn Mun (Lê Đức Dương).

Trong thông báo mới đây về hoạt động sáu tháng đầu năm và chuẩn bị cho sáu tháng cuối năm 2022 của ban chấp hành (BCH), HNVVN đã phản hồi về  những ồn ào liên quan: “Quá trình tổ chức thực hiện công việc cho thấy sự phối hợp giữa BCH HNVVN và Hội đồng VHTN còn có những điều chưa hoàn toàn nhất trí”.  

Cũng theo phản hồi của HNVVN, quá trình xét giải thưởng đều đúng quy trình. “Sau khi xem xét biên bản sơ khảo của Hội đồng VHTN, Hội đồng Chung khảo nhận thấy rằng mặc dù truyện dài Mùa tiểu học cuối cùng của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa không được Hội đồng VHTN đề cử lên BCH hội nhưng số phiếu quá bán (5/9) khi bầu chọn sơ khảo vẫn còn nguyên giá trị. Trong biên bản, Hội đồng VHTN cũng không hề hủy kết quả sơ khảo đối với tác phẩm Mùa tiểu học cuối cùng mà chỉ không đề cử”.

Theo Quy chế Giải thưởng Văn học HNVVN do Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều ký ngày 15/10/2021, các tác phẩm đã đạt số phiếu quá bán của Hội đồng Sơ khảo đều có quyền được đưa vào chung khảo, không hạn chế số lượng. Đồng thời, quy chế cũng không có quy định hội đồng chuyên môn có quyền không đề cử tác phẩm đã được số phiếu sơ khảo quá bán vào chung khảo. Vì vậy, sau khi xem lại quy chế và thảo luận rất kỹ lưỡng, Hội đồng Chung khảo đã quyết định đưa tác phẩm Mùa tiểu học cuối cùng vào xét chung khảo. Tác phẩm này sau đó trở thành một trong bốn tác phẩm được trao giải thưởng HNVVN năm 2021.

Tuy nhiên, vướng mắc của HNVVN và Hội đồng Hội VHTN không nằm ở các tác phẩm được đề cử và được trao giải thưởng cuối cùng. Như trong thư các thành viên Nguyễn Thụy Anh, Nguyễn Xuân Thủy, Phong Điệp, Văn Thành Lê, Nguyễn Thị Kim Hòa gửi chủ tịch hội, có thể thấy vướng mắc nằm ở sự ứng xử thiếu tinh tế và “thiếu tôn trọng Hội đồng VHTN của chính BCH hội”. “Trong quá trình xét giải thưởng VHTN, khi không đồng thuận với đề xuất từ hội đồng, BCH hội đã có lựa chọn khác mà không trao đổi lại, cũng không thông báo cho chủ tịch hội đồng”, trích thư.

Theo các thành viên này, từ tháng 1/2022 đến nay, các sự kiện văn học liên quan đến thiếu nhi của hội, họ gần như ở vị trí ngoài cuộc, chỉ được biết thông qua báo chí, website chứ không hề được mời tham gia xây dựng nội dung, hoặc không có sự tham vấn chuyên môn với tư cách “người giúp việc” cho hội. “Chúng tôi cho rằng, BCH đã bỏ qua vai trò của Hội đồng VHTN trong mọi hoạt động liên quan”, thư viết. 

Những tác phẩm văn học thiếu nhi nổi bật trong năm 2021
Những tác phẩm văn học thiếu nhi nổi bật trong năm 2021

Đừng xa rời mục tiêu ban đầu

Trong các phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều khi ra mắt BCH nhiệm kỳ mới có nói đến việc xem phát triển văn học trẻ và VHTN là hai trong những chiến lược văn học thời kỳ mới. Điều này cũng thể hiện trong nội dung thông báo mới nhất của hội vào tối 31/7: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng của BCH hội khóa X đề ra là thúc đẩy VHTN sau một thời gian dài có rất ít tác phẩm văn học về đề tài thiếu nhi được bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam quan tâm”.

Trong thư gửi chủ tịch hội, các thành viên cũng mong “động thái rút khỏi Hội đồng VHTN sẽ giúp BCH có cái nhìn đúng đắn hơn về công tác liên quan đến sáng tác cho thiếu nhi, xúc tiến các việc cần làm để chứng minh sự quan tâm sâu sắc và thiết thực tới VHTN như đã truyền thông, đồng thời thay đổi phương pháp làm việc và tôn trọng, lắng nghe ý kiến những người có chuyên môn trong lĩnh vực này”.

Là người đứng ngoài quan sát khách quan sự việc, một nhà văn viết cho thiếu nhi cho hay, VHTN có một thử thách đó là đòi hỏi những người thực hiện nó phải trong sáng, yêu quý sáng tác cho đối tượng này thực sự. Những ồn ào vừa qua là một điều đáng tiếc, để lập nên một hội đồng VHTN mới là cực khó. Nhà văn này nói: HNVVN cần xác quyết và đánh giá đúng vai trò của VHTN (tác phẩm lẫn tác giả). Nhiều năm qua, có hiện tượng HNVVN nhìn VHTN bằng con mắt của văn học dành cho người lớn, từ đó đánh giá chưa đúng về các tác giả trẻ. Sau những gút mắc không đáng có, đừng quên mục tiêu đã đề ra ban đầu, đó là phát triển VHTN nói riêng, văn học trẻ nói chung trên tinh thần khai mở, cổ vũ và khuyến khích sáng tạo. 

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI