Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ diễn ra ngày 24/11 nhằm đánh giá kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới đất nước; đồng thời triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cột mốc lịch sử để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Văn hóa song hành với quá trình đi lên của quốc gia
Báo Phụ Nữ TP.HCM: Trước thềm hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 diễn ra, nhìn lại tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển xã hội, theo ông, sức mạnh của văn hóa đã được phát huy đúng mực?
PGS-TS Trần Luân Kim (nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam): Văn hóa không những là món ăn tinh thần cần thiết của mọi người, mà còn là kim chỉ nam cho cả dân tộc tiếp bước. Sở dĩ văn hóa quan trọng, mang tính sống còn đối với quốc gia, vì chúng được hình thành qua hàng trăm, ngàn năm giúp dân tộc định danh được thương hiệu, tạo ra sự khác biệt.
|
Ông Trần Luân Kim |
Tuy nhiên, sự coi trọng phát triển văn hóa giữa các cấp, ngành, các địa phương trong thời gian qua chưa đồng nhất, nên đã dẫn tới những xộc xệch, trở ngại nhất định. Có những thời điểm, tôi thấy văn hóa chưa được coi trọng bằng kinh tế chứ không cần xét đến lĩnh vực chính trị, dù trong các nghị quyết của Đảng đưa ra, văn hóa luôn được đề cao. Đó là điều khiến tôi trăn trở, vì nhìn sang các nước khác, văn hóa được họ coi trọng bằng việc đầu tư, giữ gìn đúng mực.
PGS-TS Đặng Văn Bài (Phó Chủ tich Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia): Tầm quan trọng của văn hóa trong phát triển xã hội là điều không thể phủ nhận, vì như Bác Hồ từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Điều đó có nghĩa, văn hóa vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu, nhưng đồng thời cũng là động lực phát triển của toàn xã hội. Văn hóa không phái sinh từ sự phát triển mà song hành với quá trình đi lên của một quốc gia. Tôi cho rằng, vì nhận thức rõ được tầm quan trọng của văn hóa trong bối cảnh hiện tại nên Nhà nước mới tổ chức hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021.
* Giữa bối cảnh toàn cầu hóa như hiện tại, việc phát triển văn hóa của nước ta đối diện với những thách thức lớn nào?
PGS-TS Đặng Văn Bài: Bản sắc văn hóa giúp chúng ta tự khẳng định dân tộc mình, phân biệt “cái ta” với cái “không phải là ta”. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần tôn trọng những giá trị phổ quát toàn nhân loại, tiếp thu tinh hoa theo hướng sáng tạo, thích nghi với điều kiện của Việt Nam để giải quyết có hiệu quả những yêu cầu của đất nước trong hiện tại và tương lai.
Việc học hỏi cần đi đôi với giữ gìn và ý thức phát huy bản sắc dân tộc, đặc biệt là giữa thời đại toàn cầu hóa. Làm sao để giữ được bản sắc văn hóa là vấn đề không dễ, nhưng cũng không khó thực hiện. Các nước đã làm được thì Việt Nam chúng ta với bản lĩnh và nội lực mạnh mẽ, chắc chắn cũng làm được.
|
PGS-TS Đặng Văn Bài |
Đóng góp lớn nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh cho nhân loại là việc đúc kết chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Điều đó luôn đúng và cần thiết cho các quốc gia, các tầng lớp xã hội và từng cá nhân. Độc lập và tự do là nền tảng quan trọng đầu tiên cho phát triển. Sự độc lập ở đây là độc lập cả về chính trị, kinh tế, văn hóa. Đất nước sẽ chẳng còn toàn vẹn nếu mất đi một trong ba thành tố trên. Do đó, việc bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc văn hóa trong bối cảnh hội nhập là điều quan trọng, phải được quan tâm trước hết.
Bản sắc văn hóa dân tộc là “thương hiệu”, là niềm tự hào của một quốc gia, động lực cho sự phát triển xã hội theo đúng mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
PGS-TS Trần Luân Kim: Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho sự thay đổi, kiến thiết văn hóa quốc gia. Đặc biệt, sau khi Đại hội XIII của Đảng xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững”, lĩnh vực văn hóa tới đây sẽ càng được quan tâm. Tôi cho rằng sự quan tâm đúng mực là biểu hiện đầu tiên để tạo ra những bước ngoặt.
Chúng ta đang đối diện với làn sóng văn hóa quốc tế du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, trong khi văn hóa bản địa lại có những đứt gãy trong kết nối thế hệ, kết nối giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, lại thiếu hụt đội ngũ kế thừa có năng lực cao. Tuy nhiên, tôi thấy được sự quan tâm của Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa trong thời gian gần đây, nên cũng đang kỳ vọng sẽ sớm chứng kiến những thành quả tốt đẹp, trước mắt là kết quả từ hội nghị Văn hóa toàn quốc sắp tới.
Khơi dậy sức mạnh nội sinh
* Để khơi dậy được “sức mạnh mềm” - khái niệm lần đầu tiên được nêu ra trong các văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng - có lẽ nên quay về yếu tố con người, vì xét cho cùng, con người là sản phẩm của văn hóa nhưng cũng là chủ thể sáng tạo văn hóa, vai trò của mỗi cá nhân phải nhìn nhận thế nào cho đúng?
PGS-TS Trần Luân Kim: Sự phát triển của văn hóa phải nhờ phần lớn vào sức mạnh nội sinh. Ở đây, nên hiểu chữ nội sinh theo nghĩa là lấy yếu tố con người làm gốc cho hành trình phát triển tiếp theo và tận dụng vào nguồn lực sẵn có. Cụ thể hơn, với những cá nhân có nền tảng văn hóa, có lòng tự tôn dân tộc và biết đặt lợi ích của quốc gia lên trên... thì đó là những cá nhân tiêu biểu, giúp đất nước phát triển.
Còn với nguồn lực sẵn có, là chúng ta tận dụng vào “tài sản” văn hóa vật thể và phi vật thể quốc gia, biết phát huy để chúng trở thành cầu nối giữa Việt Nam với quốc tế, và khơi gợi niềm tự hào, tình yêu dành cho dân tộc, đất nước.
PGS-TS Chu Văn Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam): Tôi cho rằng Nhà nước luôn có cái nhìn đúng đắn về việc xây dựng văn hóa để làm sao tạo ra sức mạnh mềm, tận dụng được tiềm lực sẵn có trong phát triển xã hội. Trong đó, tôi thấy Nhà nước có quan tâm đến yếu tố con người với mong muốn hình thành nên một thế hệ đủ trình độ, kỹ năng có thể đưa văn hóa Việt Nam đi lên.
Nhưng việc tạo ra bước ngoăt, tôi cho rằng cần sự đồng bộ nhất định, bởi theo quan sát hiện nay, tôi thấy Nhà nước coi trọng văn hóa, đưa ra chính sách phát triển, nhưng thực tiễn chưa đạt được như kỳ vọng, thậm chí có lúc, có nơi bước thụt lùi. Do đó, tôi đang kỳ vọng vào hội nghị Văn hóa sắp tới có được các ý kiến hiến kế, đóng góp xây dựng thiết thực, để có hướng phát triển con người - chủ thể tạo ra sức mạnh nội sinh.
* Nhà nước không thiếu các chính sách hỗ trợ đào tạo con người và đầu tư thực hiện các sản phẩm văn hóa, thậm chí kêu gọi xã hội hóa vào quá trình này, nhưng vì sao chúng ta chưa tạo được những thành
tựu lớn?
PGS-TS Đặng Văn Bài: Lâu nay, khái niệm xã hội hóa chỉ được hiểu là huy động tiền từ các tổ chức xã hội để phát triển, điều này đúng nhưng chưa đủ. Xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa trước hết phải là góp phần văn hóa hóa con người, để từng cá nhân có khả năng hội nhập xã hội. Có nghĩa là, quá trình xã hội hóa sẽ tạo mọi điều kiện để phát huy nguồn lực trí tuệ, đăc biệt là nền tảng trí thức của giới tinh hoa xã hội. Điều đó đòi hỏi “Chính phủ kiến tạo” phải biết lắng nghe ý kiến phản biện từ cộng đồng theo xu hướng “bottom up” - sáng kiến từ dưới lên hiểu theo nghĩa “Lòng dân và ý Đảng”.
Đó là phương thức tạo ra sự đồng thuận và ổn định xã hội, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Xếp cuối cùng là yếu tố huy động nguồn lực kinh tế. Do đó, việc chưa tạo ra thành tựu phải xem xét lại nhiều yếu tố.
PGS-TS Trần Luân Kim: Nhà nước có đầu tư cho phát triển văn hóa, đơn cử là hỗ trợ cho các hội nghề nghiệp, các tổ chức, đơn vị thuộc Nhà nước để duy trì hoạt động. Những sự đầu tư được duy trì nhưng chưa đủ, cũng chưa được hoạch định tổng thể. Đầu tư không chỉ là “rót” tiền và chờ sản phẩm, mà phải theo sát, đưa ra định hướng, cách làm phù hợp.
Tôi đang đăt rất nhiều kỳ vọng vào hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, vì đây là cơ hội để các ban ngành, các giới nhìn lại những thành tựu văn hóa và hạn chế đang tồn tại, để xác định lại con đường cụ thể sẽ bước tiếp trong tương lai.
* Cảm ơn sự chia sẻ của các chuyên gia.
Khánh An