Hội nghị Trung ương 11: Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ sự nghiệp đổi mới

07/10/2019 - 14:47

PNO - Sáng 7/10, hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội, tập trung thảo luận, cho ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên khai mạc.

Hội nghị đã thông qua chương trình làm việc.

Theo đó, tại hội nghị này, Ban chấp hành Trung ương tập trung thảo luận, cho ý kiến một bước về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng: dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế - xã hội 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030; dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, xây dựng Kế hoạch 2021-2025; dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khóa XII.

Ban chấp hành Trung ương cũng sẽ cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019-2020 và một số vấn đề quan trọng khác.

Hoi nghi Trung uong 11: Tiep tuc day manh toan dien, dong bo su nghiep doi moi
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 11 (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ khóa XII và là năm sẽ diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì vậy, nội dung chương trình hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2019-2020 cũng như cả nhiệm kỳ.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng có được một báo cáo chính trị xứng tầm, đề ra được những chủ trương, quyết sách đúng đắn để lãnh đạo toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo.

Dự thảo Báo cáo chính trị đã được xây dựng, từng bước hoàn thiện, nâng cao, trên cơ sở tiếp thu, chắt lọc các kết quả nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; khảo sát thực tiễn và làm việc với 34 địa phương, ban, bộ, ngành; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, đặc biệt là ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào ngày 27/9 vừa qua.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị nghiên cứu kỹ, thảo luận, cho ý kiến về dự thảo báo cáo; tập trung vào các vấn đề lớn thuộc về nội dung nêu trong tờ trình.

Hoi nghi Trung uong 11: Tiep tuc day manh toan dien, dong bo su nghiep doi moi
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phải đặc biệt chú ý những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá, khả thi cao và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần kế thừa, bổ sung, phát triển các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, chính sách, phương hướng, nhiệm vụ nào để tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, phù hợp với thực tế trong nước và quốc tế nhằm tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước ta nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới.

Về dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, đây là một báo cáo rất quan trọng, đi sâu vào lĩnh vực cơ bản, nhiệm vụ trung tâm của công cuộc đổi mới.

Hoi nghi Trung uong 11: Tiep tuc day manh toan dien, dong bo su nghiep doi moi
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị

Dự thảo Báo cáo đã được xây dựng trên cơ sở tổ chức nghiên cứu theo 42 nhóm chuyên đề; huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các cơ quan, đơn vị trong nước và nước ngoài; tổ chức 7 hội nghị với đại diện lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trao đổi lấy ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chuyên gia, các nhà khoa học...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Trung ương căn cứ vào thực tế đất nước từ đầu nhiệm kỳ đến nay và kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và 10 năm 2011 - 2020 được đề ra tại hai kỳ đại hội của Đảng.

Xác định rõ ràng, đúng đắn vị thế, động lực, nguồn lực của đất nước, sức mạnh của dân tộc trước khi bước vào nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội mới; chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm được rút ra.

Hoi nghi Trung uong 11: Tiep tuc day manh toan dien, dong bo su nghiep doi moi
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019-2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị xem xét, phân tích thật kỹ thực tế tình hình của các ngành, lĩnh vực, địa phương để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm, dự báo cả năm 2019, chỉ rõ những kết quả, thành tích nổi bật đã đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân…

Theo chương trình, Hội nghị tiếp tục làm việc đến ngày 13/10/2019.

Theo TTXVN

 
TIN MỚI