Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc – Triều Tiên: Phi hạt nhân chỉ là lời nói gió bay?

18/09/2018 - 08:18

PNO - Tổng thống Hàn Quốc phải đối mặt với thử thách ngoại giao lớn khi nhiều người hoài nghi về khả năng Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Hoi nghi thuong dinh Han Quoc – Trieu Tien: Phi hat nhan chi la loi noi gio bay?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bất ngờ xuất hiện, trực tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cùng phu nhân Kim Jung Sook tại sân bay Sunnan sáng 18/9/2018. Đi cùng ông Kim Jong Un còn có phu nhân Ri Sol Ju. Ảnh: KTV

Trong Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba, bắt đầu ngày 18/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In phải đối mặt với nhiều áp lực nhằm thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cam kết cùng xây dựng khu vực phi hạt nhân. Cùng lúc, hoài nghi dâng cao về khả năng hợp tác của Bình Nhưỡng.

Vai trò trung gian hòa giải của ông Moon trong cuộc giải giáp hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng sẽ được minh chứng trong Hội nghị thượng đỉnh lần này, diễn ra tại Bình Nhưỡng.

Hội nghị kéo dài hai ngày diễn ra trong tình hình quan hệ Mỹ - Triều mất bình tĩnh và nhạy cảm do Bình Nhưỡng. Hôm thứ Hai (17/9), ông Moon phát biểu: "Tôi đã nhiều lần xác nhận ý định chân thành của lãnh đạo Kim và Tổng thống Trump. Tôi tin rằng nếu đối thoại mở ra và hai nhà lãnh đạo ngồi lại với nhau, vấn đề hạt nhân có thể thay đổi nhanh chóng".

Tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc cũng đã kêu gọi Washington và Bình Nhưỡng tự tin, quyết đoán đưa ra quyết định tiến tới phi hạt nhân hóa. Về phía Mỹ, tháng trước, ông Trump đã hủy bỏ chuyến thăm Triều Tiên do Ngoại trưởng Mike Pompeo lên kế hoạch.

Dù Bình Nhưỡng đã phá hủy địa điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri và cơ sở vật chất tại khu vực thử nghiệm tên lửa Sohae, các chuyên gia tập trung vào hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động  gần đây của Triều Tiên tại khu vực làm giàu uranium.

Hoi nghi thuong dinh Han Quoc – Trieu Tien: Phi hat nhan chi la loi noi gio bay?
 

Bất chấp sự đình trệ, Nhà Trắng xác nhận đang “điều phối” hội nghị thượng đỉnh tiềm năng thứ hai giữa Trump và Kim, sau khi lãnh đạo Triều Tiên gửi thư đề nghị một cuộc họp khác.

Theo Lim Jae-cheon - Phó giáo sư ngành nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc (Seoul), hội nghị thượng đỉnh tuần này có lẽ sẽ chứng kiến phát biểu tích cực từ phía Bình Nhưỡng, nhưng lại ít có khả năng biến thành hành động cụ thể.

Ông nói: "Điều quan trọng không phải là những gì ông Kim Jong Un nói mà là hành động thực tế của Triều Tiên. Sự thật là trong vài tháng qua, Triều Tiên vẫn chưa thực hiện các biện pháp phục vụ phi hạt nhân hóa".

Ông Lim cho biết thêm, Triều Tiên có lẽ sẽ yêu cầu nhượng bộ từ Mỹ - chẳng hạn như tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên - trước khi đưa ra bất kỳ tuyên bố mới nào về phi hạt nhân. Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc – Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, do cuộc chiến năm 1950-1953 kết thúc bằng thỏa thuận đình chiến chứ không phải là hiệp ước hòa bình.

Theo Yang Uk, cố vấn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, nước này ngày càng nghi ngờ về khả năng Tổng thống Moon có thể thuyết phục Triều Tiên. Đề cập đến phi hạt nhân là vấn đề chính của hội nghị thượng đỉnh nhưng tham mưu trưởng Im Jong-seok không thể dự đoán kết quả.

Hoi nghi thuong dinh Han Quoc – Trieu Tien: Phi hat nhan chi la loi noi gio bay?
Từ trái qua: Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.

Trong cuộc đối thoại với ông Trump tại Singapore, ông Kim đã đồng ý "hành động hướng tới bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân", nhưng không đưa ra khung nghị sự, hành động cụ thể hay định nghĩa về phi hạt nhân.

Trước đây, Bình Nhưỡng đã liên kết phi hạt nhân với hiệp ước hòa bình lâu dài cũng như đề nghị Hoa Kỳ rút quân khỏi Hàn Quốc. Tuyên bố tại Singapore chỉ xác định rằng Washington và Bình Nhưỡng sẽ tìm cách thiết lập “quan hệ Mỹ - Triều Tiên mới” và “một chế độ hòa bình ổn định”.

Vipin Narang, chuyên gia về phát triển hạt nhân tại MIT, cho biết tình hình rất phức tạp bởi Hàn Quốc có khả năng đòi hỏi phi hạt nhân kém quyết liệt hơn so với các nhân vật diều hâu quanh Tổng thống Trump - chẳng hạn như cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.

Narang giải thích: “Các động cơ thúc đẩy mối quan hệ liên minh Mỹ - Hàn rất phức tạp, xuất phát từ thực tế rằng Hàn Quốc nói chung và Tổng thống Moon nói riêng có thể muốn mối quan hệ này bớt nồng nhiệt hơn, để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên, và điều đó cũng có nghĩa là sống chung với một Triều Tiên sở hữu hạt nhân. Thậm chí, đây còn có thể đồng nghĩa với việc điều chỉnh hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc trong thời gian dài.

Tại thời điểm này, Mỹ sẽ không tin tưởng những gì mà ông Moon nói về vấn đề phi hạt nhân hóa, vì đó vốn dĩ không phải do phía Triều Tiên trực tiếp nói ra. Do đó, kết quả phụ thuộc vào hành động thực tế của Triều Tiên, nhưng tôi sẽ ngạc nhiên nếu ông Moon có thể thay đổi sự hoài nghi trong Nhà Trắng".

Ngọc Anh (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI