Hội nghị Sử học toàn quốc: Tiếp cận toàn diện lịch sử về chủ quyền quốc gia

15/06/2024 - 18:22

PNO - Hội nghị mở ra thông lệ để luân phiên tổ chức với các chủ đề khác nhau, tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu sử học lớn trong cả nước.

Ngày 15/6, tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Sử học toàn quốc lần thứ nhất với chủ đề: “Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ theo định hướng tiếp cận toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam”.

Ban chủ trì hội nghị. Ảnh: Anh Tuân
Ban chủ trì hội nghị. Ảnh: Anh Tuân

Theo ban tổ chức, Hội nghị mở ra thông lệ để định kỳ luân phiên tổ chức với các chủ đề khác nhau, tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu sử học lớn trong cả nước, đáp ứng yêu cầu của khoa học và thực tiễn xã hội Việt Nam.

Khai mạc hội nghị, tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, việc tích cực nghiên cứu để đưa ra các luận cứ khoa học vững chắc và đề xuất các giải pháp thiết thực càng có ý nghĩa như là một biện pháp quan trọng, nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia lãnh thổ - đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, bao gồm cả vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tiềm ẩn nguy cơ xung đột và mất ổn định hiện nay.

10 năm trước, nhà sử học Phan Huy Lê đã phát động giới sử học cả nước đẩy mạnh nghiên cứu về chủ quyền quốc gia lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam; góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo và sự toàn vẹn của quốc gia lãnh thổ Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai theo định hướng tiếp cận toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam.

Đến nay, chủ đề này đã được giới sử học cả nước tập trung nghiên cứu và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Hội nghị tập trung thảo luận về 3 chủ đề: Một số vấn đề chung về chủ quyền lãnh thổ và biên giới đất liền; Biển Đông - Không gian sinh tồn của các cộng đồng dân cư sống trên lãnh thổ Việt Nam; Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại tham luận của tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, ông cho biết: “Lãnh thổ Việt Nam trong Biển Đông, bao gồm các vùng biển và thềm lục địa và các thực thể địa lý (Quần đảo, Đảo, Đá, Bãi cạn...) đã được xác lập và bảo vệ không chỉ bằng những nguyên tắc pháp lý hiện hành mà còn bằng cả máu, xương, mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ người Việt Nam qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử.

Mục tiêu của Việt Nam không phải chỉ có trách nhiệm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong Biển Đông mà còn có nghĩa vụ góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh quốc tế hiện nay”.

Hội nghị do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

M.Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI