Hội nghị lịch sử Mỹ-Triều: Chiến thắng của đôi bên ngay tại bàn đàm phán

12/06/2018 - 06:05

PNO - Hội nghị cấp cao Mỹ-Triều mang tính chất lịch sử, và dù nếu không có bất cứ thỏa thuận nào đạt được thì cũng là dấu hiệu tốt lành khi Mỹ đồng ý đối thoại với quốc gia trong danh sách đối đầu.

Trong lịch sử, chưa từng có một cuộc gặp nào giữa Tổng thống Mỹ đương nhiệm và nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên. Ngược dòng thời gian về lúc Tổng thống Mỹ Bill Clinton ở nhiệm kỳ đầu tiên, Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành đã nói với các học giả Mỹ sang thăm Triều Tiên: “Vì sao ông Bill Clinton có thể gặp Tổng thống Hàn Quốc, nhưng không gặp tôi?”.

Hoi nghi lich su My-Trieu: Chien thang cua doi ben ngay tai ban dam phan
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có mặt ở Singapore từ ngày 10/6.

Cho đến hết nhiệm kỳ thứ hai của ông Bill Clinton, Tướng Jo Myong Rok của Quân đội Nhân dân Triều Tiên cũng đã gặp ông Clinton ở Nhà Trắng, ngỏ ý mong muốn một câu trả lời đồng ý nhưng kết quả là không.

Thời Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Barack Obama, mọi thứ vẫn không thay đổi. Đây là hội nghị cấp cao đánh dấu lần đầu tiên, lãnh đạo Triều Tiên mặt đối mặt với người đứng đầu nước Mỹ.

Không phải ai cũng hứng thú với cuộc gặp mà trước đó không lâu vẫn có sự thay đổi, rút lại, lần lữa và không rõ ràng trong tuyên bố. Nhiều nhà quan sát lo ngại về tính thống nhất cũng như yếu tố chuẩn mực của cuộc gặp, khi đôi bên vẫn đối địch. Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Trump quyết định gặp lãnh đạo Kim là là đáng hoan nghênh.

Các lãnh đạo Mỹ nên sẵn lòng cho thấy thái độ cam kết ngoại giao cá nhân với đối tượng họ cho là kẻ thù, bất kể những điểm không tương đồng giữa hai nước.

Hoi nghi lich su My-Trieu: Chien thang cua doi ben ngay tai ban dam phan
Tổng thống Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với quyết định tham dự hội nghị cấp cao Mỹ-Triều.

Rất nhiều lý do dẫn đến quyết định trên. Trước tiên, việc dàn xếp mà không có sự đối thoại là điều không thể. Phải có sự thỏa thuận ngầm, sự có mặt của bên thứ ba, và cuối cùng là mặt-đối-mặt giữa hai lãnh đạo.

Tổng thống Trump thừa thông tin tình báo về lãnh đạo các nước, trong đó có cả ông Kim Jong Un. Nhưng không phải lúc nào những thông tin này cũng cần sử dụng đến. Chỉ qua cuộc gặp trực tiếp, những suy nghĩ của các lãnh đạo đối nghịch mới thật sự hiện rõ.

Thứ hai, hầu hết các chính phủ đều có cách để “cài chế độ ẩn” những toan tính, sự chú ý của mình. Triều Tiên cũng vậy, với những tuyên bố rõ ràng về kế hoạch phát triển hạt nhân cũng như khả năng phóng tên lửa. Vì thế, đột phá ngoại giao thật sự không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, mà phải dựa trên quá trình xây dựng lòng tin, sự thay đổi dù rất nhỏ trong thái độ hai phía.

Nếu Tổng thống Trump hay lãnh đạo Kim mong chờ một thỏa thuận giải trừ vũ  khí hạt nhân triệt để, ngay lập tức sau cái bắt tay ngày 12/6 thì quả thực, họ sẽ thất vọng. Họ sẽ “thử thách” sự chân thành của đối phương, lòng tin cũng như từng bước nỗ lực ngoại giao đạt được sau đó.

Thứ ba, không có kẻ thù nào là xấu hoàn toàn và không thể thương lượng được. Thực tế, điều các bên cần hiểu rõ là họ sẽ đối thoại với ai.

Hoi nghi lich su My-Trieu: Chien thang cua doi ben ngay tai ban dam phan
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay ông Kim Yong Cho, Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên khi ông này đến Mỹ vài tuần trước - Ảnh: Getty Images

Thứ tư, cuộc gặp trực tiếp với người đại diện cho phía đối đầu không có nghĩa đó là sự nhân nhượng. Thay vào đó, đây là cơ hội để có những ý tưởng và động lực tốt hơn để khám phá liệu có khả năng cho một thỏa thuận nào đó hay không. Nếu không có một cuộc gặp, nguy cơ về sự hiểu nhầm sẽ gia tăng, những lời lẽ đe dọa cũng tăng theo, và nỗ lo chiến tranh còn đó.

Và điều quan trọng nhất không phải hành động gặp gỡ trực tiếp, mà điều được quan tâm là thái độ từ đôi bên.

Cuộc gặp này dù có nhiều thông tin “gây nhiễu” trước đó trên truyền thông, nhưng rõ ràng, điều mà giới quan sát phải công nhận là có một sự chuẩn bị xuyên suốt, trong thời gian dài, thông qua những kênh liên lạc giữa Mỹ và Triều Tiên.

Nhiều phân tích cho rằng cuộc gặp ngày 12/6 chỉ là cột mốc lịch sử công khai. Phía sau đó sẽ còn rát nhiều cuộc đàm phán khác mà không hẳn ai cũng tường tận. Điều quan trọng nhất là cuối cùng cũng có ngày hội nghị cấp cao Mỹ-Triều diễn ra, với sự có mặt của tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên.

Anh Thông (Theo Foreign Policy)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI