Hội nghị G20, riêng Mỹ vẫn quay lưng với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

02/12/2018 - 09:23

PNO - Lãnh đạo 19 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina đã nhất trí nhiều vấn đề trong đó thương mại, di cư và hiệp định khí hậu Paris, riêng Mỹ vẫn bảo lưu ý kiến về chống biến đổi khí hậu.

Qua nhiều vòng đàm phán khó khăn, trong đó có những buổi làm việc thâu đêm, nhóm G20 hôm 1/12 nhất trí “sửa chữa lại hệ thống thương mại thế giới”. Trong khi 19 nước nhất trí ủng hộ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu (CBĐKH), Mỹ là nước duy nhất đứng ngoài cuộc.

Hoi nghi G20, rieng My van quay lung voi cuoc chien chong bien doi khi hau
 

Sau khi các nhà ngoại gia làm việc xuyên đêm thứ Sáu cho đến sáng thứ Bảy (giờ địa phương) trong bối cảnh có sự chia rẽ sâu sắc giữa các quốc gia thành viên, cuối cùng, hội nghị cũng đạt được một tuyên bố chung không mang tính ràng buộc. Một quan chức châu Âu cho biết, có lúc họ nghĩ rằng “tất cả đã thất bại”, vì nhiều lần các nhà đàm phán tranh cãi đến 2 giờ sáng chỉ để đi đến thống nhất một câu trong tuyên bố chung.

Cả hội trường đứng dậy vỗ tay chào mừng sự thành công của hội nghị, khi nguyên thủ 20 nước ký vào tuyên bố cuối cùng sau hai ngày thảo luận căng thẳng.

Tuyên bố chính thức của hội nghị thừa nhận những “thiếu sót” trong thương mại toàn cầu và kêu gọi cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới. Các nhà đàm phán cho biết tuyên bố không đề cập đến thuật ngữ “chủ nghĩa bảo hộ” vì họ gặp phải sự phản kháng từ phía Mỹ.

Theo các quan chức Liên minh châu Âu, Washington đã trì hoãn hầu hết mọi vấn đề, và Tổng thống Trump không chỉ lên tiếng chỉ trích WTO, ông còn chủ trương các chính sách thương mại nhắm vào Trung Quốc và EU.

Hoi nghi G20, rieng My van quay lung voi cuoc chien chong bien doi khi hau
 

Quan hệ thương mại căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bao trùm không khí hội nghị thượng đỉnh tại Buenos Aires, trong khi các nước châu Âu thì tìm cách hòa giải. Châu Âu “thu gọn” kỳ vọng của mình, tránh đề cập đến sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ như là một cử chỉ nhượng bộ Mỹ.

Phần nói về Hiệp định khí hậu Paris, 19 nước đã ký văn bản này đều nhắc lại cam kết của mình, riêng Mỹ vẫn quyết định rút lui.

Về nội dung di cư, các quan chức châu Âu cho biết các nhà đàm phán Mỹ đặc biệt nhấn mạnh vấn đề này, vì vậy, họ nhất trí thừa nhận dòng người di cư ngày càng gia tăng và tầm quan trọng của những nỗ lực chung để hỗ trợ người tị nạn và giải quyết các vấn đề khiến họ phải bỏ xứ.

Tuyên bố chung cũng thể hiện cam kết duy trì "trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc". Mặc dù tuyên bố chung không có hiệu lực về pháp lý, nhưng các nước châu Âu coi đó là bằng chứng cho thấy G20 vẫn còn phù hợp và chủ nghĩa đa phương vẫn hoạt động.

Hội nghị thượng đỉnh G20 tiếp theo sẽ được tổ chức tại Osaka, Nhật Bản, vào tháng 6/2019.

Thiện Đạo (Theo Huffington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI