Hãng tin Global News dẫn lời Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada Steven Guilbeault cho biết, hội nghị COP15 năm nay đang nỗ lực hướng tới một thỏa thuận toàn cầu nhằm bảo vệ phần lớn diện tích đất và biển trên thế giới trong ngày làm việc cuối cùng, dự kiến kết thúc trong ngày 19/12. Cũng theo ông Guilbeault, các bên đàm phán ở Montreal đang nghiên cứu bản dự thảo của thỏa thuận để huy động hàng trăm tỉ USD tài trợ cho các cam kết.
|
Bộ trưởng Môi trường và Sinh thái Trung Quốc Hoàng Nhuận Thu (trái) và Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada Steven Guilbeault (phải) tại Hội nghị COP15 ở Montreal, Canada |
Về phía Trung Quốc, Bộ trưởng Môi trường và Sinh thái Hoàng Nhuận Thu (Huang Runqiu) đã công bố bản dự thảo nói trên, được đặt tên là dự thảo khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal, theo tên các thành phố chủ nhà của hội nghị, vào sáng ngày 18/12 vừa qua.
Dự thảo này tiếp tục duy trì mục tiêu từ trước là đảm bảo rằng khoảng 30% “diện tích đất liền, nước trong đất liền, khu vực ven biển và các vùng biển, đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với chức năng và sự vận hành của hệ sinh thái và đa dạng sinh học”, được bảo tồn một cách hiệu quả đến năm 2030.
Theo đó, thỏa thuận cũng bao gồm việc công nhận các lãnh thổ của cư dân địa phương, cùng với cam kết huy động ít nhất 200 tỉ USD mỗi năm từ cả các nguồn tài chính công và tư nhân để tài trợ cho các hoạt động bảo vệ thiên nhiên, đồng thời cắt giảm các khoản chi tiêu có hại với môi trường ít nhất 500 tỉ USD đến năm 2030.
Bản dự thảo hoàn chỉnh được công bố sau gần 2 tuần làm việc giữa 196 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia công ước đa dạng sinh học của Liên hợp quốc. Các bên tham gia đàm phán đều đang tìm kiếm một thỏa thuận mới để ngăn chặn sự tàn phá của con người đối với thiên nhiên, cũng như bắt đầu khôi phục lại những gì đã mất.
Theo số liệu ước tính của Liên hợp quốc, 3/4 diện tích đất đai trên thế giới đã bị thay đổi bởi các hoạt động của con người, hậu quả là khoảng một triệu loài phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong thế kỷ này. Bộ trưởng Guilbeault cho biết, ý nghĩa tiềm năng của thỏa thuận này có thể được so sánh với thỏa thuận biến đổi khí hậu ở Paris vào năm 2015.
Bộ trưởng Guilbeault chia sẻ với các phóng viên bên lề cuộc họp, trong lúc các nhà đàm phán tranh luận: “Sáu tháng trước, chúng tôi thậm chí còn không biết liệu có tổ chức COP năm nay hay không, chứ đừng nói đến thỏa thuận Paris về đa dạng sinh học, giờ đó thực sự là mục tiêu chúng tôi đang hướng tới.”
Cụ thể, thỏa thuận đề xuất các nước phát triển cam kết cung cấp cho các nước đang phát triển ít nhất 20 tỉ USD mỗi năm đến năm 2025, sau đó là 30 tỉ USD mỗi năm đến năm 2030. Nhưng Bộ trưởng Môi trường Colombia Maria Susana Muhamad Gonzalez cho rằng con số cuối cùng sẽ lên tới từ 30 tỉ đến 100 tỉ USD mỗi năm.
Bà Gonzalez chia sẻ: “Chúng tôi đã đạt được các mục tiêu chính mà không gặp phải sự phản đối chung nào, nên tôi lạc quan cho rằng chúng tôi đã đạt được một bước tiến rất quan trọng.”
Ông Virginijus Sinkevicus, Ủy viên châu Âu về môi trường, cho biết văn bản dự thảo này thể hiện một “sự thỏa hiệp” và là một “tài liệu chắc chắn mà chúng tôi có thể làm việc trên đó”. Nhưng ông lưu ý, thỏa thuận vẫn cần được tăng cường, nhất là khi chưa có mục tiêu bằng số nào cho các nhiệm vụ tối hậu, bao gồm việc ngăn chặn cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 của các loài do con người gây ra vào năm 2050, cũng như tăng sự đa dạng sinh học của các loài hoang dã bản địa.
Ông Sinkevicus cho hay: “Chúng ta có thể thấy rõ tham vọng ngày càng tăng trong việc huy động nguồn lực tài chính, nhưng sau đó, vẫn chưa có số liệu cụ thể nào được đặt ra cho các nhiệm vụ trọng tâm, và điều đó tất nhiên, rất có vấn đề đối với khuôn khổ sẽ có hiệu lực vào năm 2030.” Nguồn quỹ cho dự thảo có thể được lấy từ Quỹ Môi trường Toàn của các nước châu Âu và G7, bao gồm cả Canada.
Ông Brian O’Donnell, Giám đốc tổ chức Chiến dịch vì Thiên nhiên, cho biết văn bản này sẽ là “cam kết lớn nhất thế giới về bảo tồn đa dạng sinh học” nếu được thông qua. Ông O’Donnell đánh giá cao việc văn bản bao gồm các quyền của cư dân bản địa, điều có thể báo trước “sự khởi đầu của một kỷ nguyên bảo tồn đa dạng sinh học mới, trong đó bao gồm các quyền và sự lãnh đạo của người dân địa phương.”
Ông Eddy Perez của Mạng lưới Hành động Khí hậu Canada đã mô tả đây là một hiệp định “đầy tham vọng” nhằm gây áp lực lên các quốc gia phát triển về mặt tài chính. Theo ông Perez, Trung Quốc đang thuyết phục thế giới rằng: “Nếu chúng ta muốn thực hiện nhiều hành động bảo vệ đa dạng sinh học hơn ở cấp độ quốc tế, chúng ta cũng cần nhiều nguồn lực hơn.”
Năm nay, Trung Quốc là Chủ tịch của COP15, nhưng hội nghị đã được chuyển đến Canada do cuộc chiến chống COVID-19 đang diễn ra ở Trung Quốc. Trong cuộc họp báo chung vào chiều 17/12, cả Bộ trưởng Hoàng Nhuận Thu và Bộ trưởng Steven Guilbeault đều bày tỏ tin tưởng về khả năng đạt được thỏa thuận chung.
Trường An (theo Global News)