Hội nghị An ninh Munich nơi Mỹ và châu Âu tìm kiếm sự hòa giải

10/02/2017 - 12:03

PNO - Nguồn tin chính thức của chính phủ Đức hôm 10/2 cho biết Thủ tướng Angela Merkel sẽ dự Hội nghị An ninh Munich từ 17-19/2, tại đây bà lần đầu tiên hội kiến với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence.

Cũng tại Munich, các quan chức ngoại giao và quốc phòng châu Âu sẽ có cơ hội đối thoại về chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với an ninh khu vực cũng như thế giới với tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Hoi nghi An ninh Munich noi My va chau Au tim kiem su hoa giai
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã chấp nhận lời mời tham dự Hội nghị An ninh Munich - Ảnh: White House

Nhà Trắng tuần qua cho biết, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã chấp nhận lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh ở Munich, một sự kiện quan trọng diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang bấp bênh, sau khi Tổng thống Donald Trump chỉ trích các chính sách của bà Merkel và coi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một liên minh quân sự “lỗi thời”.

Lần cuối cùng bà Merkel tham dự Hội nghị An ninh Munich thường niên là vào năm 2015. Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Trump ngày 29/1 vừa qua, bà đã nói với người đồng nhiệm Hoa Kỳ rằng cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu không phải là lý do để cấm người tị nạn hoặc những người từ các quốc gia người Hồi giáo chiếm đa số nhập cảnh vào Mỹ.

Cuộc hội kiến sắp tới với Phó Tổng thống Pence tại Munich sẽ là lần đầu tiên bà Merkel gặp một quan chức cấp cao của chính quyền Trump. 

Hoi nghi An ninh Munich noi My va chau Au tim kiem su hoa giai
Thủ tướng Đức Angela Merkel tham dự cuộc họp báo ngày 7/2 ở Warsaw, Ba Lan - Ảnh: Reuters

Hội nghị An ninh Munich được coi là một trong những cuộc họp quan trọng nhất thế giới về chính sách đối ngoại và an ninh. Chủ tịch Hội nghị, nhà ngoại giao Đức Wolfgang Ischinger cho biết những người tham gia sự kiện này sẽ thảo luận về tương lai mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, NATO và EU, cuộc khủng hoảng Ukraine, quan hệ với Nga và cuộc chiến ở Syria.

Việc ông Trump đắc cử Tổng thống khiến một số đồng minh của Mỹ lo lắng, họ từng cảnh giác theo dõi các tuyên bố của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, cũng như nay là loạt sắc lệnh gây tranh cãi ông ký trong hai tuần đầu tiên ở Nhà Trắng. 

Không phải ngẫu nhiên, ngày 6/2 Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Anh nói rằng Tổng thống Trump không được hoan nghênh tại cơ quan lập pháp này. Trong khi đó, tạp chí Der Spiegel của Đức, ấn phẩm từng đăng trang bìa hình Tổng thống Trump “chặt đầu Nữ thần Tự do” gây tranh cãi, lên tiếng kêu gọi nước Đức lãnh đạo lực lượng đối lập toàn cầu đối phó với vị Tổng thống "nguy hiểm".

Nhà Trắng hôm 5/2 cho biết Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với NATO và đồng ý dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels tháng Năm tới. Các động thái mới của chính quyền Mỹ cho thấy Washington mong muốn hòa giải với châu Âu và NATO, và Hội nghị An ninh Munich sắp tới có thể coi là bước đi đầu tiên của hai bên sau những căng thẳng phát sinh sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

HOÀNG DIỆU (Theo Reuters, CNN, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI