Buổi kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM dự kiến được tổ chức vào tháng 4/2021 nhưng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến nay, sự kiện mới được diễn ra.
Trong không gian ấm cúng, gần gũi tại Hội trường Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố, nhiều thế hệ nghệ sĩ múa các thời kỳ tề tựu, tay bắt mặt mừng ôn lại những câu chuyện đã cũ dần theo năm tháng.
Về không khí, sự kiện không khác với những buổi kỷ niệm dịp 20 hay 25 năm thành lập, nhưng lần hội ngộ này đặc biệt xúc động hơn bởi sau khi thành phố trải qua đợt cao điểm dịch, việc mọi người còn khoẻ mạnh để gặp gỡ, hàn huyên tâm sự là niềm may mắn khó diễn tả thành lời. Họ gặp nhau cười đùa, nói lời chúc sức khoẻ và rưng rưng vì còn được thấy nhau.
|
Những tiết mục múa ấn tượng của các nghệ sĩ trẻ được trình diễn trong buổi họp mặt |
Mặc dù có soạn trước bài phát biểu thật dài, thật chi tiết về cột mốc 30 năm nhưng ông Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM không nhìn “kịch bản” mà tâm sự với các thế hệ nghệ sĩ múa, khách mời bằng những lời chân tình, gần gũi.
Ông nói 30 năm qua kể từ ngày thành lập, Hội luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố để từ đó đặt ra nhiệm vụ cụ thể cho từng năm, từng quý nhằm góp phần xây dựng đời sống văn học nghệ thuật của thành phố ngày càng khởi sắc với nhiều chương trình, vở diễn, nhiều tác phẩm đạt chất lương cao. Ông dành lời cảm ơn chân thành đến nghệ sĩ múa các thời kỳ và những thành viên hiện tại vì đã nỗ lực, cống hiến thầm lặng cho nghề.
Ngoài ra, ông lấy làm vui vì Hội đã và vẫn đang thực vai trò “bà đỡ” để hỗ trợ những lớp nghệ sĩ trẻ tài năng, giúp các bạn trẻ sáng tạo nên những tác phẩm múa thể hiện góc nhìn mới sáng tạo, tiệm cận hơi thở đời sống đương thời.
Trong giai đoạn tới, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM kỳ vọng Hội có những hoạt động sôi nổi hơn, sớm triển khai được các kế hoạch như dự định nhằm đưa văn hoá nghệ thuật nói chung và nghệ thuật múa nói riêng của thành phố trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước… Nhưng trước khi đạt được những thành tựu mới, ông Lê Nguyên Hiều mong mọi người giữ sức khoẻ, giữ niềm vui sống và tạm gác những điều chưa vui, chưa trọn vẹn ở năm cũ để đón mùa xuân mới bình an, hạnh phúc.
|
NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thuý, Phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao TPHCM trao bằng khen cho 3 tập thể xuất sắc gồm: Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM và Vũ đoàn Mai Trắng |
Tại buổi họp mặt, nghệ sĩ ưu tú Thanh Thuý - Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao TPHCM cho biết những đóng góp của tập thể nghệ sĩ múa trong suốt chiều dài lịch sử đã được nhà nước và nhân dân ghi nhận. Trong thời gian qua, đặc biệt khi TPHCM bước vào cao điểm dịch, những nghệ sĩ múa tạm gác công việc chuyên môn, hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người dân và lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao thành phố kỳ vọng trong thời gian tới, Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM tiếp tục có những hoạt động chất lượng, ý nghĩa nhằm đóng góp vào bức tranh văn hoá nghệ thuật chung của thành phố.
|
Một số hình ảnh tư tiệu các tiết mục cũng được trưng bày |
Nhân dịp họp mặt, UBND Thành phố trao tặng bằng khen cho 3 tập thể và 10 cá nhân đã có những đóng góp xuất sắc cho nghệ thuật múa nói riêng và hoạt động văn hoá nghệ thuật nói chung trong thời gian qua. 3 tập thể được tuyên dương gồm Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM và Vũ đoàn Mai Trắng.
Các nghệ sĩ được UBND Thành phố khen thưởng gồm: NSƯT Bùi Xuân Hanh, NSND Đặng Hùng, NSND Tô Nguyệt Nga, NSND Hoàng Phi Long, NSND Vũ Việt Cường, NSND Trần Kim Quy, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Bá Thái, NSƯT Bùi Bích Nhật, NSƯT Nguyễn Thị Phi Yến và ông Nguyễn Thành Đức - Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM.
Tại sự kiện, Hội Nghệ sĩ Múa TPHCM cũng tổ chức trao Giải thưởng Tác phẩm nghệ thuật Múa năm 2021. Giải A được trao cho tác phẩm Chung một niềm tin chiến thắng (Vũ đoàn Mai Trắng), Sông cạn và Con đường hạnh phúc (cùng thuộc Công ty SCBC Việt Nam). Giải B thuộc về tác phẩm Mẹ và Quả (Vũ đoàn Mai Trắng), Niềm tin (Vũ đoàn Việt Hải) và Trường Sa màu biển đỏ (Vũ đoàn Viva). Giải C được trao cho Tổ khúc hồn quê (Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen), Sắc tình Tây Bắc (Vũ đoàn Bạch Dương) và Vọng (Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng).
Diễm Mi