Hội nghề nghiệp: Khoảng lệch tư duy

19/01/2018 - 18:27

PNO - Các tác phẩm đoạt giải thưởng hội nhà văn, hội nhạc sĩ… không đến được với quần chúng bởi chúng được viết ra, dàn dựng không phải cho quần chúng mà là để đi thi, tranh giải, kiếm huy chương.

Ở các nước tiên tiến, hội nghề nghiệp là nơi mọi người có cùng đam mê, sở thích, cùng hoạt động trong một lĩnh vực tìm đến để học hỏi, trao đổi chuyên môn, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình tác nghiệp cũng như bảo vệ nhau nếu có bất cứ vấn đề nào phát sinh. Cá nhân, đơn vị muốn tham gia hội cũng chỉ cần đáp ứng một số tiêu chí, không phải xin xỏ ai.

Quanh scandal tấn công tình dục chấn động Hollywood, các hội nghề nghiệp (hiệp hội diễn viên, điện ảnh, báo chí…) đã góp sức thu thập chứng cứ, mạnh mẽ lên tiếng để bảo vệ các nạn nhân, lôi thủ phạm ra ánh sáng.

Hoi nghe nghiep: Khoang lech tu duy
Chiến dịch phủ đen thảm đỏ Quả cầu vàng vừa qua cho tiếng nói nữ quyền, có sự tham gia rất lớn của Hiệp hội diễn viên Hoa Kỳ - một tổ chức về nghề nghiệp (điện ảnh) của Mỹ

Chiến dịch mặc trang phục đen dự lễ trao giải Quả cầu vàng hôm 7/1 nhằm phản đối nạn xâm hại tình dục được nhiều nghệ sĩ ủng hộ, chung lòng cũng có vai trò của Hiệp hội diễn viên Hoa Kỳ (SAG).

Trong rất nhiều năm qua, Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ vẫn kiên trì làm việc với chính phủ các nước (bao gồm cả Việt Nam) để yêu cầu có các động thái thích đáng nhằm ngăn chặn tình trạng phim lậu. Các quỹ hỗ trợ nghề nghiệp cũng sẵn sàng mở hầu bao cho các dự án nghệ thuật và ngược lại - được nhiều nghệ sĩ đóng góp tài chính.

Làm được những việc như vậy, bởi về mặt tư duy, các hội nghề nghiệp đã xem hội viên là lẽ sống - lý do tồn tại của mình. Ngay khi nữ diễn viên gốc Việt Junie Hoang đệ đơn khởi kiện tập đoàn Amazon và trang thông tin điện ảnh IMDb vì đã tiết lộ tuổi thật của cô, khiến cô gặp khó khăn trong nghề nghiệp, SAG đã ra thông cáo ca ngợi cô là người có quyết tâm và can đảm chống lại những đối xử bất công trong nghề nghiệp.

Tại Việt Nam, đơn vị hoạt động giống với các hội nghề nghiệp quốc tế nhất có lẽ là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Ngoài các khoản hỗ trợ của quốc tế, kinh phí hoạt động của VCPMC được trích từ khoản tiền tác quyền mà đơn vị này thu được thay mặt cho tác giả, dựa trên hợp đồng ủy thác của tác giả.

Đối với VCPMC, các tác giả chính là lẽ sống nên trong các vụ tranh chấp bản quyền âm nhạc, VCPMC đều tham gia xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, xác nhận. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định được quyền tác giả đối với ca khúc Vầng trăng khóc cũng nhờ chuyến đi cùng VCPMC sang tận Singapore.

Thế nhưng, các hội nghề nghiệp của chúng ta lại khác. Các hội vẫn thường được xem như cơ quan nhà nước, lãnh đạo hội được xem như quan chức, hoạt động chủ yếu dựa trên ngân sách (đóng góp của hội viên gần như không đáng kể).

Hoi nghe nghiep: Khoang lech tu duy
Các hội nghề nghiệp về âm nhạc tại Việt Nam thời gian qua gần như đứng ngoài lề các diễn biến của thị trường nhạc Việt

Kết quả dễ thấy: các hội chủ yếu phục vụ định hướng, tuyên truyền: thực hiện các chương trình, tác phẩm để tham gia hội diễn, liên hoan, nhân các dịp kỷ niệm… thay vì để chinh phục công chúng. Các tác phẩm đoạt giải thưởng hội nhà văn, hội nhạc sĩ… không đến được với quần chúng bởi chúng được viết ra, dàn dựng không phải cho quần chúng mà là để đi thi, tranh giải, kiếm huy chương.

Trong nhiều buổi làm việc với chính quyền, lãnh đạo các hội vẫn thường xuyên than thở về chuyện thiếu kinh phí, xin cấp xe, xin trụ sở… thay vì những kế hoạch đưa tác phẩm đến công chúng hoặc phát triển chuyên môn.

Những trại sáng tác, các kỳ liên hoan, hội thảo… bị xem là phương thức để giải ngân, để báo cáo hoàn thành nhiệm vụ. Không có gì ngạc nhiên khi những hội viên cũng mang cùng tư duy - mọi việc phải chờ hỗ trợ, chờ kinh phí như ý kiến của nhạc sĩ Trần Viết Bính. Ông Bính không hề biết hay không muốn biết rằng những tác phẩm được công chúng đón nhận, từ những tác giả ăn khách đều được các đài truyền hình chủ động thực hiện, trả tiền để được phát?

Bao giờ chúng ta chưa thay đổi được tư duy “nhà nước”, xem các hội như là nơi để tranh quyền hoặc kiếm chác, chưa xem hội viên và công tác chuyên môn là hoạt động chính thì các hội vẫn sẽ xa rời công chúng, xa rời chính hội viên và sẽ vẫn như món trang trí trên bàn tiệc văn hóa mà nếu không có cũng chẳng sao. Hoặc nói cho đúng hơn: không có thì tiết kiệm hơn và ít bực bội hơn. 

Đạo diễn Nhâm Minh Hiền

Tôi gia nhập Hội Điện ảnh TP.HCM cách đây rất lâu và có một thời gian gián đoạn sinh hoạt vì chuyển công tác lên Đà Lạt, nhưng sau khi trở về TP.HCM, tôi lập tức trở lại với hội vì cảm nhận rất rõ lợi ích của hội với nghề nghiệp của mình. Mỗi năm hội đều tổ chức những chuyến đi thực tế sáng tác, những buổi học nâng cao nghiệp vụ với khách mời nước ngoài mà nếu không phải là hội viên sẽ không có cơ hội tham gia.

Hoi nghe nghiep: Khoang lech tu duy
 

Kịch bản bộ phim Những khúc sông dậy sóng tôi làm, đang được phát sóng, cũng xuất phát từ một lớp học viết kịch bản do hội tổ chức mà nhờ tham gia lớp tôi mới có dịp tiếp cận để làm thành phim. Một lợi ích nữa là hội sẽ hỗ trợ trong việc giới thiệu để xét tặng các danh hiệu, vì theo quy trình, những danh hiệu do Nhà nước trao tặng đều phải đi từ cấp cơ sở giới thiệu.

Dù có nhiều quan điểm khác nhau về việc gia nhập hội, tôi vẫn thấy hội cần thiết cho công việc của mình. Với những ý kiến cho rằng hội chẳng làm gì để giúp anh chị em nghệ sĩ khi họ bị quỵt tiền cát-sê, tôi nghĩ với vai trò là một hội nghề nghiệp, Hội Điện ảnh TP.HCM không có quyền bắt buộc nhà sản xuất phải trả tiền mà chỉ lên tiếng đề nghị.

Diễn viên Oanh Kiều

Hoi nghe nghiep: Khoang lech tu duy
 

Tôi được biết nếu gia nhập hội thì sẽ có cơ hội được mời tham dự các giải thưởng hoặc được hỗ trợ xét duyệt phong danh hiệu gì đó. Tôi không quan tâm nên chưa nghĩ đến chuyện trở thành hội viên, dù cũng có nhiều người rủ nộp đơn xin gia nhập. Làm nghề lâu nay, tôi thấy mình không là hội viên cũng không sao. Cũng có thể do tôi có ít thông tin về những hoạt động của hội nên không nhận thấy sự quan trọng của hội.

Hương Nhu (ghi)

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI