Hội LHPN TPHCM và bước chuyển lớn trong ứng dụng công nghệ thông tin

13/06/2024 - 06:07

PNO - Ứng dụng công nghệ thông tin được Hội LHPN TPHCM xác định là một trong những khâu đột phá khi thực hiện nhiệm vụ của hội ở nhiệm kỳ 2021-2026. Ghi nhận của phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, trong nửa nhiệm kỳ qua, đặc biệt là khoảng thời gian 6 tháng đầu năm nay, Hội LHPN các cấp tại TPHCM đã tạo được sự thay đổi lớn, tích cực trong hoạt động hội nói chung và phát triển các phong trào hội.

Vừa là sân chơi, vừa tuyên truyền, học tập

Trong số phát sóng trực tiếp (live stream) ngày 16/4 vừa qua, chương trình “Điểm hẹn thứ 3” của Hội LHPN quận 4 đã đưa người xem đến với câu chuyện khởi nghiệp của chị Trần Thị Thúy Vi - người phụ nữ khuyết tật chân, chủ cơ sở tranh giấy xoắn Alice.

Bắt đầu chương trình, chị Ngô Như Ngọc - Phó chủ tịch Hội LHPN quận 4 - xuất hiện với vẻ ngoài rất khác nhờ đôi bông tai ấn tượng được làm từ giấy xoắn. Khán giả chưa kịp thắc mắc, chị đã giới thiệu những đôi bông tai đủ kiểu của Alice được bày trước mặt mình, kèm theo thông tin khuyến mãi hấp dẫn. 1 đôi bông tai được làm từ giấy xoắn (đã chống thấm) có giá bán là 40.000 đồng (giá gốc 50.000 đồng) và miễn phí giao hàng cho bất kỳ khách hàng nào trên địa bàn quận 4 đặt hàng trên sóng live stream. Ngoài bông tai, khách hàng còn có thể mua các sản phẩm thiệp và tranh giấy xoắn của Alice với giá ưu đãi từ 5.000-20.000 đồng.

Chương trình  live stream “Điểm hẹn thứ 3” của Hội LHPN quận 4
Chương trình live stream “Điểm hẹn thứ 3” của Hội LHPN quận 4

Từ các sản phẩm vừa nêu, câu chuyện về người phụ nữ nghị lực Trần Thị Thúy Vi được mở ra. Năm lên 3, sau cơn sốt bại liệt, Vi phải ngồi xe lăn. Không đầu hàng số phận, hằng ngày cô bé Vi vẫn đến trường học tập và cố gắng học thật tốt. Chuẩn bị tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Vi dự tính sẽ làm thiết kế đồ họa cho một công ty nào đó.

Thế nhưng, trong một lần tham gia cuộc thi sáng tạo mỹ thuật do Câu lạc bộ Sáng tạo của trường tổ chức, Vi đạt giải Nhất với bức tranh phong cảnh về một người phụ nữ gánh hàng hoa được cắt dán bằng giấy màu. Bức tranh có người đặt mua với giá 350.000 đồng. Sau cuộc thi, Vi có ý định sẽ mở một cơ sở tranh giấy để hướng dẫn những người đồng cảnh ngộ có việc làm nuôi sống bản thân. Ước mơ của chị đã thành hiện thực ngay sau khi tốt nghiệp.

Không chỉ chia sẻ quá trình thành lập, vận hành cơ sở tranh giấy xoắn, chị Vi cũng cho khán giả thấy cách chị sắp xếp thời gian, phân công công việc trong gia đình để xây dựng một mái ấm hạnh phúc.

Thông qua live stream, người đặt bông tai, người mong được xem nhiều hơn các sản phẩm, nhiều người ngưỡng mộ bà chủ Alice… Chương trình có 1.800 lượt xem, chia sẻ và 183 bình luận.

Từ chương trình, Hội LHPN quận 4 muốn gửi đến khán giả, hội viên phụ nữ nhiều thông điệp. Câu chuyện khởi nghiệp của chị Thúy Vi chính là thông điệp ý nghĩa mà quận 4 muốn gửi đến những người không may mắn nhân kỷ niệm ngày Người khuyết tật 18/4. Với những hội viên đang ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp, thông điệp sẽ là: hãy mạnh dạn theo đuổi đam mê! Và chương trình còn cho thấy, Hội LHPN quận 4 đã hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ trong việc giới thiệu những sản phẩm khởi nghiệp.

Chương trình “Điểm hẹn thứ 3” vừa nêu được Hội LHPN TPHCM trao giải Nhất cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tổ chức sinh hoạt hội”. Về ý tưởng thực hiện, chị Ngô Như Ngọc cho biết, hiện nay mạng xã hội thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt có gần 76 triệu người Việt Nam tham gia nền tảng Facebook, chiếm hơn 70% dân số. Riêng fanpage Phụ nữ Quận 4 hiện có hơn 7.000 người theo dõi. Hội LHPN quận nhận thấy cần có giải pháp để thu hút cán bộ, hội viên, phụ nữ thông qua kênh này.

Thế là “Điểm hẹn thứ 3” ra mắt từ tháng 2/2023, thực hiện định kỳ vào thứ Ba của tuần thứ ba hằng tháng với hình thức live stream trên fanpage Phụ nữ Quận 4 và được chia sẻ trên fanpage của các cấp hội trên địa bàn.

Đến nay, chương trình đã thực hiện được 15 kỳ, thu hút hơn 26.000 lượt theo dõi và hơn 10.000 lượt tương tác (bình luận, thích, chia sẻ…). Thông qua các buổi live stream, Hội LHPN quận 4 đã lồng ghép giới thiệu hoạt động hội, triển khai phong trào thi đua, cuộc vận động, chủ đề năm… và giới thiệu 5 sản phẩm, 7 câu chuyện khởi nghiệp.

“Điểm hẹn là sân chơi, là nơi để cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân ngồi ở nhà cũng vẫn có thể gặp gỡ, giao lưu với những câu chuyện khởi nghiệp, những tấm gương, mô hình tiêu biểu. “Điểm hẹn thứ 3” được 15 cơ sở và 51 chi hội khu phố lựa chọn làm nội dung sinh hoạt định kỳ” - chị Ngô Như Ngọc thông tin.

Đẩy mạnh việc học Bác trên không gian mạng

Cán bộ Hội LHPN quận 8 tham gia cuộc thi  “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội”
Cán bộ Hội LHPN quận 8 tham gia cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội”

Tương tự, từ đầu năm 2024, hội viên phụ nữ quận 7 dù ở nhà hay ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có kết nối internet là có thể dạo xem những bộ sách di sản Hồ Chí Minh, các tác phẩm tiêu biểu của Bác và các video về Bác. Chỉ cần vài thao tác đơn giản là các dì, các chị đã có thể “ghé thăm” Bảo tàng Hồ Chí Minh, khu di tích Kim Liên bằng những hình ảnh 3D sống động.

Bên cạnh đó, “Chuyên mục nhà hội” là kho tư liệu chứa đựng tất cả các hoạt động hội diễn ra trên địa bàn. Tất cả được gói gọn trong ứng dụng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên nền tảng số” do Hội LHPN quận 7 thiết kế, xây dựng.

Bà Huỳnh Nguyệt Ánh - Chủ tịch Hội LHPN quận 7 - chia sẻ, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên nền tảng số được thực hiện với mục đích thúc đẩy việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời thực hiện chủ đề năm 2024 là “Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động hội”. Để “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên nền tảng số” thực sự lan tỏa đến đông đảo cán bộ, hội viên và nhân dân, hội đã triển khai đến 10 phường các áp phích tuyên truyền, hướng dẫn đăng nhập và phổ biến ứng dụng trực tiếp tại các trụ sở cơ quan tiếp dân của Hội LHPN quận và 10 phường, các điểm sinh hoạt chi hội khu phố, chi hội chung cư và triển khai trực tiếp qua các buổi họp mặt, hội nghị, tọa đàm, các hoạt động có đông đảo hội viên, phụ nữ tham dự.

Ngoài ra, hội còn chia sẻ ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội thông qua các đội nhóm, câu lạc bộ trên Zalo, Facebook, Instagram. Đến nay, toàn quận đã có hơn 64 lượt triển khai trực tiếp tại các cơ sở hội, chi hội với hơn 9.800 lượt biết đến ứng dụng và hơn 8.200 lượt tương tác, 2.673 lượt chia sẻ. Mô hình cũng đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao và trao giải Nhì cuộc thi “Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt hội” trong tháng Năm vừa qua.

Bà Huỳnh Nguyệt Ánh thông tin: “Thời gian tới, Hội LHPN quận 7 sẽ tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, bổ sung thêm các chuyên đề sinh hoạt, các nhiệm vụ trọng tâm, những hình ảnh thực hiện các phong trào thi đua, hoạt động hội vào “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên nền tảng số” và không ngừng đổi mới nội dung, tập trung triển khai phần mềm ứng dụng này đến cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân, để qua đó tạo sự lan tỏa sâu rộng từ thực tế đến không gian mạng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

100% cơ sở Hội đã xây dựng fanpage, mở rộng truyền thông

Thực hiện khâu đột phá của Đại hội Đại biểu phụ nữ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2026 là “Ứng dụng CNTT trong hoạt động hội” và chủ đề năm 2024 của Hội LHPN Việt Nam là “Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động hội”, các cấp hội tại TPHCM đã đề ra chỉ tiêu 100% Hội LHPN cấp huyện thành lập và sử dụng hiệu quả trang fanpage; triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động hội.

Cùng với đó, Hội LHPN TPHCM tổ chức các lớp tập huấn cho 100% cán bộ hội chuyên trách các cấp sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành, sử dụng các phần mềm cơ bản trong công tác hội, truyền thông trên không gian mạng, thành lập, duy trì các trang fanpage, nhóm Facebook, Zalo để trao đổi thông tin trong công tác. Đến nay, 22/22 Hội LHPN cấp quận, huyện, TP Thủ Đức và 310/310 cơ sở hội đã xây dựng, vận hành trang Facebook, fanpage phục vụ cho công tác tuyên truyền.

Dấu ấn talk show “Phụ nữ Thời đại mới” với cả trăm ngàn lượt xem

Cũng trong năm 2024, lần đầu tiên Hội LHPN TPHCM phối hợp với Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức chuỗi talk show với chủ đề “Phụ nữ thời đại mới”. Chương trình thảo luận, đề xuất giải pháp cho các vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra được giới nữ cũng như toàn xã hội quan tâm, ở đó có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia lĩnh vực, đầu ngành. Chương trình đã phát trực tiếp (live stream) trên kênh YouTube, trang Facebook (fanpage) và phiên bản điện tử Báo Phụ nữ TPHCM (phunuonline.com.vn), fanpage Hội LHPN TPHCM.

Đến nay, chương trình đã thực hiện được 2 chuyên đề, gồm: “Bài toán đào tạo việc làm cho phụ nữ tuổi trung niên” và “Cần một chính sách tổng thể để khuyến sinh”, thu hút tổng cộng hơn 100.000 lượt xem. Theo kế hoạch, chương trình sẽ được tiếp nối với các chuyên đề “Cán bộ, công chức xây dựng gia đình hạnh phúc thế nào?” (ngày 8/9) và “Phụ nữ tham gia phát triển kinh tế trong thời đại chuyển đổi số” (ngày 8/12).

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI