Hội LHPN TPHCM: Nỗ lực kết nối sản phẩm OCOP miền Trung

26/11/2024 - 06:03

PNO - Những sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền đang được Hội LHPN TPHCM nỗ lực kết nối, giúp phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Tham quan quy trình chế biến sản phẩm truyền thống

Trong khu nhà ở làng Bích Họa, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, mùi thơm của nước mắm dậy lên theo gió. Đây là cơ sở sản xuất của Hợp tác xã (HTX) Nước mắm Ngọc Lan. Thỉnh thoảng, các đoàn khách Tây từ Đà Nẵng, Hội An lại dừng xe ghé thăm và mua các loại sản phẩm như nước mắm, ruốc, cá khô.

Đoàn công tác của Hội LHPN TPHCM tham quan, tìm hiểu tại cơ sở sản xuất bánh dừa Bảo Linh
Đoàn công tác của Hội LHPN TPHCM tham quan, tìm hiểu tại cơ sở sản xuất bánh dừa Bảo Linh

Chị Lê Thị Ngọc Tầm - Giám đốc HTX Nước mắm Ngọc Lan - nói: “Tam Thanh là xã vùng biển của TP Tam Kỳ, từ khi sinh ra tôi đã thấy cả làng làm mắm. Nghề làm nước mắm và các sản phẩm từ cá đã có từ hơn 100 năm. Đời trước truyền nghề lại cho bà nội, bà nội truyền lại cho mẹ tôi là Ngọc Lan, rồi mẹ lại truyền cho tôi. Sản phẩm này là của gia đình cũng như của vùng đất mình sinh ra”.

Chị Lê Thị Ngọc Tầm cho biết thêm, chị từng có hơn 8 năm làm việc tại TP Đà Nẵng với công việc ổn định. Nhưng thấy ở quê, cha mẹ chật vật với nghề truyền thống, nên 3 năm trước chị đã trở về giúp cha mẹ. Và sự kiên trì, bền bỉ của chị đã mang lại những thành quả ban đầu.

Nước mắm Ngọc Lan trở thành cái tên quen thuộc hơn với nhiều người Quảng Nam. Hiện, nước mắm cá cơm Ngọc Lan được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn 3 sao OCOP, không sử dụng chất bảo quản và hương liệu, đảm bảo giữ nguyên hương vị của mắm và an toàn cho người sử dụng.

Theo chị Ngọc Tầm, từ trước đến nay, nước mắm Ngọc Lan được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Nguyên liệu chính là cá cơm than biển Tam Thanh và muối trắng.

“Để tạo ra nước mắm ngon thì phải chọn cá tươi, đều, vừa, không to quá cũng không nhỏ quá. Sau đó chọn muối loại hạt vừa, trắng, sạch. Trộn đều cá với muối theo tỉ lệ rồi ủ vào chum. Sau 10-12 tháng, nước chuyển qua màu cánh gián thì nước mắm sẽ được chắt lọc, đóng chai và đưa ra thị trường” - chị kể.

Hiện tại, chị Ngọc Tầm vẫn giữ nguyên công thức sản xuất truyền thống nhưng có cải tiến bao bì, đồng thời làm thêm nhiều sản phẩm phụ như ruốc, cá cơm khô… để dễ tiếp cận khách hàng.

HTX Nước mắm Ngọc Lan là một điểm dừng chân trong chương trình kết nối giao thương tại tỉnh Quảng Nam do Hội LHPN TPHCM tổ chức ngày 21 và 22/11 vừa qua. Ngoài ra, đoàn thực hiện chương trình kết nối giao thương còn trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP của TP Tam Kỳ.

Tại cơ sở bánh dừa Bảo Linh (phường Tân Thạnh), các đại biểu thích thú với chất lượng cũng như quá trình chế biến món đặc sản Quảng Nam này. Anh Phan Đình Tuấn - chủ cơ sở - cho biết, với truyền thống 30 năm, qua các thế hệ, cơ sở sản xuất bánh dừa nướng Bảo Linh ngày càng mở rộng quy mô để đáp ứng số lượng tiêu thụ lớn của khách hàng trong và ngoài nước. Hiện cơ sở đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại theo quy trình khép kín, đáp ứng nhu cầu sản xuất, gồm máy nướng bánh, lò xoay đối lưu khí, máy đóng gói tự động...

Từ năm 2019, bánh dừa nướng Bảo Linh được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Nam.
Một sản phẩm được tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao là “bột nhàu” của HTX Best One (phường An Phú).

Chị Bùi Thị Tuyết Nhung - Giám đốc HTX - cho biết, năm 2021, chị thành lập HTX, tập trung sản xuất, chế biến các sản phẩm từ trái nhàu, như nhàu lát khô, bột nhàu, trà nhàu túi lọc, viên nhàu, nhàu tươi ngâm mật ong, nước cốt nhàu, nước cốt nhàu vị dứa, rượu nhàu… cung cấp cho thị trường. Các sản phẩm từ trái nhàu có thể chữa các chứng bệnh đau nhức xương khớp, tiểu đường, cao huyết áp. Đến nay, sản phẩm đã phổ biến khắp miền Trung và xuất khẩu sang Mỹ.

Để có nguồn nguyên liệu, chị Tuyết Nhung cung cấp cây giống, phân bón để người nông dân trồng và thu mua lại quả nhàu. Đến nay, nguồn nguyên liệu được nhân rộng ra các huyện Tam Kỳ, Núi Thành, Đại Lộc.

Mở rộng thị trường cho hàng hóa trong nước

Tham dự chương trình kết nối giao thương tại tỉnh Quảng Nam, ngoài lãnh đạo Hội LHPN TPHCM, Ban Dân vận Thành ủy, Sở Công Thương, đại diện Hội LHPN TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, còn có 52 thương nhân các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM.

Chị Nguyễn Thị Huyền - tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền - chia sẻ: “Những chuyến kết nối như thế này giúp chúng tôi hiểu được nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến sản phẩm sạch. Đây là cơ hội để chị em tiểu thương kết nối trực tiếp với các cơ sở để đưa sản phẩm chất lượng về TPHCM”.

Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM, Trưởng đoàn công tác - cho hay, hoạt động nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; kết nối, mở rộng thị trường cho hàng hóa sản xuất trong nước; tìm kiếm nguồn hàng chất lượng cao, giá cả hợp lý để phục vụ thị trường TPHCM; hỗ trợ thương nhân, nữ doanh nhân kết nối nguồn cung ứng hàng hóa tại các tỉnh thành, phát triển thị trường, tiết giảm chi phí trung gian. Hoạt động cũng nhằm tạo điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình quản lý, sản xuất, kinh doanh giữa cán bộ, hội viên, phụ nữ TPHCM và tỉnh Quảng Nam.

Đây là năm thứ ba Hội LHPN TPHCM thực hiện chương trình. Trước đó, hội đã tổ chức kết nối giao thương tại tỉnh Đồng Tháp và Lâm Đồng.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI