Hội LHPN TPHCM: Bắt nhịp xu thế, làm mới phong trào

14/06/2024 - 06:13

PNO - Qua nửa chặng đường thực hiện các nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN TPHCM đã để lại nhiều dấu ấn trong phong trào và hoạt động hội. Nhiều hoạt động không chỉ lan tỏa đến hội viên, phụ nữ mà còn nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng.

Sinh hoạt hội không còn đọc - nghe báo cáo

Đầu tháng Sáu, Chi hội Phụ nữ khu phố 5, phường 1, quận 3 tổ chức sinh hoạt quý II. Buổi sinh hoạt thu hút được đông đảo chị em tham gia nhờ vào cách thức tổ chức mới lạ, không còn đọc - nghe báo cáo mà thay vào đó là xem phim và tổ chức thi trắc nghiệm online (trên điện thoại) gắn với nội dung phim liên quan đến các vấn đề gia đình như: giá trị văn hóa của gia đình, bí quyết vun đắp gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình…

Để mọi người có thể tham gia, từ nhiều ngày trước, bà Trần Thị Quế Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 5 - đã nhờ các bạn thanh niên và nhóm phụ nữ trẻ tuổi hỗ trợ các dì, các chị một số kỹ năng trên điện thoại.

Lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu diễu hành hưởng ứng “Tháng cùng phụ nữ hành động” lần I năm 2023
Lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu diễu hành hưởng ứng “Tháng cùng phụ nữ hành động” lần I năm 2023

Bà Trâm cho biết, chỉ mới 1-2 lần tổ chức sinh hoạt, chi hội đã nhận được phản hồi tích cực từ nhiều nhóm hội viên. Người trẻ thấy mình có trách nhiệm gắn kết với hội. Người lớn tuổi thích thú với hình thức sinh hoạt mới, vì được tận tình hướng dẫn sử dụng các tính năng trên điện thoại thông minh. Chi hội cũng đỡ áp lực với việc soạn thảo nội dung chương trình, báo cáo.

Nhìn chung, mọi người không cảm thấy ngán ngẩm khi phải ngồi hàng giờ liền để nghe đọc báo cáo. Cùng với việc thay đổi hình thức sinh hoạt, bà Trâm còn tận dụng các nhóm Zalo để chia sẻ các bài viết, tài liệu tuyên truyền từ hội cấp trên đến với hội viên và người dân.

Tại một buổi sinh hoạt khác, Chi hội Phụ nữ khu phố 2, phường 1, quận 3 lại tổ chức đan xen giữa 2 hình thức cũ và mới, nhưng nội dung có phần tiết giảm. Theo đó, phần thông tin về các vấn đề trọng tâm sẽ được triển khai nhanh để dành nhiều thời gian cho chị em xem phim tư liệu về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ rồi tổ chức hội thi trực tuyến.

Cách thức này được xem là khá mới mẻ đối với một buổi sinh hoạt phụ nữ ở cấp khu phố. Bà Nguyễn Hồng Phượng - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 2 - nhận định: nhiều chị em đã khá quen với hình thức thi trực tuyến thông qua các cuộc thi của Hội Phụ nữ các cấp.

Phong phú hoạt động hữu ích trên không gian mạng

Đại hội đại biểu Phụ nữ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2026 với chủ đề “Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển” đã mở đầu cho một chặng đường đầy nhiệt huyết, thể hiện mạnh mẽ ý chí tự lập, tự cường, khát vọng vươn lên của phụ nữ TPHCM.

Bà Đoàn Thị Cẩm Tú - Chủ tịch Hội LHPN quận 3 - cho biết, năm 2024 là năm thực hiện chủ đề “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội”, từ cấp chi hội đã nhanh chóng bắt nhịp xu hướng. Các buổi sinh hoạt chi hội định kỳ đã dần được thay đổi với các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin như gửi thư mời, tài liệu sinh hoạt qua các nhóm Zalo; dùng video để báo cáo tình hình hoạt động, tuyên truyền theo chủ đề; tổ chức hội thi trực tuyến trên Quizizz, My Aloha; tăng cường triển khai các hướng dẫn, tài liệu tuyên truyền qua Zalo, Facebook; tổ chức nhiều chuyên đề, hội thi trực tuyến…

Tận dụng lợi thế của không gian mạng để tập hợp phụ nữ, Hội LHPN quận 3 xây dựng kênh “Truyền thông hội” để điểm tin về những hoạt động nổi bật của hội, các sự kiện lớn của thành phố, của quận qua từng tháng bằng hình thức video. Kênh “Kết nối khởi nghiệp” của Hội LHPN quận 3 với hơn 1.200 thành viên tham gia cũng kết nối được 483 doanh nghiệp, hộ kinh doanh và giới thiệu trên 1.500 sản phẩm.

Cán bộ, hội viên phụ nữ quận 3 tham gia cuộc thi trực tuyến  “Tìm hiểu biển, đảo Việt Nam
Cán bộ, hội viên phụ nữ quận 3 tham gia cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu biển, đảo Việt Nam

Chuyên mục “Đọc sách cùng hội viên phụ nữ” ra mắt vào tháng 10/2022 được duy trì phát sóng vào thứ Hai hằng tuần. Bà Cẩm Tú cho biết thêm: “Qua các kênh tuyên truyền, kết nối nói trên, tin bài về hội đã thu hút 27.227 lượt người thích và theo dõi, hơn 5 triệu lượt tương tác. Trung bình mỗi ngày có hơn 500 lượt người tiếp cận các bài viết và xem video”.

Hội LHPN các quận, huyện khác như quận 7, quận 12 cũng triển khai các mô hình thu hút, tập hợp hội viên qua không gian mạng. Hội LHPN TP Thủ Đức ra mắt nhóm “Phụ nữ TP Thủ Đức yêu áo dài Việt Nam”. Hội LHPN TPHCM chủ động khai thác các nền tảng trực tuyến một cách sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả thông qua việc nâng cấp và vận hành fanpage (75.152 người theo dõi), YouTube (13.320 người đăng ký), Website (76.367 lượt người truy cập vào) của mình.

Nhiều hoạt động tuyên truyền cũng đã được Hội LHPN thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng tính tương tác, bắt kịp xu hướng phát triển của truyền thông hiện đại thông qua các hoạt động trực tuyến; xây dựng thư viện điện tử, tài liệu điện tử. Đến nay đã có 30% Hội LHPN cấp quận, huyện và cơ sở đã xây dựng, vận hành kênh YouTube, TikTok, zalo Official Account.

Bên cạnh đó, hội tiếp tục khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống đào tạo trực tuyến, phòng họp trực tuyến, phần mềm quản lý văn bản, phần mềm quản lý hội viên, góp phần giải quyết bài toán “hành chính hóa” trong công tác hội, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quản lý hội viên từ thành phố đến cơ sở.

Các thành tựu của TPHCM đều có vai trò, dấu ấn phụ nữ

Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Hội LHPN Việt Nam khóa XIII diễn ra ngày 13/6, Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc cho biết, các thành tựu đạt được của TPHCM ở mọi lĩnh vực công tác, ở mọi mặt đời sống xã hội, đều có vai trò, dấu ấn của phụ nữ.

Đã xuất hiện nhiều tấm gương của cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh và hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, trong đó có vai trò của nữ doanh nhân. Đội ngũ nữ trí thức thành phố đã đóng góp trí tuệ vào nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, y tế, công nghệ... Lực lượng nữ công nhân, lao động cũng góp sức mình vào lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất.

Các hoạt động ngày càng có hiệu quả của Hội LHPN TPHCM đã có giá trị cộng đồng, được đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đánh giá cao. Đó là Tháng cùng phụ nữ hành động, Ngày hội Nữ tu, Thương nhân làm công tác từ thiện xã hội, ngày Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, Triệu phần quà san sẻ yêu thương, chương trình Vòng tay yêu thương - Mẹ đỡ đầu…

Nhiều chỉ tiêu hoàn thành trước tiến độ

Đến tháng 6/2024, Hội LHPN TPHCM đã thực hiện đạt 8/8 chỉ tiêu theo lộ trình kế hoạch hoạt động năm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2022-2027; hoàn thành và hoàn thành trước tiến độ 10/11 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố, nhiệm kỳ 2021-2026. Nổi bật, có 4 chỉ tiêu đạt và vượt so với chỉ tiêu nhiệm kỳ, gồm: hằng năm vận động, hỗ trợ thêm 3.200 hộ gia đình đạt tiêu chí gia đình 5 không, 3 sạch, mỗi cơ sở hội đăng ký thực hiện 1 công trình/phần việc góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; phấn đấu trong nhiệm kỳ xây dựng ít nhất 50 mái ấm tình thương; hằng năm vận động, hỗ trợ thêm 3.200 hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo và ra khỏi diện cận nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 300 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh…

“Điểm sáng” trong phong trào, hoạt động hội

Trong nửa nhiệm kỳ, Hội LHPN TPHCM đã đề xuất Thành ủy và UBND thành phố ban hành nhiều chủ trương, chính sách trong công tác phụ nữ như: thành lập giải thưởng Nữ doanh nhân xuất sắc; tổ chức thực hiện tháng Cùng phụ nữ hành động vào tháng Mười hằng năm; hỗ trợ nguồn vốn đầu tư công để xây dựng mới Nhà văn hóa Phụ Nữ; giao 37,5 tỉ hỗ trợ thực hiện chương trình “Vòng tay yêu thương”.

Hội đã nâng chất giải thưởng Nguyễn Thị Định và trong năm 2022 đã xét trao tặng giải lần thứ VII; tổ chức thực hiện tháng Cùng phụ nữ hành động lần đầu vào tháng 10/2023; tiếp tục tổ chức ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp - sáng tạo”, chương trình “Cà phê khởi nghiệp”, hỗ trợ thành lập 9 hợp tác xã. Từ đầu nhiệm kỳ, các cấp hội đã hỗ trợ cho gần 35.000 hội viên phụ nữ vay vốn với hơn 207 tỉ đồng.
Đến nay, các cấp hội tại thành phố đã xây dựng được 441 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, trong đó có 89 không gian tại các cơ sở tôn giáo, 31 không gian tại các khu nhà trọ, 25 không gian tại các chung cư…

Thu Lê

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI