Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh: Giúp "cần câu" cho hội viên

16/09/2015 - 16:14

PNO - Trong 5 năm qua, Hội LHPN các cấp đã tư vấn, hướng nghiệp cho 112.233 chị em, giới thiệu việc làm cho 85.050 hội viên, phụ nữ (HV, PN).

Sáng nay, 16/9, Hội LHPN TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”. Trong 5 năm qua, Hội LHPN các cấp đã tư vấn, hướng nghiệp cho 112.233 chị em, giới thiệu việc làm cho 85.050 hội viên, phụ nữ (HV, PN).

Tự tin khi có nghề

Khoe xấp ảnh chụp hàng trăm món ăn mà nhóm nấu ăn Ngọc Anh đã thực hiện và phục vụ thực khách, cô Trần Thị Mỹ (P.11, Q.Tân Bình), chủ nhóm bồi hồi nhớ lại những ngày cơ cực khi phụ bếp ở những đám tiệc năm nào.

Cô Mỹ kể: “Vất vả, cực khổ và bận rộn vô cùng. Thấy đầu bếp đứng nấu nướng, chiên xào, sắp đặt các món ăn mà… thèm, nhưng nhà khó khăn quá, muốn nấu thử một món cũng phải nghĩ đến hai chữ “tiền đâu”, nên làm sao có thể mơ ngày mình thành thợ nấu”.

“Bước ngoặt” cuộc đời cô Mỹ bắt đầu khi cô tham gia lớp học nấu ăn thuộc đề án hỗ trợ PN học nghề, tạo việc làm do Hội PN quận tổ chức. Lúc hoàn thành khóa học, hay tin được nhận năm triệu đồng vốn để bắt tay vào nghề, cô vui mừng “muốn xỉu”.

Số tiền vừa vặn để cô Mỹ mua bếp, vật dụng nấu ăn. Cũng nhờ HV, PN truyền tin, cô Mỹ đã nhận đơn hàng đầu tiên là ba bàn tiệc trong xóm. Ba ngày liền, cô Mỹ, người chị và con gái cùng bắt tay vào tiệc. Bữa tiệc thành công, tiếng lành vang khắp xóm, cô liên tục nhận nhiều đơn hàng nho nhỏ như vậy.

Hoi LHPN TP. Ho Chi Minh: Giup
Cô Trần Thị Mỹ sử dụng hình ảnh món ăn do mình sáng tạo giới thiệu đến khách hàng

Tranh thủ thời cơ, cô Mỹ đầu tư phát triển đa dạng món ăn các miền. Song song với những món ăn quen thuộc, cô thử nghiệm tạo nhiều món mới. Nhờ vậy, nhóm nấu ăn của cô thu hút nhiều khách hàng.

Sau khi hoàn trả số tiền vay ban đầu, cô Mỹ tiếp tục nhận vốn từ Hội PN để phát triển nhóm nấu ăn bài bản, quy mô hơn. Cô bắt đầu tạo các thực đơn kèm theo giá tiền, in hình các món để giới thiệu đến khách hàng.

Khi đơn đặt hàng tăng mạnh, cô vừa thuê các chị ở khu phố đến phụ, vừa trực tiếp dạy nấu ăn miễn phí cho mọi người. Hiện nay, trung bình mỗi tuần, cô nhận nấu cho hai-ba tiệc, nhờ vậy mà thành viên trong nhóm của cô có thu nhập ổn định từ 2,5-3 triệu đồng/ tháng.

Nhờ phụ việc và học nghề, có người đã tự mở nhóm nấu ăn riêng. “Đó là niềm tự hào nho nhỏ của riêng tôi”, cô Mỹ nói.

Truyền nghề vì nhớ ơn hội

Đầu năm nay, niềm vui đến với chị Đinh Thị Tuyết Đào (P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM) khi chị xin được giấy phép kinh doanh Công ty TNHH một thành viên đan móc len Phước Đào.

Là PN khuyết tật đam mê nghề đan len, sau nhiều năm làm thuê cho các cửa hàng với đồng lương ít ỏi không đủ nuôi con nhỏ, chị suy nghĩ: “Chỉ có làm chủ cuộc sống mới khá hơn, và mình cũng thuận tiện sáng tạo nhiều mẫu sản phẩm”.

Nhờ chính sách cho vay hỗ trợ của Hội, chị Đào bắt đầu mua nguyên vật liệu, dụng cụ làm nghề. Chịu khó lại khéo tay, từ các sản phẩm truyền thống như nón, áo, vớ, khăn, đến nay chị đã cho ra đời nhiều mẫu mã hiện đại như đế lót ly, giỏ đựng cơm, giỏ bình nước bằng len.

Bằng nhiều hình thức, bỏ mối nhỏ lẻ cho chợ, bán tại nhà qua mạng, hiện nay công ty đã có thể cung cấp sản phẩm cho các siêu thị lớn và xuất khẩu. Khi mở rộng kinh doanh, được Hội tiếp vốn kịp thời, việc kinh doanh của chị Đào luôn suôn sẻ.

Cơ sở Phước Đào hôm nay có hơn 30 nhân công, chưa kể rất nhiều chị em nhận hàng gia công tại nhà.

Để giúp nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như mình ngày trước, chị Đào liên tục mở các lớp dạy đan len từ cơ bản đến nâng cao. Nhiều học viên khi thạo nghề đã tự mở gian hàng nhỏ buôn bán, số khác gia công cho cơ sở để kiếm thu nhập từ hai-ba triệu đồng/tháng.

Hoi LHPN TP. Ho Chi Minh: Giup

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI