Hội LHPN TP.HCM kết thúc chuyến "Hành trình về nguồn”

15/11/2016 - 20:10

PNO - Ngày 15/11 đoàn cán bộ Hội và phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực của TP.HCM kết thúc chuyến hành trình “Về nguồn” thăm các tỉnh Đông Bắc của Tổ quốc.

Ngày 15/11 đoàn cán bộ Hội và phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực của TP.HCM kết thúc chuyến hành trình “Về nguồn” thăm các tỉnh Đông Bắc của Tổ quốc.

Trước đó, trong đêm giao lưu cùng Hội LHPN tỉnh Cao Bằng, đoàn đã trao 50.000.000đ cùng 100 áo ấm và 100 đôi dép tặng các gia đình chính sách, gia đình khó khăn của tỉnh Cao Bằng.

Sáng 15/11, đích thân bà Hà Thị Liễu, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn đã tìm đến nơi đoàn đang dừng chân và mời về thăm trụ sở Hội LHPN tỉnh. Tiếp đoàn, Hội LHPN Bắc Kạn mong muốn được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nhiều hơn nữa với TP.HCM trong thời gian tới về hoạt động Hội và phong trào phụ nữ. Chia sẻ thông tin với Hội LHPN tỉnh bạn, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích- Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM cho biết, bà cũng mong mỏi Hội LHPN hai tỉnh, thành phố sẽ tăng cường giao lưu trong thời gian tới. 

Hoi LHPN TP.HCM ket thuc chuyen
Đoàn ghé thăm trụ sở Hội LHPN tỉnh bắc Kạn.

Trên đường từ Bắc Kạn trở về Hà Nội, đoàn đã ghé thăm Ban liên lạc Mặt trận Vị Xuyên- Hà Giang. Điều làm cả đoàn bất ngờ đến xúc động khi được các cựu chỉ huy Mặt trận đón tiếp vô cùng nồng hậu.

Hoi LHPN TP.HCM ket thuc chuyen
Trung tướng Đặng Quân Thụy (trái) trao quà cho đoàn.

Qua hồi ức của những người chỉ huy Mặt trận, tháng 2/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc xâm lấn biên giới Việt Nam, có nơi vào sâu trong đất liền tới 50km, phá hoại và san bằng thị xã Lào Cai, Cao Bằng, một phần thị xã Lạng Sơn cùng nhiều làng mạc. Trong cuộc chiến đó, từ tháng 4/1984 đến 5/1989, Trung Quốc lần lượt đưa hơn 50 vạn quân của 8 trong 10 đại quân khu tiến công toàn diện biên giới Hà Giang, tập trung vào huyện Vị Xuyên với âm mưu vẽ lại đường biên giới tới phía bắc suối Thanh Thủy.

Để giữ vững biên cương, 9 sư đoàn chủ lực cùng nhiều trung đoàn, tiểu đoàn trực tiếp tham chiến tại mặt trận Vị Xuyên. Hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh bảo vệ biên giới Vị Xuyên thuộc 9 sư đoàn chủ lực; hơn 9.000 thương - bệnh binh cùng nhiều đơn vị bộ đội trực tiếp tham chiến, đẩy lùi sự xâm lấn của quân Trung Quốc.

Hoi LHPN TP.HCM ket thuc chuyen
Hai vị Trưởng Ban liên lạc và Trưởng Ban liên lạc danh dự Mặt trận Vị Xuyên đeo huy chương chiến sĩ Vị Xuyên cho lãnh đạo Hội LHPN TP.HCM.

32 năm trước, ngày 12/7/1984 là ngày diễn ra trận chiến khốc liệt nhất tại mặt trận biên giới Hà Giang. Cũng từ đó, 12/7 trở thành ngày giỗ trận của Sư đoàn 356, khi chỉ trong một ngày, 600 chiến sĩ hy sinh.

Những trận đánh giữ đất của bộ đội Việt Nam diễn ra vô cùng quyết liệt trên các cao điểm 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm… Có những cao điểm bị bạt đi hơn 3m vì đạn pháo, ác liệt đến mức được gọi là "lò vôi thế kỷ". Quân dân Việt Nam đã tiêu diệt và làm bị thương hàng vạn quân Trung Quốc, buộc quân Trung Quốc phải rút quân về bên kia biên giới.

Hoi LHPN TP.HCM ket thuc chuyen
Hai vị Trưởng Ban liên lạc và Trưởng Ban liên lạc danh dự Mặt trận Vị Xuyên trao hoa chúc mừng cho lãnh đạo Hội LHPN TP.HCM.

Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu 2, Chủ tịch danh dự của Ban liên lạc mặt trận Vị Xuyên- Hà Giang bồi hồi kể: “Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phỉa bắc 1979-1989 của Tổ quốc, Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang là mặt trận nóng bỏng nhất, ác liệt nhất và kéo dài nhất (1984- 1989). Các lực lượng vũ trang quân khu 2 và nhân dân hai tỉnh Hà Giang- Tuyên Quang đã kiên cường chiến đấu trong hơn 2.000 ngày đêm và đã giành thắng lợi to lớn, bảo vệ toàn vẹn biên giới. Năm 1986, đoàn phụ nữ TP.HCM vượt qua bao nhiêu khó khăn đã lên Mặt trận Vị Xuyên. Các chị đã đến trận địa tiền tuyến, “chia lửa” cùng cán bộ, chiến sỹ tại chiến hào, để lại những tình cảm rất tốt đẹp và sâu sắc trong lòng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Hà- Tuyên. Thời gian đã trôi qua 30 năm nhưng những tình cảm đó không bao giờ quên, không bao giờ phai nhạt”.

Hoi LHPN TP.HCM ket thuc chuyen
Bà Tô Thị Bích Châu- Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM thay mặt đoàn gửi lời cảm ơn Ban liên lạc đã tiếp đón đoàn nồng hậu.

Đoàn đã được nghe ông và Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân Khu II kể câu chuyện về 2.000 ngày đêm chiến đấu ác liệt nơi tuyến đầu Tổ quốc. Hồi ức của các vị tướng, đặc biệt là tình cảm tốt đẹp dành cho Phụ nữ TP.HCM đã làm các thành viên của đoàn rưng rưng nước mắt. Bà Trương Thị Ánh, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM nhớ lại những năm tháng sôi nổi của thanh niên thành phố trong phong trào tình nguyện đi bảo vệ biên giới; còn LS Trương Thị Hoà- Đoàn luật sư TP.HCM, thành viên lớn tuổi nhất của Đoàn thì hồi tưởng những ngày còn là uỷ viên thường vụ của Hội LHPN Q.1 với phong trào “Áo ấm chiến sỹ” … đầy kỷ niệm.

Hoi LHPN TP.HCM ket thuc chuyen
Luật sư Trương Thị Hoà, kể lại những ngày tham gia phong trào “Áo ấm chiến sĩ”.

Trung tướng Đặng Quân Thuỵ cho biết ông rất vui khi được gặp đoàn, ông tâm đắc với hành trình và việc chia sẻ với Hội LHPN các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang trong việc chăm sóc các gia đình chính sách, học trò vùng cao. Dịp này, Ban liên lạc Mặt Trận Vị Xuyên - Hà Giang đã tặng đoàn quyển ký sự lịch sử - văn học: “Ký ức hào hùng miền cực Bắc”.

Chuyến về nguồn khép lại, nhưng sự kết nối của Hội LHPN TP.HCM, nhiều cá nhân, thành viên của đoàn với Hội LHPN các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, với trường tiểu học Quyết Tiến (xã Quyết Tiến, Quản Bạ, tỉnh Hà Giang)… hẹn ngày trở lại đã thành một vòng tay lớn mãi…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM, Trưởng đoàn cho biết chuyến “Hành trình về nguồn” lần này đã thật sự thành công, không chỉ là một chuyến tham quan, kết nối các thành viên mà còn mang ý nghĩa giáo dục chính trị tư tưởng, vun bồi tình yêu quê hương đất nước cho mỗi thành viên.

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI