Hội LHPN quận Bình Tân đến với trẻ chậm phát triển trí tuệ

15/04/2024 - 20:51

PNO - Chiều 15/4, tại Trường Chuyên biệt Bình Tân (quận Bình Tân, TPHCM) đã diễn ra chương trình "Ngày vui cho em". Chương trình do Hội LHPN quận Bình Tân tổ chức.

Tại chương trình "Ngày vui cho em", cô trò của Trường Chuyên biệt Bình Tân đã có dịp chia sẻ về những khó khăn, vui buồn trong quá trình dạy và học ở ngôi trường đặc biệt này.

Cô trò giao lưu, chia sẻ những khó khăn trong quá trình dạy và học.
Cô trò giao lưu, chia sẻ những khó khăn trong quá trình dạy và học.

Cô Ngần chia sẻ những kỷ niệm không thể quên với học trò đặc biệt của mình.
Cô Ngần chia sẻ những kỷ niệm không thể quên với học trò đặc biệt của mình.

Cô Lưu Thị Ngần (40 tuổi) chuyển về trường từ năm 2017 sau một thời gian dạy trẻ khuyết tật dưới tỉnh Đồng Nai. Cô đang phụ trách lớp 3. Lớp có 37 học sinh khiếm thính, độ tuổi dao động từ 11 - 17.

Cô Ngần cho biết, ngoài khiếm thính, nhiều em còn mắc kèm các dạng khuyết tật khác như chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ… Một số em được cha mẹ sắm máy trợ thính, cũng có em bị điếc sâu bẩm sinh không thể dùng máy, khả năng ngôn ngữ cũng bị ảnh hưởng. Dạy các em, điều đầu tiên là phải hết sức kiên trì, vận dụng cả ngôn ngữ ký hiệu lẫn điệu bộ gương mặt, cử chỉ để giải thích từng bài văn, bài toán.

"Lớp tôi có những em giở sách ra là đọc ro ro, nhưng khi cô hỏi câu vừa đọc có ý nghĩa gì thì lắc đầu không biết. Cũng có em nhất quyết kéo ghế ra thật xa bàn mới chịu ngồi. Đôi khi các em có hành động mất kiểm soát, giáo viên ngoài tình thương còn phải thật khoẻ để ôm giữ lấy trò, trấn an em bình tĩnh trở lại. Cha mẹ các em hầu hết là công nhân, lao động tự do, hoặc đang ở quê. Khiếm khuyết bản thân, cộng với hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến hành trình đến trường của các em càng thêm chông gai”, cô Ngần chia sẻ.

Em Tuyết Mai (thứ 2, từ trái qua) dùng ngôn ngữ ký hiệu để trò chuyện.
Em Tuyết Mai (thứ 2, từ trái qua) dùng ngôn ngữ ký hiệu để trò chuyện.

Em Tuyết Mai, học trò lớp cô Ngần, vẽ rất đẹp, múa cũng khéo. Dù học tốt và được nhà trường hướng nghề vẽ tranh lên túi xách, ly uống nước, Mai luôn canh cánh nổi lo không thể tiếp tục đi học vì cảnh nhà khó quá. Mai tâm sự: “Cô giáo khen em vẽ đẹp, biết giữ gìn sách vở, em rất vui. Em biết cô giáo có nói mẹ cố gắng cho em học thêm mỹ thuật bài bản, nhưng mẹ cực lắm, không có tiền”.

Những tiết mục múa, hát do các em học sinh Trường Chuyên biệt Bình Tân thể hiện.
Những tiết mục múa, hát do các em học sinh Trường Chuyên biệt Bình Tân thể hiện.

Trường Chuyên biệt Bình Tân thành lập năm 2014. Hiện trường có khoảng 250 học sinh, gồm 21 lớp bán trú và 2 lớp can thiệp sớm.

Cô Trần Thị Hạnh – Phó hiệu trưởng nhà trường – bộc bạch: “Đồ chơi, đồ dùng, trang thiết bị đã xuống cấp và hư hỏng, nhưng nhà trường chưa có điều kiện sửa chữa, thay mới. Học trò ngày càng lớn, càng khoẻ, trong khi giáo viên thì ngày càng có tuổi, sức khoẻ yếu đi. Nhiều giáo viên đang ở nhà trọ, kinh tế chật vật. Khó khăn chồng khó khăn".

Cô bày tỏ mong muốn được lãnh đạo địa phương, các Mạnh Thường Quân hỗ trợ cho trường 1 hồ bơi để thực hiện sân chơi thủy trị liệu nhằm giúp các em giảm bớt hành vi tăng động, nhất là trong những tháng nắng nóng gay gắt như hiện nay.

Những phần quà thiết thực mà Hội LHPN quận Bình Tân và đại diện các đơn vị tài trợ mang đến cho các em học sinh trường Chuyên biệt Bình Tân.
Những phần quà thiết thực mà Hội LHPN quận Bình Tân và đại diện các đơn vị tài trợ mang đến cho các em học sinh trường Chuyên biệt Bình Tân.

Bà Huỳnh Đặng Hà Tuyên – Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Tân – trao quà cho các em học sinh.
Bà Huỳnh Đặng Hà Tuyên – Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Tân – trao quà cho các em học sinh.

Chia sẻ với những khó khăn của cô trò Trường Chuyên biệt Bình Tân, Hội LHPN quận Bình Tân và các đơn vị tài trợ đã tặng 250 phần quà với tổng trị giá 40 triệu đồng cho học sinh của trường.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI