Hội làm nhịp cầu kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

28/09/2018 - 11:30

PNO - Sau 90 ngày hoạt động thử nghiệm, sáng 26/9, Tổ hợp tác làm cá khô Hương Quê của hội viên, phụ nữ khu tái định cư Lung Ranh, xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã chính thức ra mắt.

Hoi lam nhip cau ket noi, ho tro phu nu khoi nghiep
Các chị trong Tổ hợp tác làm cá khô Hương Quê giới thiệu sản phẩm với bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM (bìa phải)

Những tín hiệu lạc quan

Giữa trưa, những vỉ cá mối, cá trích, cá lù đù, cá xanh xương... óng ánh dưới nắng. 10 thành viên Tổ hợp tác làm cá khô Hương Quê tất bật cân hàng cho khách, gọi điện lấy thêm cá tươi để phơi, chuẩn bị cho đợt hàng mới. “Từ 750kg cá tươi, chúng tôi làm ra 250kg cá khô, đã bán hết rồi” - chị Sơn Thị Sự, tổ trưởng tổ hợp tác, phấn khởi khoe.

Lung Ranh hiện có 93 hộ với 267 phụ nữ sinh sống, đa phần chị em là người dân tộc Khmer, không việc làm, lại đông con. Với mong muốn tạo điều kiện để các chị có việc làm ổn định, từng bước cải thiện kinh tế gia đình, hồi tháng Ba năm nay, Hội LHPN cùng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM đã về Lung Ranh trao 50 triệu đồng vốn ban đầu để thành lập một tổ hợp tác làm cá khô thương phẩm. Nhận vốn, cán bộ Hội LHPN xã Khánh Hội đến từng nhà hội viên vận động thành lập tổ. 10 chị xung phong tham gia ngay. Chị Sơn Thị Sự rành chữ, được cử đi học khóa kỹ năng quản lý kinh doanh do Hội LHPN tỉnh tổ chức. 

Ban đầu, tổ mua 35kg cá tươi các loại (cá trích, cá mối, cá lù đù...) về chế biến, phơi nắng hai ngày, được 12kg cá khô, bán 90.000 đồng/kg. Để chào hàng, chị Sự đến các chợ Khánh Hội, Khánh Tiến, Khánh Hòa gửi mỗi sạp một ít để tiểu thương “nghiên cứu”, thấy chất lượng thì đặt làm. Đến nay, Hương Quê đã tậu được một máy ép cá, 10 thành viên của Hương Quê đều đã sắm được tủ đông.

Mơ về một tương lai khác 

Chị Trần Thị Hồng - thành viên của tổ hợp tác - nói, đến bây giờ chị mới thật sự dám nghĩ về một tương lai khác: các con của chị sẽ được học chữ, học nghề tới nơi tới chốn; vợ chồng chị sẽ xây một căn nhà ngói, tường gạch tươm tất thay cho mái lá dột tứ phía và có thể vợ chồng chị sẽ đi học, bởi “nào giờ có biết mặt chữ ra làm sao đâu”.

Cách đây mấy năm, gia đình chị Hồng chuyển từ ấp 9, xã Khánh Tiến, huyện U Minh về Lung Ranh cùng 3 đứa con nheo nhóc và rất nhiều nợ nần. Chị kể, vợ chồng gom góp, vay mượn mua ghe máy đi lưới cá, chưa được bao lâu thì bị sóng biển đánh úp. “Thời điểm đó, tôi phát bệnh tim nặng, thấy tương lai mù mịt, đúng nghĩa màn trời chiếu đất” - chị Hồng thổ lộ. 

Ở Lung Ranh, anh Sơn Don, chồng chị - theo nghề đánh bắt cá thuê. Cũng muốn cùng chồng đi biển kiếm tiền trả nợ, nhưng con gái út mới 29 tháng tuổi, chị Hồng đành ở nhà. Con gái đầu lòng của chị học vừa hết lớp Sáu đã phải nghỉ, nhường suất học lại cho cậu em trai Sơn Dinh, 11 tuổi. Chị Hồng cũng ráng mò sò, bắt ốc len, kiếm cá khía về muối bán. Chị nói, làm hoài mà không có dư. Ngày chị Sự qua rủ rê vào Tổ hợp tác Hương Quê, chị Hồng cứ khóc vì mừng. Chị tâm sự: “Vào tổ hợp tác, chưa có lời nhiều, nhưng tôi rất có niềm tin. Sau này khá hơn, tôi sẽ cho bé lớn đi học trở lại, vợ chồng tôi cũng sẽ ra lớp, tệ lắm cũng viết được tên mình”. 

Cả chị Sự và chồng đều mắc bệnh tim. Ngày về Lung Ranh, anh chị nuôi gà, vịt và đi phơi cá cơm, phơi mực thuê, mỗi tháng kiếm được hơn 4 triệu đồng. Sức khỏe yếu, có giai đoạn anh Đào Văn Xinh - chồng chị Sự - nằm một chỗ; cơm nước, vệ sinh cá nhân đều cần vợ trợ giúp. Chủ vựa cá thấy vậy, không gọi anh chị đi làm nữa. Chị Sự tâm tình: “Có tổ hợp tác, tôi mới thấy mình thở được. Hy vọng và phấn khởi lắm. Chúng tôi lấy công làm lời, đảm bảo chất lượng là trên hết. Mong rằng, sản phẩm của Hương Quê ngày càng được nhiều người biết, mua ủng hộ”. 

Dự lễ ra mắt Tổ hợp tác làm cá khô Hương Quê, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - nhắn nhủ: “Đồng vốn ban đầu là tấm lòng của hội viên phụ nữ và cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng TP.HCM. Hy vọng chị em trong tổ tiếp tục chung sức tạo ra những cân cá khô đảm bảo an toàn, đồng thời chú ý đến nhãn mác, bao bì sao cho thật bắt mắt để thu hút được người tiêu dùng. Chúng tôi cũng mong chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ đầu ra, tập huấn cho các thành viên về kỹ thuật làm cá khô, quản lý nguồn hàng và tài chính hiệu quả”. 

Thanh Cường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI