Hồi ký Bụi cát chân mây: Nhớ cố đạo diễn - Nghệ sĩ ưu tú Lê Cung Bắc

12/06/2023 - 07:59

PNO - 2 năm sau ngày đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Lê Cung Bắc từ giã cõi trần, hồi ký về cuộc đời ông - Bụi cát chân mây - ra mắt, để tưởng nhớ vị đạo diễn tài hoa. Tác phẩm do vợ ông - bà Bùi Thị Giang - chấp bút.

1. “Bụi cát chân mây là những hồi ức mà anh đã đọc cho diễn viên Võ Sông Hương ghi chép, khi anh đang vật vã trên giường bệnh, giấu mình sau những cơn đau khủng khiếp” - bà Bùi Thị Giang chia sẻ trong lời đầu sách. Để lại hồi ký cho cuộc đời cũng là do diễn viên Võ Sông Hương và Hồng Ánh cùng có lời khơi gợi cho đạo diễn Lê Cung Bắc, trong những ngày ông phải chống chọi với bạo bệnh.

Cuối hồi ký Bụi cát chân mây ghi lời đạo diễn Lê Cung Bắc gửi lại: “Dù cuộc đời này làm cho con người ta đau đớn, bầm dập như thế nào đi nữa thì cuộc đời vẫn đáng sống”
Cuối hồi ký Bụi cát chân mây ghi lời đạo diễn Lê Cung Bắc gửi lại: “Dù cuộc đời này làm cho con người ta đau đớn, bầm dập như thế nào đi nữa thì cuộc đời vẫn đáng sống”

Sinh thời, đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lê Cung Bắc nổi tiếng tài hoa, luôn tận tâm tận lực trên phim trường, kiến văn sâu rộng và luôn có mắt nhìn diễn viên, chọn đúng vai cho nhân vật. Ông được yêu mến từ khi còn là diễn viên, với các vai diễn có thể nói là để đời trong các phim: Con thú tật nguyền, Dấu ấn của quỷ, Nơi bình yên chim hót… Khi trở thành đạo diễn, ông tạo dấu ấn từ phim đầu tay Trên cả hận thù đến Người đẹp Tây Đô, Không thể rẽ trái, Dòng đời, Vó ngựa trời Nam…

Đọc hồi ký Bụi cát chân mây, những người yêu mến ông còn biết thêm rất nhiều câu chuyện ngoài phim trường, về đoạn đời của chàng trai mang tên Lê Hữu Ty (tên thật của đạo diễn Lê Cung Bắc). Thời tuổi trẻ, ông chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành đạo diễn, ngay cả khi nghe thầy tử vi phán rằng cuộc đời ông có học lên cao đến mấy rồi cũng sẽ “bỏ sở học mà nổi tiếng bằng tài vặt”.

Sáng 13/6, gia đình và bạn bè tổ chức lễ đại tường, tưởng nhớ cố đạo diễn, NSƯT Lê Cung Bắc. Dịp này, hồi ký Bụi cát chân mây chính thức ra mắt. Sự kiện diễn ra tại lầu 12B, M.Plex Studios & Theatre (62 Trần Quang Khải, quận 1, TPHCM).

Sách gồm 7 chương, viết về gia tộc, tuổi thơ, tuổi hoa niên, những năm tháng trước và sau năm 1975; cùng những trang viết dành riêng cho tình yêu và gia đình. Bên cạnh những lời chia sẻ của đạo diễn Lê Cung Bắc, sách còn có các bài viết của bạn bè, đồng nghiệp tưởng nhớ ông. 

2. Trước ngày thống nhất đất nước, vào tháng 4/1972, Lê Hữu Ty đi lính và bước chân vào trại nhập ngũ Quang Trung. Nhờ có máu văn nghệ và cũng từng tham gia diễn kịch khi còn sinh viên, sau đó, Lê Hữu Ty được cử sang Pháp và Canada nghiên cứu về thoại kịch trong gần 1 năm. Trở về, cơ duyên dẫn lối để ông được gặp một sĩ quan cấp cao rất yêu văn nghệ, từng xem ông diễn vở Những người không chịu chết. Người này đã giúp ông được điều chuyển dần và sau đó được chuyển hẳn về dân sự với chức vụ Giám đốc Nha Mỹ thuật Sài Gòn.

Sau ngày 30/4/1975, ông vào trại cải tạo. Phần do lao động tốt, phần khác là gia đình có công với cách mạng (4 anh trai đều là bộ đội, tham gia kháng chiến), ông được về sau hơn 2 năm học tập cải tạo. Món ăn của ngày đầu rời trại cải tạo mà cả đời đạo diễn Lê Cung Bắc nói “cái vị ngon cả đời không thể nào quên” là tô hủ tíu và chai xá xị trên miền Đông đất đỏ…

3. Người viết có dịp trò chuyện với đạo diễn Lê Cung Bắc khi ông làm phim Mỹ nhân Sài thành, ông thường nhắc đến 2 chữ “nhân duyên”. Với phim ảnh cũng vậy, mọi thứ ông chuẩn bị cho cuộc đời và sẵn sàng đón nhận, lại không phải là trở thành diễn viên hay đạo diễn. Nhân duyên đưa đẩy từ những biến cố, thời cuộc, những sự trợ duyên và cộng nghiệp… Các khái niệm của nhà Phật đều được đạo diễn Lê Cung Bắc nhắc đến, từ ngôi nhà có không gian Tĩnh tâm cốc - nơi ngày ngày ông đã làm việc say mê, cần mẫn. 

Đạo diễn Đào Bá Sơn từng nói: “Tình yêu nghệ thuật như một ngọn lửa đam mê luôn thôi thúc trong anh”. Từ hồi ký Bụi cát chân mây, còn thấy tình yêu lớn luôn ở trong tim đạo diễn Lê Cung Bắc, không chỉ với gia đình hay phim ảnh mà còn dành cho cuộc đời và con người. Lúc nào cũng thấy ở ông một niềm lạc quan, tích cực, sống sẻ chia trọn vẹn với anh em, đồng nghiệp và luôn hướng thiện, luôn làm những điều tốt đẹp cho cộng đồng. Một cuộc đời từ khi là chàng sinh viên lãng tử ở Viện đại học Đà Lạt, đến khi nhập ngũ, vào trại cải tạo rồi đi kinh tế mới; sau đó làm phóng viên Báo Tin Sáng, Báo Tuổi Trẻ và trở thành diễn viên, đạo diễn. Một cuộc đời như chớp mắt còn lại trong bụi cát chân mây…

Bà Bùi Thị Giang nói tuần nào bà cũng cùng con trai ra thăm mộ ông, lúc nào cũng thấy trên mộ có trái cây, hoa tươi và những nén nhang chưa tàn. Người ở lại đã luôn tưởng nhớ và yêu thương dù vị đạo diễn tài hoa đã tạ thế. Ông đã cống hiến cho đến những năm tháng cuối cùng của đời mình. Khi bộ phim Giã từ cô đơn làm xong, chưa kịp phát hành thì ông rời cõi tạm vào ngày 13/6/2021.

Lục Diệp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI