'Hồi ký bà đầm thép': Trong sâu thẳm vinh quang

08/06/2018 - 18:00

PNO - Margaret Thatcher là một người phụ nữ đặc biệt. Đặc biệt trong suy nghĩ, cách chiến đấu suốt một thập kỷ trên cương vị thủ tướng của một trong những quốc gia đứng đầu châu Âu, và ngay cả trong cách mà bà từ giã cõi đời.

Ngày 8 tháng 4 năm 2013, truyền thông trên toàn thế giới đồng loạt đưa tin về sự ra đi của Margaret Thatcher, nữ thủ tướng đầu tiên và là vị thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Vương quốc Anh kể từ năm 1827.

Trong khi hàng vạn người dân Anh lặng đi vì sự mất mát này, các nguyên thủ quốc gia phương Tây cũng như trên thế giới bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với “Bà đầm thép của nước Anh” thì cũng đồng thời, ngay khi thông tin về cái chết của bà được loan đi, hàng loạt bữa tiệc ăn mừng với những màn ca hát nhảy múa và pháo sáng và cả những cuộc bạo động đã diễn ra trên đường phố London và một số thành phố khác ở Anh.

'Hoi ky ba dam thep': Trong sau tham vinh quang
 

Thậm chí, trong ngày đưa tang của Margaret Thatcher, trong đám đông hai bên đường phố nơi linh cữu đi qua, những cuộc cãi cọ, mâu thuẫn giữa những người ủng hộ và chống đối bà vẫn diễn ra không ngớt.

Nhưng sẽ chẳng có gì là quá ngạc nhiên về cảnh tượng trên nếu người ta biết rõ về hành trình quyền lực của người đàn bà này, đã được chính bà kể lại một cách cụ thể trong hai cuốn hồi ký The Downing Street Years (Những năm tháng tại phố Downing) xuất bản vào năm 1993 và The Path To Power (Đường tới quyền lực) xuất bản vào năm 1995, mà về sau đã được Robin Harris tổng hợp và rút gọn lại thành một cuốn sách hoàn chỉnh và được chuyển ngữ sang tiếng Việt với cái tên Margaret Thatcher: Hồi ký bà đầm thép, vừa mới phát hành tại Việt Nam.

Trong Margaret Thatcher: Hồi ký bà đầm thép, người đọc có thể theo dõi xuyên suốt được hành trình cuộc đời, đặc biệt là sự nghiệp chính trị của nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước Anh, khởi đầu bằng việc bà tham gia tranh cử lần đầu vào năm 1950 tại hạt Darford.

Cho đến năm 1959, Margaret Thatcher lần đầu tiên bước chân vào Hạ viện Anh sau nhiều lần thất bại. Và cũng chỉ một thời gian sau, nữ chính trị gia trẻ tuổi này đã nắm giữ vai trò quan trọng trong Hạ viện Anh và chiếm được cảm tình của nhiều cử tri bằng những động thái khôn ngoan của mình trong việc ủng hộ những chính sách có lợi cho người dân lúc bấy giờ.

Trong vòng 2 thập kỷ kế tiếp, con đường chính trị của Margaret có sự thăng tiến rõ rệt. Bà lần lượt đảm trách vị trí Bộ trưởng Giáo dục dưới thời Nội các Health và sau đó, Margaret Thatcher đã đánh bại chính Edward Health và người kế nhiệm ông ta để trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của đảng Bảo thủ và Nội các đối lập vào năm 1975.

'Hoi ky ba dam thep': Trong sau tham vinh quang
 

Đây chính là một trong những bước tiến quan trọng để góp phần đưa bà bước đến đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị của mình: đắc cử Thủ tướng Anh vào năm 1979.

Với quan điểm cứng rắn và quyết đoán của mình, Thatcher lần lượt đưa ra những quyết sách nhằm kéo kinh tế nước Anh ra khỏi vũng lầy suy thoái, khẳng định lại tiếng nói của Anh trong các vấn đề quốc tế. Nhưng đồng thời, sự quyết đoán với các quan điểm chính trị của mình cũng khiến Margaret Thatcher trở thành mục tiêu công kích và căm ghét của rất nhiều người.

Việc mạnh tay trấn áp các nghiệp đoàn vào năm 1980 khi các cuộc biểu tình kéo dài trong ngành gang thép với nhận định “họ không sẵn lòng đối mặt với những sự thật kinh tế hay hiểu chiến lược kinh tế chúng tôi theo đuổi”, sự đáp trả cứng rắn đối với các tù nhân Bắc Ireland cũng như đỉnh điểm là việc sử dụng lực lượng cảnh sát trấn áp mạnh mẽ cuộc đình công của công nhân ngành mỏ vào năm 1984 – 1985 đã gây nên sự căm ghét cũng như âm mưu ám sát đối với Margaret Thatcher.

Mặc dù vậy, dường như ở “Bà đầm thép”, người ta không thể tìm thấy được một sự xoay chuyển nào trong quan điểm về các vấn đề mà bà và nội các của mình phải đối diện.

Bên cạnh đó, trong Margaret Thatcher: Hồi ký bà đầm thép, người đọc cũng hiểu rõ hơn về nhiều tác động cũng như phản ứng khéo léo nhưng đầy sắc bén mà Margaret Thatcher tạo ra hàng loạt biến chuyển về cục diện quốc tế khiến bà được mệnh danh là “diều hâu” thời chiến tranh lạnh.

Đặc biệt phải kể đến là việc tiên phong trong vấn đề kết nối quan hệ giữa Liên Xô với phương Tây và Mỹ vào giai đoạn cuối trước khi chấm dứt hoàn toàn thời kỳ Chiến tranh Lạnh cũng như vấn đề trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình.

'Hoi ky ba dam thep': Trong sau tham vinh quang
 

Tất nhiên, trong giới hạn của một cuốn hồi ký mang quan điểm và câu chuyện cá nhân, Margaret Thatcher: Hồi ký bà đầm thép vẫn dừng ở mức tiếp cận một con người mang trong mình nhiều tranh cãi thông qua tự sự của chính cá nhân bà.

Rất nhiều lời biện giải được đưa ra trong sách bởi chính Margaret Thatcher cho những chính sách thời bà còn tại nhiệm vấp phải phản ứng cực đoan còn tồn tại cho đến ngày hôm nay có thể mang tính áp đặt và thiếu thuyết phục với số đông.

Tuy nhiên, dưới góc độ của người đọc, chúng ta có thể xem đây như một góc nhìn khác của người trong cuộc đối với những vấn đề mà theo thời gian đã thuộc về lịch sử.

Margaret Thatcher: Hồi ký bà đầm thép có thể được tạm gọi là bức chân dung đầy đủ và hoàn hảo nhất về cuộc đời của một người phụ nữ, mà trên bình diện xã hội, mang tầm vóc lớn lao hơn hết thảy mọi người phụ nữ cùng thời khác.

Một người phụ nữ đạt đến vinh quang tột cùng, ghi dấu ấn của mình vào lịch sử cũng như để lại một di sản đồ sộ cho nước Anh. Để có một hình dung sau chót về tính cách và quan điểm của Margaret Thatcher, có lẽ không gì hay hơn bằng việc sử dụng chính những câu thơ của Ella Wheeler Wilcox mà theo lời bà, là “hiện thân cho những cảm xúc đã lớn lên cùng tôi”:

Chính vị trí cánh buồm, chứ không phải cơn gió
Mới quyết định tàu sẽ đi về đâu

'Hoi ky ba dam thep': Trong sau tham vinh quang
Margaret Thatcher với 2 con

Sự nghiệp chính trị của Margaret Thatcher kết thúc với cột mốc tháng 11 năm 1990. “Bà đầm thép” bằng tất cả sự cố gắng, trong trận chiến cuối cùng, đã cố ngăn không để giọt nước mắt của mình rơi xuống trước cửa số 10 phố Downing khi phải nói lời giã từ nơi này sau hơn 10 năm tại nhiệm.

Margaret Thatcher, dù cay đắng, đã tự thân lựa chọn cho mình một cái cho sự nghiệp chính trị, nhưng trớ trêu thay, sự mạnh mẽ của bà lại chẳng giúp bà vượt qua nỗi cô độc và bất hạnh để chọn được một cái kết cho cuộc đời của mình.

Và sau cùng, với riêng Margaret Thatcher: Hồi ký bà đầm thép, nếu có một lý do để khiến ta phải e dè trong việc tiếp cận với cuốn sách này, thì chỉ có thể nằm ở việc nó quá dày và quá dài mà thôi.

Cường Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI