Hồi kết nào cho “việc nhà là của ai?”

17/03/2021 - 21:05

PNO - “Việc nhà là của ai?”, một chủ đề quá quen, nhưng khi đụng đến lại không ngừng gây tranh cãi. Và, cuộc bàn thảo “nảy lửa” giữa người mẫu - diễn viên Xuân Lan cùng chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy, đại diện nhãn hàng BlueStone - anh Lê Hoàng tại tọa đàm ngày 16/3 vừa qua, câu hỏi này đã được… chốt hạ.

Từ trái sang phải: Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy; diễn viên/người mẫu Xuân Lan; anh Lê Hoàng, đại diện BlueStone
Từ trái sang phải: Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy; người mẫu - diễn viên Xuân Lan; anh Lê Hoàng, đại diện BlueStone

Quán xuyến việc nhà thật là…… kinh khủng!

Tại cuộc tọa đàm do Báo Phụ nữ TP.HCM tổ chức cùng nhãn hàng BlueStone vào ngày 16/3, người mẫu - diễn viên Xuân Lan thừa nhận: “Tôi cũng mang những nỗi lòng đó đến đây”. Kỳ thực, “việc nhà là của ai” dường như là “tiếng lòng” của hầu hết chị em phụ nữ, còn đàn ông lại ít… bận lòng.

Theo Xuân Lan, sự tỉ mỉ, chỉn chu, tinh tế - những tố chất thuộc về giới của người phụ nữ đã giúp nhà cửa đâu vào đó và để cho gia đình có những bữa cơm ngon. “Riết rồi, phụ nữ phải làm việc nhà đến mức tự thay luôn bóng đèn, ổ điện, đóng đinh… trong khi các ông thì chỉ cần đi làm về, bật tivi xem và ngạo nghễ nói: Hôm nay tôi lên chức, tôi cho cô nhiều tiền hơn!”, Xuân Lan tỏ bày.

Khi gia đình vận hành theo cách đó, đàn ông cũng “bỏ phế” luôn trách nhiệm việc nhà với gia đình. Để rồi, như Xuân Lan chia sẻ: “Tôi đọc được đâu đó có một người đàn ông suốt ngày than phiền vợ ở nhà không làm gì, thậm chí bỏ bê bản thân đầu tóc bù xù; anh đi làm khổ lắm mà về nhà còn nghe vợ than phiền, rất bực mình. Một ngày kia, anh ấy ở nhà và thử làm những công việc của vợ. Sau đó, anh mới nhận ra quán xuyến từng ấy việc nhà là quá kinh khủng”.

Từ nhiều tranh cãi của chính chị em và các ông liên quan đến việc nhà, cuộc khảo sát “việc nhà là của ai” được Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức đã thu hút sự tham gia của hàng ngàn độc giả. Con số hơn 70% độc giả cho rằng việc nhà là sẻ chia, là trách nhiệm chung của từng cá nhân sống dưới một mái nhà đã nói lên khát vọng của chị em, được không ít các ông chồng - cũng là đối tượng khảo sát đồng tình ủng hộ.

Tọa đàm như một cuộc chốt hạ và làm rõ hơn nỗi lòng của chị em, như Xuân Lan quả quyết, phụ nữ rất mong muốn được nửa kia nhìn thấu sự khổ tâm phải mang vác hết việc nhà.

Chị em cũng phải biết… “sửa mình”, kiên nhẫn

Dưới góc độ cá nhân, chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy cho hay, trong gia đình mình ông không coi việc nhà là của riêng vợ khi chính ông cũng thụ hưởng sự tinh tươm của căn nhà, thích bữa cơm ngon hay mặc lên người bộ quần áo thơm tho. “Không chỉ việc nhà mà đến kinh tế vợ chồng tôi cũng chia sẻ cho nhau” - ông Uy nói.

Chuyên gia Ngô Minh Uy bày tỏ phụ nữ nên mở lòng chấp nhận cách thức làm việc nhà riêng của đàn ông
Chuyên gia Ngô Minh Uy bày tỏ phụ nữ nên mở lòng chấp nhận cách thức làm việc nhà riêng của đàn ông

Dù vậy, để làm rõ hơn sự nhiễu sự, mâu thuẫn của chị em phụ nữ trong kết quả hơn 50% “vừa muốn chồng giúp vừa chẳng an tâm để chồng giúp” nói trên, ông Uy quả quyết: “Việc nhà là việc chung nhưng chị em thật mâu thuẫn”.

Theo đó, ông minh chứng bằng một thực tế, một gốc rễ sâu xa, ông có nhiều bạn bè là bác sĩ. Những bác sĩ ấy kể rằng không chỉ những ông chồng mà chính phụ nữ cũng muốn sinh con trai, để không phải khổ việc nhà. Rồi, các bà mẹ cũng dạy con gái làm việc nhà theo lối nghĩ chỉ phụ nữ mới làm tốt. Vậy còn “mảnh đất” việc nhà nào cho đàn ông “trồng trọt”? Ông Uy nói: “Thực tế có rất nhiều ông chồng đến cái chén để góc nào trong gia đình cũng không biết; nhưng, lỗi ít nhiều thuộc về phụ nữ. Chuyên gia nhắn nhủ: “Chị em phải biết lùi một chút để các ông được phát huy, có cơ hội xắn tay làm việc nhà”.

Việc nhà là sẻ chia và không phân theo giới tính

Theo dõi cuộc “phơi bày” cái khó, khổ của đàn ông và đàn bà trong xử lý chuyện nhà giữa người mẫu - diễn viên Xuân Lan và chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy, anh Lê Hoàng - đại diện nhãn hàng BlueStone nêu quan điểm: “Việc nhà là cơ hội để xây dựng văn hóa sẻ chia, giúp đỡ để thấu hiểu nhau. Đừng nên phân chia và phân định giới tính trong giải quyết việc nhà”.

Anh Hoàng cho hay, mỗi nhà mỗi cảnh, đặc biệt trong các gia đình trẻ khi sự bận bịu “việc nước” ngang nhau, việc nhà phải được san sẻ trên cơ sở cốt lõi vấn đề là cả hai phải thật sự tôn trọng sự khác biệt về những “bản tính giới”, miễn sao trong việc nhà cả hai làm trong vui vẻ, hạnh phúc. “Sẻ chia không phải là chia đôi đầu mục công việc, mà đến từ sự tự nguyện đem đến hạnh phúc cho đối phương dưới bất kỳ hình thức nào” - anh Hoàng bày tỏ.

Muốn sẻ chia trọn vẹn phải có sự mở lòng của chị em và sự nhập cuộc của các ông chồng: “Có thể làm không khéo, nhưng với sự thành tâm san sẻ với vợ cũng đủ làm cô ấy hạnh phúc, vui cả ngày!”.

Đồng quan điểm, Xuân Lan nhắn nhủ chị em: “Phụ nữ thường không có lòng tin, nhưng chị em cứ để chồng làm, dở cũng được, để các anh xây dựng thói quen”. Chị cũng nêu ra một ví dụ từ những sinh hoạt bình thường nhất, vợ nấu cơm, ăn xong, chồng nói “thôi để anh rửa chén cho”. Hay, vợ đang lụi hụi ủi chiếc áo cho thẳng thớm, chồng thấy vậy, liền bật dậy đi quét nhà. Khi đó, không chỉ giải quyết được câu chuyện việc nhà mà hơn thế, tăng thêm sự kết nối gia đình. “Bật một bản nhạc cùng nghe hoặc trò chuyện với nhau, kể nhau nghe chuyện trong ngày của mình trong lúc cùng chia sẻ việc nhà” - theo Xuân Lan, là một ví dụ để tăng hơn nữa sự kết nối, gần gũi đó.

Như vậy, dù ai là trụ cột, thì việc nhà, như vốn dĩ bản chất của nó, là câu chuyện không của riêng ai và không thuộc giới nào. Nó thuộc về tất cả những ai đang sống cùng dưới mái nhà. Rồi đến một ngày, cùng nhau sẻ chia việc nhà trở thành chuyện hiển nhiên; không chỉ việc nhà, mà cả tâm tư, kinh tế… cũng vậy, thì gia đình mới thực sự hạnh phúc, là tổ ấm, nơi tiếp “vitamin vui” mà tất cả thành viên chỉ muốn quay về sau ngày dài mệt nhoài với công việc xã hội.

Phú Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI