Hướng về truyền thống
Năm 2024, số lượng triển lãm tại TPHCM có giảm so với trước, một phần do kinh tế khó khăn tác động đến nhu cầu mua hay thưởng thức tranh của một số nhà sưu tập. Khi nhu cầu của thị trường thay đổi, họa sĩ cũng ngại tổ chức triển lãm vì vừa tốn kém vừa khó bán tranh. Dù vậy, vào dịp cuối năm 2024 và đầu năm mới 2025, một số triển lãm khá ấn tượng đã diễn ra, cho thấy nhiều họa sĩ vẫn có nhu cầu gặp gỡ người yêu tranh và ghi dấu ấn cho hành trình mới của mình.
|
Tranh của Khổng Đỗ Duy |
Trong chuỗi các triển lãm diễn ra dịp này, khá nhiều họa sĩ chọn thể hiện những nét đẹp truyền thống của người Việt. Đáng kể có triển lãm Giấc mơ rực rỡ của họa sĩ Khổng Đỗ Duy. Mở triển lãm tại TPHCM ngay dịp đầu năm, tranh của Khổng Đỗ Duy mang đến không khí tết với những gam màu trầm ấm, những chi tiết gợi nhắc văn hóa Việt, thể hiện sự sung túc, đủ đầy của mỗi gia đình Việt ngày tết.
Chia sẻ về Giấc mơ rực rỡ, nhà nghiên cứu Lý Đợi - Giám tuyển của triển lãm - cho biết: Khổng Đỗ Duy vẽ về ngày tết truyền thống nhưng không rập khuôn mà có sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại; tranh vừa có hoài niệm vừa có tươi mới, có quy củ và phá cách, tiếc nuối và lạc quan. Ông nhận định, so với triển lãm Ký ức không phôi pha hồi tháng 1/2024 tại Hà Nội, Giấc mơ rực rỡ cho thấy họa sĩ Khổng Đỗ Duy có sự lên tay, thể hiện nhuần nhị, sâu lắng hơn.
Triển lãm sơn mài Dưới tán cây rừng của họa sĩ Nguyễn Đình Văn cũng là điểm nhấn của hội họa TPHCM vào đầu tháng Một. Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Đình Văn nhưng tên tuổi của anh không quá xa lạ. Anh là con của vợ chồng họa sĩ gạo cội Nguyễn Văn Bảng và Nguyễn Thị Tiến. Lớn lên trong gia đình nghệ thuật, lại ở giữa làng Hạ Thái, Hà Nội - cái nôi của nghệ thuật sơn mài truyền thống - Nguyễn Đình Văn có điều kiện thử sức với sơn mài từ sớm. Dưới tán cây rừng trưng bày các tác phẩm vẽ phong cảnh, thiên nhiên tươi đẹp, rất phù hợp để thưởng thức trong những ngày đầu năm mới.
Triển lãm Hiện Linh vừa kết thúc của giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính; triển lãm Chiêm bao kéo dài đến 19/1 tại Hà Nội của họa sĩ Tô Ngọc Trang; triển lãm Hoa trên sứ của họa sĩ Hồng Đức Thanh... đưa người xem đến với khung trời riêng của từng cá tính, nhưng gặp nhau ở một điểm chung là tôn vinh cái đẹp, sự duy mỹ trong từng khung tranh, bố cục, màu sắc.
Nhiều họa sĩ mới
Vừa kết thúc vào ngày 4/1, cuộc trưng bày có tên My Little Dora (tạm dịch: Doraemon bé bỏng) của họa sĩ trẻ Phan Tú Trân mang đến nhiều bất ngờ cho công chúng. Triển lãm có quy mô nhỏ, chỉ treo 15 bức trong không gian của quán cà phê, nhưng nội dung tranh vô cùng thú vị. Phan Tú Trân mượn hình ảnh của mèo máy Doraemon đưa vào câu chuyện của mình và sáng tạo thêm nhiều chi tiết. Các bức vẽ ngộ nghĩnh, cho thấy sự tươi trẻ, hiện đại, nhưng ở một số bức cũng thể hiện những kết nối với văn hóa truyền thống của Việt Nam. Với những gì thường thấy ở thị trường hội họa TPHCM, Phan Tú Trân và các tác phẩm của cô như một làn gió mới đúng nghĩa, vừa có thể dễ dàng kết nối với công chúng trẻ nhưng cũng không quá xa với những người yêu tranh ở thế hệ lớn hơn.
|
Các tác phẩm của Phan Tú Trân |
Giới hội họa cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhiều họa sĩ lần đầu chào sân. Vào ngày 8/1, họa sĩ Bích Ngà sẽ gặp gỡ công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM với triển lãm Niềm tin và tình yêu. Vốn làm công việc thiết kế nội thất, sau thời gian nghỉ sinh con cùng một số xáo trộn trong cuộc sống, Bích Ngà tìm đến hội họa để giải khuây. Trước là để vui chơi cùng con gái nhỏ, sau là tìm cách giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống. Nhưng càng vẽ cô càng thấy thích thú, muốn gắn bó. Triển lãm Niềm tin và tình yêu trưng bày 30 tranh sơn dầu và 4 tác phẩm đất sét tô màu. Đa phần trong tranh, họa sĩ Bích Ngà vẽ con gái và những hình ảnh liên quan Phật pháp.
Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, họa sĩ Bích Ngà cho biết: “Khi bắt đầu với hội họa, tôi không đặt quá nhiều mục tiêu, chỉ biết là bản thân trong giai đoạn này muốn vẽ để giải tỏa những suy nghĩ bên trong. Tôi xuất thân là nhân viên thiết kế nội thất, có biết về hội họa, nhưng để thành thạo đòi hỏi phải có thời gian học tập, rèn luyện thêm. Tôi vẽ theo những mách bảo bên trong mình nên cũng mong tác phẩm sẽ chạm tới người xem”.
Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 diễn ra từ nay đến hết 6/2/2025 tại Hà Nội có thể xem là sự kiện giới thiệu nhiều họa sĩ trẻ nhất hiện nay. Triển lãm trưng bày 148 tác phẩm của 121 họa sĩ trẻ trên cả nước. Xem tranh, công chúng có thể cảm nhận được hơi thở của thời đại qua các nhóm chủ đề khác nhau, phản ánh bối cảnh xã hội, thực trạng đời sống. Nhiều họa sĩ trẻ khắc họa cuộc sống của giới trẻ thành thị, sự lên ngôi của công nghệ, sự cô đơn hiện diện mọi nơi... Bên cạnh các chủ đề khá “nặng đô”, triển lãm không thiếu các tác phẩm thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên, đời sống với gam màu ấm nóng, rực rỡ.
Dù chưa thực sự rõ nét và khiến người xem phải trầm trồ, sự xuất hiện của nhân tố mới cũng giúp thị trường mỹ thuật thêm sôi động, đa dạng màu sắc. Quá trình sáng tạo và định danh trong hội họa rất dài và không dễ dàng nên những nhân tố nào bền bỉ lao động, sáng tạo chắc chắn sẽ được công nhận trong tương lai.
An Trịnh